.

Sinh nhật mẹ

.

Mẹ lật đật buộc mấy thứ quà quê lên chiếc xe máy giữa buổi chiều tà, không quên dặn với theo tiếng máy xe nổ: “Hôm nào về thư thả, cho mẹ lên phố làm lại cái chứng minh nhân dân. Chứng minh cũ chỉ ghi mỗi năm sinh nên làm thẻ bảo hiểm y tế cũng vướng”.

Đứa con liếc nhìn xuống xách quà đủ thứ hoa trái quê, dằn ga xe xuống, tiếng “dạ” nghèn nghẹn rồi kéo ga xe vụt qua sân, ra ngõ, hướng về thành phố nơi rất đông bạn bè đang hối hả với tiệc sinh nhật mừng tuổi mới cho một đứa trong nhóm. Biết là phía sau thế nào mẹ cũng đứng nhìn theo bóng xe.  

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đời mẹ lớn lên trong mịt mù bom đạn. Tuổi thanh xuân, mẹ vừa tham gia lực lượng dân quân, góp sức chiến đấu bảo vệ quê hương miền đất lửa, vừa theo lớp xóa mù cóp nhặt từng con chữ. Ngày quê hương im tiếng súng, mẹ theo chồng về quê, quanh năm bán mặt cho đất, quần quật trên đồng ruộng để chăm chút đàn con. Tấm giấy khai sinh để làm chứng minh nhân dân mẹ cũng tự khai mới vốn dĩ có độc nhất năm sinh, hồ như chiến tranh ly lạc, sống đã là điều may mắn lắm so với bao người ngã xuống bên miệng hố bom. Có một thời người ta không cần cầu kỳ đến ngày tháng sinh, kể cả việc kê khai hộ khẩu hay đôi ba thứ giấy tờ quan trọng, chỉ cần năm là đủ, đủ để tròn theo tuổi tác.

Mẹ cũng không nhớ ngày tháng sinh của mình, những điều ấy lẫn trong mớ ký ức nhớ quên của thời thơ ấu nhọc nhằn, của những tháng năm thiếu bàn tay ân cần, thiếu lời ru ầu ơ, thiếu cả những câu chuyện kể của ngoại bởi mẹ sớm mồ côi. Mẹ không cần nhớ ngày tháng sinh hay chỉ cần năm là đủ! Câu hỏi ấy mấy đứa con đôi lần hồ nghi định hỏi rồi kịp ngừng lại trước nụ cười che lấp của mẹ: “Ngày đó đến cái ăn còn thiếu, ai quan tâm đến ngày sinh tháng đẻ mần chi…”.

Nói vậy nhưng mẹ không bao giờ quên ngày sinh của con. Đứa nào chào đời mấy giờ mấy phút được mẹ phiên ra từ canh gà gáy đêm, mẹ đều kể lại rõ ràng. Kiểu như mẹ là một cuốn sổ chi li ghi lấy từng khắc con chào đời: “Cả ngày trời sáng thì cứ nằm im, chờ tới 1 giờ 45 phút khuya khi người ta ngon giấc thì lại đòi ra. Đã vậy còn không chịu khóc, bà Ngân y tá phải đánh mấy cái mới chịu khóc…”. Cứ thế, mẹ đọc vanh vách không sót một chi tiết nào trong cuốn sách dày cộp được khắc bằng trí nhớ của đời mẹ. Sau này tò mò, tôi trở lại nhà bà Ngân – một cô y tá thời chiến bên dòng Bến Hải, nghe thêm một lần câu chuyện hôm mình chào đời.

Kể cũng lạ, cuộc sống trôi đi, cuốn theo nhiều thứ. Người đời đôi khi từng thề sống chết thương nhau rồi một ngày cũng rủ quên sạch trơn, quên như chưa một lần nhớ. Nhưng mẹ thì không quên lấy một chi tiết nào của đứa con mình kể từ lúc nên dạng hình hài trong bụng cho đến ngày khôn lớn, trưởng thành. Mẹ say sưa kể một cách rành rọt, bất chợt vui buồn với từng đoạn đời con qua. Cứ ngỡ như đoạn đời mấy chục năm của đứa con chỉ ngắn độ vài ngày, vài tháng là cùng. Ngồi nghe mẹ kể mới ngộ ra rằng, tình yêu đâu cần đến những lời thề thốt mà vẫn nặng sâu.

Thì ra nỗi nặng sâu ấy nó không nằm nơi chót lưỡi, nó có tự trong lòng. Có điều mẹ không quen với việc chúc mừng sinh nhật. Mẹ chỉ nhớ sắp tới hôm sinh nhật con, lật đật dậy sớm nấu bữa cơm thật ngon rồi lặng lẽ gọi con đến bàn, ngắm nghía chúng ăn ngon lành thay cho lời chúc sinh nhật khó bật thành tiếng với người quê vốn vụng về và hay e ngại. Mẹ cũng sẵn sàng bóp chi tiêu, dành cho con vài chục nghìn đồng khi chúng bảo sắp đến sinh nhật đứa bạn.

Chỉ thế, mẹ âm thầm quan tâm, âm thầm dõi theo từng bước đi của con mà không một lần thắc mắc vì sao mấy đứa con không nhớ sinh nhật mẹ. Cũng không đòi hỏi hay trách móc con lâu không về nhà. Sinh nhật mẹ có lẽ là khi mẹ bật máy gọi cho con: “Mẹ mới đi lễ kỷ niệm ngày Người cao tuổi về. Người ta tổ chức vui lắm”, rồi xuề xòa dăm ba câu chuyện về ngày lễ đôi ba năm được tổ chức một lần tùy vào kinh phí trong niềm vui đón nhận không mấy vẹn tròn của đứa con.

Những khi gần đến dịp lễ, mẹ hay ra ngõ, ngóng theo mấy chiếc xe máy, dỏng tai nghe tiếng nổ coi có xe đứa mô về chưa, rồi chép miệng: “Việc vàn cơ quan Nhà nước không nông nhàn giống nhà nông. Chắc chủ nhật chúng về”.

Tháng Mười với cơn gió trở mùa se sắt, ca khúc “Thương lắm tóc dài ơi” của Phú Quang lẫn trong tiếng nhạc xập xình của buổi lễ chúc mừng sinh nhật cứ ngân dài giữa chiều thành phố mưa bụi bay bay khiến người qua đường cay mắt. Cuộc sống như một vòng xoáy cứ cuốn người ta quay theo vòng quay thời gian nghiệt ngã. Có nhiều thứ chẳng mấy ai chú ý, để tâm, cho đến khi giật mình ngoảnh lại và chợt thấy ngậm ngùi. Nỗi ngậm ngùi khi ấy hẳn là chua xót lắm. Trong lời ca da diết đó, con quay xe trở về, tự chọn cho mẹ ngày sinh nhật tháng Mười để khắc nhớ một cuộc đời thầm lặng hi sinh…

Phan Vĩnh Yên

;
.
.
.
.
.