Đà Nẵng được vinh danh thành phố xuất sắc trong triển khai, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam

.

ĐNO - Ngày 30-11, tại lễ vinh danh và trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2023 (lần thứ IV) do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ở Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đã thay mặt chính quyền thành phố nhận giải thưởng thành phố xuất sắc trong triển khai, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

 Video: HOÀNG HIỆP  

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ cũng lần lượt nhận giải thưởng trong lĩnh vực: thành phố điều hành, quản lý, hạ tầng, dịch vụ công thông minh; thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch; thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam (thứ 4, từ phải sang) cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (thứ 2, từ trái sang), Sở Tài nguyên và Môi trường (thứ 2, từ phải sang), Sở Thông tin và Truyền thông (thứ 3, từ phải sang) nhận các giải thưởng. Ảnh: H.H
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam (thứ 4, từ phải sang) cùng lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (thứ 2, từ trái sang), Sở Tài nguyên và Môi trường (thứ 2, từ phải sang), Sở Thông tin và Truyền thông (thứ 3, từ phải sang) nhận các giải thưởng. Ảnh: H.H

Giải thưởng nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư bất động sản, bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân, đồng thời kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Theo cáo cáo Bộ Xây dựng, sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Hơn 40 địa phương đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện.

Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam (giữa) nhận giải thưởng thành phố xuất sắc trong triển khai, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Ảnh: H.H
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam (giữa) nhận giải thưởng thành phố xuất sắc trong triển khai, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Ảnh: H.H

Hưởng ứng và đồng hành với các chủ trương chính sách của Chính phủ, giải thưởng thành phố thông minh không chỉ là sự công nhận những nỗ lực, thành tích của chính quyền các cấp, mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển.

Đến nay, đã có 142 giải thưởng đã được trao, trong đó có 23  giải cho các đô thị, 3 giải dành cho các dự án bất động sản và 116 giải dành cho các giải pháp công nghệ.

Giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2023 được phát động từ ngày 20-7-2023 và có 100 đề cử.

Qua 3 vòng đánh giá sơ tuyển, thuyết trình và chung tuyển, hội đồng giải thưởng với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực do TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm chủ tịch đã đánh giá, lựa chọn trao 32 giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2023 bao gồm: 7 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị; 1 giải thưởng dành cho bất động sản công nghiệp và 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc.

Theo đánh giá của VINASA, thông qua giải thưởng, nhiều thành phố, đô thị đã chuyển sang giai đoạn 2 về “Xây dựng thành phố thông minh, bền vững, hướng trọng tâm đến người dân và doanh nghiệp”.

Người dân và doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà đã là thành phần quan trọng, tham gia vào hệ thống kết nối, đô thị thông minh của các tỉnh, thành phố.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Đặng Quang Vinh (giữa) nhận giải thưởng về thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch. Ảnh: H.H
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đặng Quang Vinh (giữa) nhận giải thưởng về thành phố quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch. Ảnh: H.H

Điển hình là hệ thống giám sát giám sát quan trắc môi trường của thành phố Đà Nẵng với hơn 70 camera thông minh, không chỉ quan trắc, phát hiện mà còn cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi phát hiện vấn đề.

Hệ thống kết hợp với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu nước thải tự động, giúp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố.

Đà Nẵng cũng coi dữ liệu số là “huyết mạch” để xây dựng thành phố thông minh. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp vào cuộc chỉ đạo xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất và tập trung.

Trung tâm IOC thế hệ mới của thành phố đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các OC quận/huyện, OC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng…; phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan, phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ chính quyền đô thị.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022), tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng dữ liệu mở thành phố lên Cổng dữ liệu quốc gia...

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
.