.

Rau ngót Nhật - Biến hoa sông Hằng

.

Sau khi Báo Đà Nẵng cuối tuần đăng bài “Lá diễn hay rau Gan heo”, có bạn đọc phản hồi cho tôi biết có một số tài liệu phổ biến trên mạng cho rằng Lá diễn - Dicliptera chinensis  là cây Rau ngót Nhật.

Rau ngót Nhật là Biến hoa sông Hằng có hoa tím hoặc hoa trắng được trồng ở Khuê Trung và tại một vườn thuốc ở Hòa Xuân (ảnh phải). Ảnh: P.C.T
Rau ngót Nhật là Biến hoa sông Hằng có hoa tím hoặc hoa trắng được trồng ở Khuê Trung và tại một vườn thuốc ở Hòa Xuân (ảnh phải). Ảnh: P.C.T

Về cây Rau ngót Nhật thì tôi có quan sát thấy nhiều gia đình ở Đà Nẵng trồng trong vườn nhà, trong chậu kiểng trong những năm gần đây. Đây là loài rau sạch, dễ trồng, không kén đất, phát triển nhanh, cho rau ăn thơm ngon như rau ngót, nên gọi là Rau ngót Nhật, hay Rau ngót Hà Nội, vì cho rằng cây này được mang giống từ Nhật hay Hà Nội về.  

Cộng đồng dân cư trồng rau sạch đô thị đã phổ biến cho nhau trồng loại rau này trong vườn nhà, trên sân thượng, trước ban-công. Rau ngót Nhật nhân giống bằng cách giâm cành, dễ sống, nhanh ra rễ. Cây sinh trưởng mạnh, ra lá liên tục, có thể thu hoạch làm rau thường xuyên, do vậy ít ai thấy bông nở.

Rất may cho tôi, mới trong tuần trước, trên đường đi làm, tôi đã gặp một chậu Rau ngót Nhật ra hoa tím và đã chụp ảnh lưu trong điện thoại. Nhân có ý kiến của bạn đọc, tôi đã dành một buổi tối cuối tuần đem ảnh này ra đối chiếu, phân tích, hy vọng định danh được tên khoa học để trả lời bạn đọc.

Thấy hoa lá cây này gần tương tự  như một số cây thuộc họ Ô rô, nên tôi tập trung tìm kiếm họ này trên một số trang mạng quen thuộc như http://www.natureloveyou.sg/;  http://vietnamplants.blogspot.com  và phát hiện ra ngay đó là cây Biến hoa sông Hằng.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, Biến hoa sông Hằng, còn tên Thập vạn thác (十万错)- Asystasia gangetica (L.) T. Anderson (A.conromandeliana Nees), thuộc họ Ô rô - Acanthaceae.

Đây là loài cây thảo rất đa dạng, mọc nằm, sống nhiều năm. Lá có cuống phiến xoan, nhọn, tù tròn hay gần hình tim ở gốc, nhọn, dài 3-12cm, rộng 1-4cm, mặt dưới phủ lông rải rác. Hoa xếp thành chùm ở ngọn hay ở bên. Quả nang dài 3cm, có phần gốc không sinh sản dài 15mm; hạt có bề mặt sần sùi, có mép lượn sóng không đều. Cây mọc dọc đường đi, bờ rào, ra hoa vào mùa hè. Phân bố ở Hà Nội (Ba Vì), Ninh Bình, Thừa Thiên Huế. Kon Tum, Khánh Hòa, Đồng Nai. Còn có ở  Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippinne, Australia và châu Phi.

Nghiên cứu thành phần hóa học thấy có các vết của alcaloid. Công năng, tác dụng được ghi nhận là có tác dụng trừ giun, tiêu sưng, trừ thấp. Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch lá làm thuốc trừ giun xoa trị sưng viêm và đau thấp khớp. Ở Vân Nam (Trung Quốc) toàn cây dùng trị đòn ngã tổn thương và gãy xương.
Tra cứu thêm trong Trung Hoa bản thảo, cây này có tên là Trật đả thảo (跌打草), [tên đồng nghĩa: Justicia gangetica L.; Ruellia coromandelina Wall.; A.chelonoides Nees] vị cay tính bình, có công năng tán ứ tiêu thũng, liền xương, cầm máu; chủ trị sưng đau do đòn ngã, gãy xương, ngoại thương chảy máu. Liều dùng sắc uống từ 15-30g, dùng ngoài giã đắp lượng vừa đủ.

Theo Trung Quốc Thực vật chí, thì trước đây Thập vạn thác lá rộng - Asystasia gangetica và Thập
vạn thác - A.chelonoides là hai loài khác nhau, nhưng các nghiên cứu về sau thống nhất là một loài.
So sánh đối chiếu hình ảnh và dẫn liệu đã nêu trên đây, theo tôi, cây Rau ngót Nhật được nhiều người trồng hiện nay chính là Biến hoa sông hằng trong Từ điển cây thuốc Việt Nam và là Trật đả thảo hay Thập vạn thác trong tài liệu Trung Quốc.

Theo kinh nghiệm trên mạng, muốn cây rau ngót Nhật có bông nở nhiều và đẹp như một chậu hoa, cần phải để chậu hơn 2 tháng tuổi, không ngắt ngọn, không lấy lá làm rau, thì cây sẽ già và bật bông hàng loạt. Bông ngót Nhật có màu trắng hoặc tím rất đẹp, theo tài liệu trên mạng có khi còn có màu vàng, màu kem nữa.

Xin được nói thêm, cách đây một năm, khi đi điều tra tại vườn cây thuốc của một lương y ở phường Hòa Xuân, đã được chủ nhân giới thiệu một cây có hoa màu trắng và cũng gọi là Lá diễn. Nay xin đính chính tên đúng là Biến hoa sông Hằng.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.