Đổ bệnh vì nắng nóng

.

Thời tiết nắng nóng trong những ngày qua khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết nắng nóng hiện nay có thể gây ra nhiều bệnh theo mùa, đặc biệt là cho trẻ nhỏ nếu người lớn không có những biện pháp phòng tránh hợp lý, kịp thời.

Thời tiết nắng nóng, hơn 700 trẻ em đăng ký khám bệnh mỗi ngày tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Thời tiết nắng nóng, hơn 700 trẻ em đăng ký khám bệnh mỗi ngày tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Hơn 700 trẻ em khám bệnh mỗi ngày

Những ngày gần đây, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận lượng lớn bệnh nhi đến khám, điều trị. Anh Trần Văn Khoa (trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bồng con nhỏ 3 tuổi đến khám từ sáng sớm chia sẻ, thời tiết nắng nóng khiến con anh bị sốt, tiêu chảy 4 ngày nay.

Mặc dù được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam (tỉnh Quảng Nam) khám, kết luận bị sốt, tiêu chảy do thời tiết nắng nóng nhưng vì bệnh tình cháu không thuyên giảm nên anh vội vàng chuyển con ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để điều trị. “Cứ chiều đến tối cháu lại sốt, có hôm 38-39oC, nửa đêm phải cho cháu uống thuốc giảm sốt. Chưa hết, mỗi ngày cháu đi ngoài gần 20 lần nên mất nước rất nhiều”, anh Khoa lo lắng.

Tại khoa Khám đa khoa cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi có hàng trăm người nhà bồng bế con, cháu trên tay để chờ đến lượt khám. Bác sĩ Lê Thanh Cẩm, Phó Trưởng khoa Khám đa khoa cấp cứu cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 700 trẻ em đến đăng ký khám với khoảng gần 1.000 lượt. Vào những ngày đầu tuần, số trẻ đăng ký khám tăng hơn 20% so với ngày thường.

Các bệnh mà trẻ thường mắc phải trong dịp này là tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn, viêm hô hấp cấp, nhiễm siêu vi trùng, sốt siêu vi… Theo bác sĩ Cẩm, việc thời tiết đổi từ mùa xuân sang mùa hạ là điều kiện thuận lợi để các loại vi-rút phát triển. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng trong những ngày qua khiến cơ thể dễ bị sốc nhiệt, mất nước, gây ra các bệnh về tiêu hóa, hô hấp.

“Cần vệ sinh cho các cháu sạch sẽ, quan tâm chế độ dinh dưỡng hằng ngày, đặc biệt là uống đủ nước, trẻ nhỏ thường ham chơi nên rất dễ mất nước dẫn đến sốc nhiệt. Thời điểm từ 10-15 giờ nên hạn chế trẻ chạy nhảy bên ngoài, tiếp xúc với ánh nắng”, bác sĩ Cẩm khuyến cáo. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu viêm mũi, viêm họng, chảy nước mũi cần đưa trẻ đi khám sớm, kịp thời để phòng tránh biến chứng.

Thời tiết nắng nóng, hơn 700 trẻ em đăng ký khám bệnh mỗi ngày tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Thời tiết nắng nóng, hơn 700 trẻ em đăng ký khám bệnh mỗi ngày tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Dịch bệnh vẫn còn phức tạp

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết (SXH), vi-rút Zika thời gian qua vẫn còn hết sức phức tạp. Trong tháng 5, Bộ Y tế ban hành công văn khẩn, yêu cầu một số địa phương (trong đó có Đà Nẵng) tăng cường phòng, chống bệnh SXH và vi-rút Zika.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, công tác phòng, chống bệnh SXH và vi-rút Zika vẫn đang được triển khai trên toàn địa bàn. Trong 2 tuần qua, ngành y tế thành phố ghi nhận gần 140 ca mắc SXH, với 11 ổ dịch, tập trung ở một số địa phương như Thanh Khê (27 ca), Sơn Trà (25 ca), Ngũ Hành Sơn (22 ca), Liên Chiểu (25 ca)… Ngoài ra, theo số liệu từ các cơ sở y tế báo cáo, ghi nhận 37 ca bị tay chân miệng, 65 ca mắc thủy đậu cùng một số bệnh truyền nhiễm khác như sốt phát ban nghi sởi, Rubella, cúm A/H1N1/pdm…

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, đơn vị cử lực lượng tham gia giám sát quy trình xử lý ổ dịch nhỏ tại các phường, xã trên địa bàn thành phố, giám sát trọng điểm bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng.

Ngoài ra, các trang thiết bị, vật tư, hóa chất luôn chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phòng chống dịch bệnh, không để dịch xâm nhập, lây lan và bùng phát, chủ động đáp ứng các tình huống khẩn cấp. Song, theo bác sĩ Thạnh, để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các ngành, địa phương.

“Hiện nay đang trong thời điểm nắng nóng, nguy cơ xuất hiện và gia tăng các bệnh dịch mùa hè như tiêu chảy, tay chân miệng, thủy đậu, viêm kết mạc càng tăng cao. Vì vậy, các đơn vị tăng cường các biện pháp truyền thông, các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tăng cường tuyền truyền thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bọ gậy, muỗi để phòng dịch bệnh SXH”, bác sĩ Thạnh nhấn mạnh.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.