Tăng trải nghiệm cho du khách

.

Đón đầu mùa du lịch hè năm nay, ngành du lịch và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đưa vào sử dụng một số sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Những sản phẩm mới này đã góp phần làm phong phú và đa dạng thêm chuỗi trải nghiệm của du khách khi đến Đà Nẵng.

Những người làm du lịch kỳ vọng sản phẩm du lịch mới sẽ làm phong phú thêm chuỗi sản phẩm của du lịch Đà Nẵng. Trong ảnh: Du khách tham gia tour đi bộ bên bờ sông Hàn. Ảnh: T.H
Những người làm du lịch kỳ vọng sản phẩm du lịch mới sẽ làm phong phú thêm chuỗi sản phẩm của du lịch Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách tham gia tour đi bộ bên bờ sông Hàn. Ảnh: T.H

Cuối tháng 4 vừa qua, Công ty Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel)- Chi nhánh Đà Nẵng đưa vào khai thác chương trình Free walking tours. Đây là tour du lịch được tổ chức hoàn toàn miễn phí cho du khách (tối đa 20 người) vào 16 giờ thứ Bảy hằng tuần. Tour xuất phát từ Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, trong 2 giờ đồng hồ với quãng đường dài khoảng 3km du khách sẽ được hướng dẫn viên đưa đi tham quan, trải nghiệm các địa danh, công trình kiến trúc độc đáo của Đà Nẵng như cầu quay Sông Hàn, chợ Hàn, cầu Rồng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Công viên vườn tượng APEC, cầu Tình yêu - tượng cá chép hóa Rồng.

Lần đầu tiên tham gia tour đi bộ miễn phí tại Đà Nẵng, ông Maclon Mugot (du khách Philippines) cho biết các thành viên trong đoàn được nghe thuyết minh về dòng sông Hàn thơ mộng, được ngắm cầu Rồng, đi mua sắm, thưởng thức đặc sản khô tại chợ Hàn, chụp ảnh với áo dài Việt Nam… rất thú vị. Điều khiến ông Maclon Mugot thích nhất là sự niềm nở, thân thiện của những người dân địa phương, đó là những ấn tượng rất đẹp không chỉ về cảnh quan mà cả con người của Đà Nẵng.

Theo ông Đặng Như Đà Thành, Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng, mô hình du lịch miễn phí được tổ chức nhằm kết nối văn hóa địa phương với du khách; giúp du khách có thời gian tìm hiểu, trải nghiệm để hiểu thêm về lịch sử, cuộc sống của người dân địa phương trên các cung đường đi qua.

Mỗi địa danh, điểm đến là một câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo mà hướng dẫn viên kể cho du khách nghe. Ngoài ra, khi tham gia tour đi bộ miễn phí này du khách còn được tham gia trải nghiệm các hoạt động thú vị như mua sắm tại chợ, tìm hiểu ẩm thực đường phố, văn hóa địa phương.

Cùng với tour đi bộ miễn phí, một trong những sản phẩm được những người làm du lịch kỳ vọng sẽ tạo ra sự mới mẻ cho du khách khi đến với biển Đà Nẵng, đó là thành phố đưa vào khai thác tuyến thủy nội địa CT15 - Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa. Tuyến du lịch thủy nội địa này nằm trong các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn Đà Nẵng, được công bố tại Quyết định số 121/QĐ-UBND ngày 17-1-2023 của Chủ tịch UBND thành phố.

Tuyến có chiều dài 11km với lộ trình xuất phát từ bến thủy nội địa CT15 đi Hòn Sụp - Bãi Nam - Bãi Đa - bến thủy nội địa CT15 (điểm đi và đến), cách bờ không quá 1,8km. Anh Hoàng Văn Tuyển, Giám đốc Công ty CP giải trí Sao Biển Xanh hy vọng việc đưa vào sử dụng, khai thác bến thủy nội địa mới sẽ giúp khách du lịch trong nước và quốc tế tới Đà Nẵng có thêm các trải nghiệm mới, độc đáo từ biển như ngắm thành phố từ những con tàu ngoài biển, ngắm vẻ đẹp hoang sơ của bán đảo Sơn Trà, tham gia chung tay bảo vệ thiên nhiên, môi trường biển…

“Một chuyến đi của khách trên biển sẽ kéo dài 4 tiếng, do đó, chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất chu đáo từ đóng mới tàu, đầu tư trang thiết bị bảo đảm an toàn, đầy đủ các tiện ích sử dụng như nhà vệ sinh, nhà tắm trên tàu; tuyển dụng, đào tạo các thuyền viên, máy trưởng, thủy thủ đoàn… Tất cả chuyên nghiệp để mang đến cho du khách sự hài lòng nhất khi tham gia chương trình tour”, anh Tuyển cho hay.

Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay, việc đưa tuyến du lịch đường thủy trên vào hoạt động là cơ sở hình thành, xây dựng các sản phẩm du lịch đường thủy đặc thù tại đây, góp phần tạo thêm sản phẩm phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của người dân và du khách ngay trong dịp hè 2023 cũng như những năm sau; đồng thời kết nối chương trình tour tham quan lên rừng - xuống biển.

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng sẽ hướng dẫn, cùng các phương tiện, các chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tour đường thủy tại bán đảo Sơn Trà hình thành các chương trình tour, mang đến cho người dân địa phương và du khách trải nghiệm không khí trong lành của vùng biển ven bán đảo Sơn Trà, ngắm cảnh quan rừng núi từ góc nhìn mới, ngắm cảnh thành phố từ biển; có các hoạt động du lịch trải nghiệm bảo vệ môi trường biển dành cho người dân và du khách…

Ngoài hai sản phẩm nói trên, mới đây hai mô hình thí điểm đề án khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang là Bana Rita Glamping Farm và An Phú Farm được đưa vào khai thác. Với tổng diện tích 50.090m2, Bana Rita Glamping Farm là địa điểm du lịch dã ngoại, ngoại khóa kết hợp rèn luyện kỹ năng theo nhu cầu. Còn An Phú Farm có tổng diện tích 18.183m2, là nơi sản xuất các sản phẩm rau, củ, quả theo hướng hữu cơ (organic) và các thực phẩm trong chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); đồng thời cung cấp các dịch vụ trải nghiệm, vui chơi và các dịch vụ khác.

Chủ đầu tư mô hình An Phú Farm chia sẻ, trước đây nông trại chủ yếu tập trung sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi… nhưng trong quá trình sản xuất hằng tuần đều có các đoàn tham quan từ các trường học trên địa bàn thành phố đến tìm hiểu mô hình, trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến khi trở thành mô hình thí điểm, doanh nghiệp đã bổ sung thêm một số hạng mục như điểm dừng chân, khu vực ăn uống, tham quan vườn rau để đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng vẫn giữ được cảnh quan thiên nhiên nói chung.

Những người làm du lịch trên địa bàn thành phố hy vọng, các sản phẩm mới được đưa vào khai thác này sẽ góp phần làm phong phú thêm chuỗi sản phẩm của du lịch Đà Nẵng cũng như tăng thêm sự lựa chọn cho du khách muốn trải nghiệm khi lưu trú tại đây cũng như tăng thêm sức hút của điểm đến.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.