Ấm áp nghĩa tình ngày mưa lũ

.

Mưa kéo dài, trắng xóa cả bầu trời, nhiều khu vực thấp trũng trên địa bàn thành phố bị ngập. Nước dâng cao, nhiều phụ nữ mang thai, người già và trẻ em trong những phòng trọ, căn nhà cấp 4 tại các kiệt hẻm lo lắng... Và rồi, sự xuất hiện của những chiến sĩ lực lượng vũ trang đã xóa tan nỗi âu lo và giọt nước mắt cảm động, hạnh phúc rơi xuống, hòa lẫn vào dòng nước đang chảy xiết…

Lực lượng Dân quân thường trực phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) hỗ trợ người dân khu vực Khe Cạn bị ngập lụt đến nơi trú tránh an toàn. Ảnh: D.Q
Lực lượng Dân quân thường trực phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) hỗ trợ người dân khu vực Khe Cạn bị ngập lụt đến nơi trú tránh an toàn. Ảnh: D.Q

Giọt nước mắt hạnh phúc

Những cơn mưa lớn vừa dứt, cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an quận Liên Chiểu tất bật đưa phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị chuyên dụng về lại trụ sở. Vẻ mệt mỏi hiện trên từng khuôn mặt của những cán bộ, chiến sĩ, phần nào nói lên sự gian nan, vất vả mà các anh đã trải qua trong những ngày Đà Nẵng đối mặt với mưa lụt...

Đang sắp xếp từng chiếc áo phao, dụng cụ CNCH vào nơi dễ nhìn thấy nhất, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Liên Chiểu quay sang hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ kiểm tra, bảo dưỡng từng phương tiện, bảo đảm hoạt động thông suốt...

Thiếu tá Hải kể, trưa 13-10, những cơn mưa nặng hạt kéo đến, dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến 28 khu vực thấp trũng trên địa bàn quận Liên Chiểu, nhất là khu vực đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam). Đội Cảnh sát PCCC&CNCH nhanh chóng triển khai lực lượng và phương tiện chuyên dụng có mặt tại các điểm xung yếu, cùng các đơn vị, địa phương tích cực hỗ trợ người dân kê cao tài sản; đồng thời di chuyển những người yếu thế đến nơi trú tránh an toàn. Chiều muộn 13-10, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Liên Chiểu nhận tin báo, tại kiệt 4 đường Nguyễn Sinh Sắc nước lên nhanh, một số người dân đang mắc kẹt... Phương án ứng cứu được đưa ra và sau ít phút, lực lượng CNCH đã tiếp cận hiện trường.

Theo Thiếu tá Hải, lúc đó mưa rất lớn và dòng nước đang chảy xiết từ đường lớn vào trong kiệt. Mức nước tại kiệt 4 Nguyễn Sinh Sắc sâu từ 1,5-2m. Khu dân cư bị ngập sâu, người dân không có phương tiện di chuyển ra ngoài, đành leo lên bàn, gác lửng trú tránh, chờ lực lượng cứu hộ ứng cứu… Trời chập choạng tối, mù mịt, gần 10 cán bộ, chiến sĩ cùng trang thiết bị chuyên dụng men theo dây cứu hộ được cột chặt vào điểm cố định từng bước vượt nước sâu, băng dòng chảy xiết tiến nhanh vào trong kiệt. Tiếng còi, tiếng loa thông báo vang vọng, báo hiệu lực lượng chức năng đã có mặt… Đang lo lắng, hoảng sợ, thấy lực lượng CNCH xuất hiện, nhiều người dân vỡ òa hạnh phúc. Những giọt nước mặt cảm động đã rơi, hòa lẫn vào dòng nước…

“Chúng tôi đưa từng người lên phao cứu hộ, xuồng cao su và di chuyển ra đầu kiệt. Tuy nhiên, việc di chuyển gặp nhiều khó khăn, trở ngại do dòng nước đang chảy ngược từ đường lớn vào trong kiệt. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đưa được 10 cháu nhỏ, 3 phụ nữ có thai và 7 người già đến nơi an toàn, bàn giao chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ…”, Thiếu tá Hải nói.

Lực lượng Dân quân thường trực phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) hỗ trợ người dân khu vực Khe Cạn bị ngập lụt đến nơi trú tránh an toàn. Ảnh: D.Q
Lực lượng Dân quân thường trực phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) hỗ trợ người dân khu vực Khe Cạn bị ngập lụt đến nơi trú tránh an toàn. Ảnh: D.Q

Trong lúc thu dọn phương tiện, dụng cụ rời điểm kiệt 4 đường Nguyễn Sinh Sắc, lực lượng CNCH nhận tin báo tại một kiệt trên đường Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam) nhiều người dân đang bị mắc kẹt do nước lên nhanh. Cán bộ, chiến sĩ vội vã lên đường… Sau khi đưa tất cả người dân đến nơi khô ráo, lực lượng cứu hộ dừng chân lót dạ bằng những ổ bánh mì.

Thiếu tá Hải nhớ lại, lực lượng chạy xuyên đêm, chưa kịp nghỉ ngơi thì lúc 3 giờ 51 ngày 14-10, tiếp tục nhận tin báo một số người dân tại kiệt 161 đường Mẹ Suốt đang cần giúp đỡ. Lúc này, mực nước tại kiệt 161 đường Mẹ Suốt dâng cao, có nơi lên đến 2,2m… Vượt qua hàng trăm mét đường kiệt hẻm ngập sâu, quanh co, tối tăm mù mịt, lực lượng CNCH trong tâm thế “tay xách, nách mang” đã tiếp nhận được những người dân cần giúp đỡ.

“Lần lượt từng người được đưa lên pháo cứu hộ, xuồng cao su và di chuyển ra ngoài an toàn trong đêm đen. Đến 5 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã đưa 2 người già, 9 trẻ em từ 5 - 7 tuổi và 1 phụ nữ mắc kẹt đến nơi tránh trú an toàn. Dù đêm tối, nước chảy xiết, ngập ngang cổ, nhưng với tinh thần nỗ lực hết mình, cán bộ, chiến sĩ đã bằng mọi biện pháp tiếp cận nhân dân trong vùng ngập sâu nhanh nhất”, Thiếu tá Hải nhớ lại.

Sau mấy ngày nghỉ ngơi và dưỡng thai tại cơ sở y tế, chị H.T.T.K (SN 1994) đã trở về căn nhà trọ nằm trong kiệt 4 Nguyễn Sinh Sắc. “Chiều hôm đó, chồng đi làm chưa về nhưng thấy nước ngập vào nhà, tôi vội lên căn gác nhỏ để tránh. Tuy nhiên, nước lên rất nhanh khiến tôi vô cùng lo lắng. Trong lúc đang lo sợ và không biết xử lý như thế nào, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt khiến tôi cảm động rơi nước mắt. Các anh nhanh chóng dìu tôi lên phao cứu sinh và đưa ra ngoài. Tôi và gia đình vô cùng biết ơn lực lượng CNCH”, chị K. chia sẻ.

Cùng tâm trạng với chị K., bà N.T.H (trú kiệt 161 đường Mẹ Suốt) cho biết: “Đêm tối, nước lên nhanh, nhà ngập sâu nên chúng tôi không kịp trở tay. May mắn lực lượng công an có mặt kịp thời đưa tôi cùng những người già, trẻ em trong kiệt đến nơi an toàn. Chúng tôi vô cùng cảm kích và biết ơn những chiến sĩ không ngại gian khó, hiểm nguy, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ”.

Giúp dân là mệnh lệnh từ trái tim

Trong hai ngày, 13 và 14-10, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố túc trực tại các điểm xung yếu; tuyến đường, kiệt hẻm, khu dân cư ngập úng, khẩn trương sơ tán hơn 6.800 người dân đến nơi an toàn… Là một trong những địa điểm thấp trũng nhất thành phố, cứ mỗi đợt mưa lớn kéo đến, khu vực Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) lại ngập úng. Hiểu rõ thực trạng của khu vực này, ngày 13-10, khi mưa lớn bắt đầu xuất hiện, những chiến sĩ dân quân phường Thanh Khê Tây cùng lực lượng công an, quân sự, biên phòng… hỗ trợ người dân kê cao vật dụng, tài sản; đồng thời di chuyển người dân đến nơi khô ráo.

Chiến sĩ dân quân phường Thanh Khê Tây Phan Nguyễn Anh Kiệt cho biết: “Lúc đó, những người yếu thế được ưu tiên di chuyển ra trước. Chúng tôi cõng từng người già, trẻ em vượt hàng trăm mét đường kiệt hẻm ngập sâu ra nơi khô ráo. Chiều và tối 13-10, khu vực Khe Cạn ngập từ 1-1,5m nên việc di chuyển người dân đến nơi an toàn gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với tinh thần xung kích, vì nhân dân phục vụ, chúng tôi đã vượt qua khó khăn, gian khổ để hỗ trợ, giúp đỡ người dân một cách nhanh nhất”, anh Kiệt nói.

Lực lượng Cảnh sát cơ động hỗ trợ, di chuyển người dân khu vực thấp trũng tại quận Liên Chiểu đến nơi khô ráo, an toàn. Ảnh: C.A
Lực lượng Cảnh sát cơ động hỗ trợ, di chuyển người dân khu vực thấp trũng tại quận Liên Chiểu đến nơi khô ráo, an toàn. Ảnh: C.A

Trên đầu, mưa trắng trời như trút nước, dưới chân, nước dâng cao ngang ngực nhưng hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (Phòng Cảnh sát cơ động, Công an thành phố) vẫn miệt mài vượt qua hiểm nguy, len lỏi vào từng ngõ sâu, khu vực ngập úng trên tuyến đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam) và một số địa điểm tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) để hỗ trợ di chuyển dân và trao tận tay người dân từng ổ bánh mì, chai nước…

Trung tá Nguyễn Quang Thông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động cho biết: “Trong số những người dân được lực lượng hỗ trợ di chuyển ra khỏi khu vực ngập sâu, có lẽ trường hợp hai mẹ con sống trong căn phòng trọ tại tổ 129 (phường Hòa Minh) là đáng nhớ nhất. Đang bế con nhỏ vừa mới sinh được vài tháng đứng trú tránh trên gác phòng trọ, cô gái bật khóc khi thấy lực lượng cứu hộ đến. Cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đưa mẹ con cô gái lên xuồng cao su và che chắn cẩn thận rồi lần mò trong dòng nước chảy xiết để đưa ra nơi khô ráo. Cô gái cảm ơn lực lượng cứu hộ, lên xe rời đi đến nơi trú tránh trong mưa lớn”.

Mưa đã ngừng rơi, nước đã ngấm sâu vào trong lòng đất nhưng tình quân dân gắn bó mật thiết vẫn còn đọng lại mãi. Theo Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam Bùi Trung Khánh, trong hoạt động di chuyển, hỗ trợ nhân dân, có công rất lớn của lực lượng vũ trang nói chung. Chính quyền và nhân dân phường Hòa Khánh Nam rất cảm kích trước hành động vì nhân dân của các chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Còn ông Nguyễn Thế Hùng (trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) xúc động: “Lực lượng công an, quân sự, biên phòng nhanh chóng tiếp cận các điểm ngập sâu để giúp dân. Những nhà thuộc vùng trũng sâu nhất và trẻ em, người già được sơ tán kịp thời nên không có thiệt hại nhiều. Người dân rất cảm kích và biết ơn tinh thần dũng cảm, không quản ngại nguy hiểm vì nhân dân của các chiến sĩ lực lượng vũ trang”.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.