.

Độc đáo kiến trúc đình Túy Loan

.

ĐNĐT - Nằm cạnh dòng sông Túy Loan uốn khúc cùng những bãi bồi quanh năm xanh màu cây trái, đình Túy Loan mộc mạc nhưng thơ mộng với nét kiến trúc độc đáo riêng.

 Đình Túy Loan xưa (Ảnh tư liệu)
Đình Túy Loan xưa (Ảnh tư liệu)

Túy Loan (hay Thúy Loan) là một làng cổ, tọa lạc ở hướng Tây Nam của thành phố Đà Nẵng, thuộc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Văn bia ở nhà thờ ngũ tộc trong làng ghi rằng, năm vị tiền hiền của năm tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê trong khi đi mở mang bờ cõi theo lệnh vua Lê Thánh Tông đã chọn nơi đây lập ấp khai khẩn làm ăn. Tên làng Túy Loan cũng ra đời từ đó.

Ông Đặng Công Nhơn - Trưởng ban quản lý, trùng tu di tích đình làng, Chánh Hội chủ làng Túy Loan - cho biết, đình làng Túy Loan được xây dựng lần đầu tiên ước chừng vào năm 1470 với chất liệu tranh, tre, nứa, lá ở một nơi khác. Đến năm 1787, đình được trùng tu lần đầu. Năm 1888, đình không may bị cháy và được xây dựng lại ở mảnh đất bên cạnh dòng sông Túy Loan.

Toàn bộ đình và nhà thờ Chư Phái Tộc tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 8.000m2.
Toàn bộ đình và nhà thờ Chư Phái Tộc tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 8.000m2.
Bước qua cổng tam quan là đến các trụ biểu đứng cùng bình phong được đặt phía . Đây được xem như là một tam quan nội của đình. Trên thân trụ đều có các câu đối. Bình phong xây theo kiểu cuốn thư, mặt trong là hình hổ, mặt ngoài là hình long mã được đắp nổi.
Bước qua cổng tam quan là đến các trụ biểu đứng cùng bình phong được đặt phía trước. Đây được xem như là một tam quan nội của đình. Trên thân trụ đều có các câu đối. Bình phong xây theo kiểu cuốn thư, mặt trong là hình hổ, mặt ngoài là hình long mã được đắp nổi.

Trải qua nhiều lần thay đổi về vị trí, kiến trúc, đình Túy Loan hiện nay được xây dựng dưới thời vua Thành Thái năm Canh Tý (1990) trên cơ sở mô phỏng theo quy mô, kiểu thức ngôi đình cũ xây dựng thời Đồng Khánh.

Bài ký trên văn bia đặt trong đình của Tam giáp Nguyễn Khuê ghi lại việc lập đình có đoạn: "Đình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói. Trước sân có xây trụ biểu, bình phong trông rất xán lạn. Ngoài ra còn xây một ngôi từ đường ở bên trái để làm chỗ thờ các vị tiền hiền".

Từ đó đến nay, đình Túy Loan thường xuyên được tu tạo nhưng giá trị kiến trúc ban đầu không hề thay đổi. Đi qua hơn một thế kỷ, đình vẫn gần như nguyên trạng, mộc mạc nhưng thơ mộng bên cây đa cổ thụ và dòng sông uốn khúc.

Toàn bộ mặt bằng kiến trúc chính của đình có diện tích 110m2, gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm.
Toàn bộ mặt bằng kiến trúc chính của đình có diện tích 110m2, gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm.
Mái đình lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch, trên mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu mái đắp hình rồng uốn lượn được ghép bằng sành sứ.
Mái đình lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch, trên mái trang trí lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu mái đắp hình rồng uốn lượn được ghép bằng sành sứ.

Đình Túy Loan là một công trình có giá trị điển hình về mặt kiến trúc, bao gồm tiền đường, chính điện và hậu tẩm được nối liền liên tục từ trước ra sau. Tiền đường có kiểu kết cấu hỗn hợp, vừa có liên kết rường, vừa có liên kết kèo. Phần giữa của các vì, tức liên kết giữa hai cột cái (cột nhất) là liên kết rường theo kiểu thức chồng rường giả thủ.

Từ hai cột cái tỏa về hai phía trước và sau là các thanh kèo nối với các cột quân tạo nên kiểu kết cấu thượng rường hạ kèo. Phía đầu hồi, từ cột cái tỏa ra các kèo đấm, quyết để tạo thành hai chái như các công trình có vì kèo truyền thống.

Trong kiến trúc đình làng Đà Nẵng, kiểu kết cấu này tuyệt nhiên không tìm thấy ở bất kì ngôi đình nào khác.

 

 

Kiến trúc đình làng đặc sắc, riêng biệt của đình Túy Loan.
Kiến trúc đình làng đặc sắc, riêng biệt của đình Túy Loan.

Đình Túy Loan hiện còn 25 sắc phong do triều Nguyễn ban tặng, một tấm văn bia niên đại Thành Thái thứ nhất (1889) và nhiều hoành phi, liễn đối đã trên dưới 100 năm.

Không chỉ mang nét kiến trúc độc đáo, đình làng Túy Loan còn ghi dấu ấn trên những trang sử vàng chống giặc ngoại xâm. Năm 1945, dân làng Túy Loan lấy đình làng, nhà thờ làm trụ sở bài phong phản đế, cùng tổng An Phước kéo về huyện Hoà Vang cướp chính quyền Pháp - Nhật. Năm 1946 -1947, đình Tuý Loan là nơi đóng quân của tiểu đoàn 17 và 19 do ông Đàm Quang Trung chỉ huy.

Đi vào trong nội điện và hậu tẩm là nơi thờ cúng, gồm bàn thờ chính, bên tả, bên hữu. Hai bên còn có tả ban, hữu ban. Gian giữa có bàn thờ hội đồng cao hơn các bàn thờ khác, trên bàn có cặp hạc đứng chầu, hai bên có hai dãy lỗ bộ.
Đi vào trong nội điện và hậu tẩm là nơi thờ cúng, gồm bàn thờ chính, bên tả, bên hữu. Hai bên còn có tả ban, hữu ban. Gian giữa có bàn thờ hội đồng cao hơn các bàn thờ khác, trên bàn có cặp hạc đứng chầu, hai bên có hai dãy lỗ bộ.
Bên cánh phía Đông của đình là ngôi nhà thờ Tiền hiền.
Bên cánh phía Đông của đình là ngôi nhà thờ Tiền hiền.

Năm 1956 -1957, chính quyền Mỹ - Diệm chiếm cứ nơi đây làm trung tâm huấn chính để tra tấn, khai thác các cán bộ, đảng viên và những người yêu nước tham gia cách mạng của huyện Hoà Vang. Từ năm 1976 - 1977, Trung đoàn thông tin sử dụng đình làm nhà kho, làm căn cứ đóng quân do ông Nguyễn Văn Lang làm Trung đoàn trưởng.

Văn bia ở đình Túy Loan
Văn bia ở đình Túy Loan
Các bức hoành phi được treo tại đình làng Túy Loan
Các bức hoành phi được treo tại đình làng Túy Loan

Như vậy, có thể khẳng định rằng, đình Túy Loan là một trong những di tích lịch sử - văn hóa có giá trị nổi bật nhất ở Đà Nẵng. Năm 1999, đình Túy Loan được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

Nam Bình

;
.
.
.
.
.