Tiểu đoàn Đặc công nước 471 - Khúc tráng ca hào hùng

.

Tiểu đoàn Đặc công nước 471 được thành lập ngày 25-2-1971, có nhiệm vụ hậu cứ đứng chân ở Khu I - cánh bắc Hòa Vang, trực thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà. Trong hơn 4 năm (3-1971 - 4-1975), Tiểu đoàn Đặc công nước 471 đánh 41 trận (29 trận đánh mục tiêu dưới nước, 12 trận trên cạn), tiêu diệt hàng trăm tên địch, đánh chìm 10 tàu vận tải quân sự, sân bay Xuân Thiều, kho xăng Liên Chiểu; phá hủy hàng chục vạn tấn hàng hóa, xăng dầu, phương tiện chiến tranh của địch…

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công nước 471 gặp mặt truyền thống. Ảnh: T.L
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công nước 471 gặp mặt truyền thống. Ảnh: T.L

Những chiến công oanh liệt

Đầu tháng 4-1972, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 nhận lệnh tổ chức trinh sát, nắm tình hình di biến động của tàu vận tải quân sự Mỹ trên vịnh Đà Nẵng. Chiều 6-4-1972, tổ trinh sát Đội đặc công 1 phát hiện một tàu vận tải cỡ lớn từ phao số không vào neo trên vịnh, gần khu vực kho xăng Liên Chiểu. Gần tối cùng ngày, tổ trinh sát phát hiện thêm 2 tàu vận tải cỡ lớn theo sau tàu hoa tiêu vào neo đậu về phía bắc cảng Tiên Sa…Đội trưởng Đội đặc công 1 Nguyễn Hồng Quảng và tổ trinh sát được phân công tổ chức khảo sát thực địa, chọn vị trí tập kết xuất phát chiến đấu, thời gian tác chiến, thời gian rút quân… bảo đảm cho phương án tác chiến chắc thắng.

Ngày 7-4, Đội trưởng Nguyễn Hồng Quảng và tổ trinh sát len lỏi trong vùng địch, để nắm chắc tình hình địch. Sau đó, xác định mục tiêu đánh phá trong trận này gồm: 1 tàu vận tải chở dầu đang neo đậu gần khu vực kho xăng Liên Chiểu chờ bơm nhiên liệu vào kho; 2 tàu vận tải quân sự cỡ lớn đang neo đậu cách đó khá xa chờ bốc hàng vào kho Bàu Mạc. Đội đặc công 1 sử dụng ba tổ tác chiến đánh 3 mục tiêu đã xác định... Theo tính toán, thời gian bơi và tiếp cận mục tiêu, cho đến khi gắn mìn và rút quân mất 9,5 - 10 giờ. Như vậy, xuất phát từ lúc trời vừa tối thì sau khi hoàn thành nhiệm vụ vẫn còn đủ thời gian rút về vị trí an toàn trước khi trời sáng.

Đúng 19 giờ ngày 8-4, ba tổ chiến đấu lần lượt xuất phát tiến về các mục tiêu được phân công. Thời tiết lúc này vẫn còn những đợt gió mùa, nước biển càng về đêm càng lạnh buốt. Trong khi đó, những chiếc ca nô của địch khi thì thả trôi, lúc thì rú máy rồi xả đạn. Biết rõ quy luật hoạt động của chúng, các tổ chờ cho loạt đạn vừa xả xong là nhanh chóng tiếp cận... Khoảng nửa đêm, cả 3 mục tiêu đều bị gắn mìn và kíp nổ được hẹn sau 1 giờ sẽ nổ. Sau khi các đặc công rời vị trí chiến đấu, lần lượt cả 3 tàu đều phát nổ và chìm xuống biển, hàng chục triệu lít xăng bị thiêu rụi trong đêm.

Cầu Thủy Tú (gồm cầu đường bộ và cầu đường sắt chạy song song nhau) nằm trên quốc lộ 1 và đường sắt Đà Nẵng - Huế. Đây là tuyến đường huyết mạch địch dùng vận chuyển lực lượng, vũ khí, đạn dược, thuốc men, nhu yếu phẩm cung cấp cho chiến trường Trị Thiên lúc bấy giờ. Để bảo vệ tuyến đường huyết mạch này luôn là nhiệm vụ hàng đầu của địch, nhất là những vị trí trọng yếu. Nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Mặt trận 44, Ban chỉ huy Tiểu đoàn Đặc công nước 471 giao nhiệm vụ cho Đội đặc công 2 bằng mọi cách phải tổ chức đánh sập hai cầu này. Sau nhiều lần tổ chức trinh sát, bộ phận tác chiến lặn vào tận chân cầu, vẽ bản đồ từng chi tiết, rồi đắp sa bàn lên phương án chiến đấu... Đêm 6-4-1972, đơn vị xuất quân. Tổ trinh sát đưa bộ phận mang vác thuốc nổ đến vị trí quy định và tiến hành lắp ráp hai khối thuốc. Giờ G đã điểm, hai tổ chiến đấu lặng lẽ trườn mình và kéo theo hai khối thuốc xuống nước. Đêm đầu tiên mọi việc đều thuận lợi, nhưng khi kéo khối bộc phá vào trụ cầu ở bờ nam lại bị mắc cạn. Chỉ huy trận đánh quyết định lùi vào đêm sau.

Đêm 7-4 rạng sáng 8-4, hai tổ chiến đấu đưa được khối thuốc vào đúng vị trí mố cầu ở giữa sông, cố định khối nổ, điểm hỏa kíp hẹn giờ rồi lặng lẽ rút ra khỏi mục tiêu. 2 giờ 45, một tiếng nổ vang lên, 2 giờ 55 tiếng nổ thứ hai nối tiếp. Cầu sắt lật nhào hai nhịp, trụ thứ ba cầu xi-măng đổ sập. Địch phải mất nhiều ngày để sửa chữa và 20 ngày sau, khi công binh địch vừa sửa chữa xong cầu đường sắt, đang cho đầu máy xe lửa chạy thử, thì ta tổ chức đánh tiếp. Từ đó chúng bỏ luôn cầu đường sắt, chỉ tập trung sửa chữa và tăng cường bố phòng giữ cầu đường bộ... Đánh sập một lúc hai cầu xi-măng và cầu đường sắt, ta đã bẻ gãy tuyến giao thông Đà Nẵng - Huế nhằm cắt đứt tiếp viện trong khoảng thời gian nhất định, gây khó khăn cho địch trên chiến trường Trị Thiên, tạo điều kiện cho các đơn vị bạn hoàn thành nhiệm vụ…

Vượt biển thọc sâu vào hậu cứ địch

Đêm 4-9-1972, Đội đặc công 1 tổ chức một phân đội nhỏ chia làm 3 tổ vượt biển từ Hòa Hiệp Bắc ra bán đảo Sơn Trà. 19 giờ ngày 5-9-1972, đội hình xuất phát từ vị trí dưới chân đèo Hải Vân. Đến 4 giờ 30 ngày hôm sau, phân đội đặc công nước đặt chân lên bán đảo Sơn Trà. Từ đó các phân đội thay phiên nhau bí mật vượt biển đưa lực lượng, vũ khí trang bị đến bán đảo Sơn Trà, chuẩn bị kế hoạch, phương án chiến đấu, sẵn sàng chờ lệnh xuất phát tiến công.

Đêm 10-9-1972, Phân đội 3 (Đội đặc công 1) hành quân. Nhiệm vụ chủ yếu của Phân đội 3 là khẩn trương điều tra, lập phương án chiến đấu, đánh phá trạm ra-đa đối hải của Mỹ - ngụy nằm phía bắc bán đảo Sơn Trà... Trên cơ sở nhiệm vụ được giao và kết quả điều tra nghiên cứu về địch, Phân đội 3 sử dụng 3 tổ làm nhiệm vụ như sau: Tổ 1 đánh đài ra-đa, Tổ 2 đánh khu nhà ở của lực lượng bảo vệ và nhân viên kỹ thuật, Tổ 3 đánh trạm phát điện và kho nhiên liệu...

19 giờ ngày 15-9-1972, Phân đội trưởng Đội 3 ra lệnh xuất kích. Đến 20 giờ, Tổ 1 bí mật luồn sâu vào trung tâm, đưa khối bộc phá điểm hỏa bằng kíp nổ hẹn giờ áp sát trụ ăng-ten ra-đa rồi nhanh chóng rút ra ngoài. Các tổ khác cũng nhanh chóng đưa đội hình vào áp sát mục tiêu đợi lệnh nổ súng. Lúc 21 giờ 30, quả bộc phá ở tháp ra-đa bùng nổ rung chuyển cả bán đảo Sơn Trà. Các tổ chiến đấu ở mục tiêu khác cũng đồng loạt tiến công bằng thủ pháo, lựu đạn; đài ra-đa, trang thiết bị đều bị phá hủy, bọn lính bảo vệ và nhân viên bất ngờ không kịp trở tay, trạm phát điện bị đánh tan, kho nhiên liệu bốc cháy rực sáng cả khu rừng phía bắc Sơn Trà. Sau 10 phút nổ súng chiến đấu, các tổ đã làm chủ trận địa và rút lui an toàn. Trận đánh tiêu diệt trạm ra-đa đối hải của Mỹ - ngụy là chiến thắng có ý nghĩa rất lớn, góp phần bảo đảm an toàn cho các đoàn tàu không số của Hải quân ta vận chuyển vũ khí, trang bị qua các vùng biển miền Trung chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngày 24-10-1972, bộ phận trụ bám ở bán đảo Sơn Trà phát hiện tàu vận tải quân sự có trọng tải khoảng 10.000 tấn vào neo đậu cách cảng Tiên Sa 1km về phía bắc, lập tức phân đội sử dụng 1 tổ trang bị mìn nam châm để tiêu diệt tàu. 18 giờ ngày 26-10-1972, tổ chiến đấu xuất kích từ vị trí trú quân bí mật luồn vào giữa các căn cứ của địch, tiến xuống bờ vịnh (phía nam cảng Tiên Sa 1km). Đến 21 giờ, tổ bơi lặn vòng lên phía tây cảng Tiên Sa tiến đến vị trí tàu neo đậu. Khi tổ vượt ra khỏi con tàu 1km thì một tiếng nổ nơi tàu neo đậu bùng lên, con tàu bốc cháy và từ từ chìm xuống lòng vịnh, lửa khói tỏa ra giữa vịnh Đà Nẵng. Lúc này tổ chiến đấu vẫn còn lênh đênh trên mặt biển và sau 2 giờ bơi lặn, tổ về đến nơi trú ẩn an toàn...

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, trong không khí phấn khởi của quân và dân Quảng Đà, Tiểu đoàn Đặc công nước 471 được lệnh tổ chức một đội làm nòng cốt cho Lữ đoàn 126 Hải quân do đồng chí Bùi Quang Giang, Chính trị viên Đội 3, làm chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, tập thể Tiểu đoàn Đặc công nước 471 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Cờ Quyết chiến quyết thắng, Cờ Anh hùng diệt Mỹ. Cấp đội được tặng thưởng 12 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba. Ngoài ra, 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 56 cá nhân được tặng thường Huân chương Chiến công hạng Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 17-10-2023, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1209/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn Đặc công nước 471, Mặt trận 44 Quảng Đà.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.