Kinh tế

Phát triển nguồn nhân lực để phục hồi du lịch

07:42, 18/11/2023 (GMT+7)

Nhân lực là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng của ngành du lịch, dịch vụ. Muốn phát triển du lịch bền vững thì đội ngũ nguồn nhân lực phải có tay nghề chất lượng cao, có kỹ năng để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như điểm đến.

Ngành du lịch luôn quan tâm đến việc nâng cao tay nghề, kỹ năng của đội ngũ nhân lực. Trong ảnh: Trao đổi giữa các doanh nghiệp với khách hàng tại ngày hội du lịch Đà Nẵng 2023. Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch luôn quan tâm đến việc nâng cao tay nghề, kỹ năng của đội ngũ nhân lực. TRONG ẢNH: Trao đổi giữa các doanh nghiệp với khách hàng tại ngày hội du lịch Đà Nẵng 2023. Ảnh: THU HÀ

Sau những tháng cao điểm hè đón khách, thời điểm này, các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch trên địa bàn thành phố quan tâm nhiều đến các chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ lao động của ngành du lịch. Thường xuyên tham gia các khóa tập huấn về kỹ năng bán hàng trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kinh doanh; phục vụ thị trường khách du lịch Hồi giáo… do Sở Du lịch tổ chức, anh Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event (V.E.I) chia sẻ, sau dịch bệnh, xu hướng của du khách có nhiều sự thay đổi về thói quen đi du lịch, về thị trường khách, sở thích… nên việc học thêm các kỹ năng, kiến thức là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp cũng như những người trực tiếp phục vụ khách hàng được trang bị thêm kiến thức, nắm bắt xu thế, nhu cầu của khách để có hướng đi đúng đắn.

Theo báo cáo về tình hình du lịch của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), năm 2023, ngành du lịch và lữ hành toàn cầu đã phục hồi hơn 84% so với năm 2019. Dự báo thời gian tới ngành du lịch sẽ đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức; trong đó có khó khăn lớn về phục hồi và phát triển nguồn nhân lực.

Những người làm du lịch tại Đà Nẵng cho rằng, một trong những khó khăn nhất hiện nay là khan hiếm nguồn cung nhân lực chất lượng cao, đặc biệt tại các cấp quản lý điểm đến, quản lý về chính sách, quản lý điều hành, trưởng và nhân viên các bộ phận dịch vụ có tay nghề cao... Lý giải về vấn đề này, đại diện một khách sạn nhìn nhận một phần do tác động ngầm của những năm dịch bệnh đã ảnh hưởng quá lớn đến ngành du lịch - dịch vụ; một phần nữa là do nhiều người đã rẽ hướng sang nghề khác hoặc chuyển đi nơi khác làm việc nên những vị trí quan trọng, tay nghề cao sẽ thiếu. Chưa kể, trong thời gian dịch bệnh kéo dài, các cơ sở lưu trú, dịch vụ không đón khách du lịch, các sinh viên hoặc lứa mới ra nghề không được thực hành nghề nhiều, những người còn đang làm thì lại kiêm nhiệm nên khó bảo đảm chuyên môn, chất lượng dịch vụ. Do đó, cần có thời gian để những lao động mới trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ.

Ngành du lịch thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn giúp nhân lực nâng cao tay nghề. Trong ảnh: Các đầu bếp trong một buổi tập huấn món mì Quảng tháng 11-2023.  Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn giúp nhân lực nâng cao tay nghề. TRONG ẢNH: Các đầu bếp trong một buổi tập huấn món mì Quảng tháng 11-2023. Ảnh: THU HÀ

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng cho hay, hiện nay các cơ sở lưu trú đều hoạt động trở lại và để nâng cao chất lượng, các khách sạn cũng có các hoạt động đào tạo tại chỗ. Trong năm nay, Hội Khách sạn tổ chức các khóa tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên như ứng dụng các nền tảng số, xây dựng nguồn khách du lịch bền vững; tổ chức 2 khóa đào tạo nghiệp vụ lễ tân và buồng phòng chuyên nghiệp cho các học viên đến từ các khách sạn trên địa bàn thành phố.

Ngày 19-12 này, Hội Khách sạn Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị tổ chức cuộc thi “Đầu bếp tài năng Đà Nẵng 2023 - Danang chef  talents competition 2023” với sự tham gia của các đầu bếp của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố... “Những hoạt động này sẽ giúp kết nối, tạo sân chơi lành mạnh để nhân lực trong ngành dịch có thể giao lưu trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và chất lượng dịch vụ”, ông Nguyễn Đức Quỳnh nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Tán Văn Vương cho biết, 10 tháng năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt hơn 6,4 triệu lượt, tăng 107% so với cùng kỳ năm 2022. Để phục vụ cho nguồn khách đến, sở luôn quan tâm, chú trọng công tác khôi phục nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Từ đầu năm đến nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục các hoạt động kinh doanh và bảo đảm duy trì chất lượng dịch vụ, thương hiệu điểm đến, thành phố đã hỗ trợ tổ chức 30 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch và tập trung vào các nội dung doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch cần như kiến thức chuyển đổi số, tư duy dịch vụ, kỹ năng, thái độ phục vụ khách chuyên nghiệp, kiến thức nghiệp vụ du lịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng duy trì trang website e-learning daotaodulichdanang.com với 20 khóa đào tạo trực tuyến miễn phí; 5 chương trình khảo sát thực tế các điểm tham quan du lịch, sản phẩm du lịch mới tại Đà Nẵng; phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các hội thành viên tổ chức các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tiếp tục tuyên truyền triển khai các bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch; phối hợp các trường đại học tổ chức các ngày hội việc làm, hướng nghiệp để thu hút nhân lực ngành.

Thông tin từ Sở Du lịch, 9 tháng năm 2023, thành phố có khoảng 50.700 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, tăng 43,6% (tương ứng tăng 15.394 người) so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 16,2% so với cùng kỳ 2019 (tương ứng tăng 7.086 người). Trong đó lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 25.200 người, tăng 2,86% so với năm 2022 và tăng 13,9% so với năm 2019; lao động tại doanh nghiệp lữ hành là 3.023 người, tăng 145,8% so với năm 2022 và tăng 88,3% so với năm 2019; hướng dẫn viên du lịch 5.576 người, tăng 64% so với năm 2022 và tăng 27,2% so với năm 2019... Tổng số lao động ngành du lịch đã qua đào tạo với nhiều hình thức chiếm tỷ lệ 65%, tỷ lệ lao động có chứng chỉ về ngoại ngữ đạt 40%...

THU HÀ

.