.

Người giúp việc

.

Chăm chồng bảy năm trời đằng đẵng nằm liệt giường vì tai biến, chị bị rút hết sinh lực, người gầy đét như con cá mắm. Nước mắt cạn khô, hai quầng mắt thâm sì, gò má càng nhô cao, lộ rõ tướng “sát phu”. Không ít lần, chồng chị van lạy: “Mình thương tôi thì cho tôi xin một liều thuốc chuột” nhưng chị giả điếc, quay đi lặng lẽ gạt nước mắt. Chị đã cố gắng giành giật sự sống cho chồng, dù phải cầm cố cả sổ đỏ để vay ngân hàng lấy tiền chạy chữa, chị cũng không hề lăn tăn một chút nào. Khi anh ra đi, chị chỉ còn tài sản quý giá là thằng con trai.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chị chẳng còn sức mà gào, mà hờ như những người đàn bà góa bụa khác. Gương mặt hốc hác, sạm đen, hai con mắt vô hồn, chị cảm thấy bầu trời như đổ sập xuống cuộc đời ba mươi lăm tuổi của chị. Mặc dù đã hình dung ra cái ngày này, cái ngày anh được giải thoát nhưng chị vẫn không đứng vững. Chị ốm một trận thập tử nhất sinh, không ăn, không uống, tưởng như có thể đi theo chồng được.

Nhưng tiếng thằng con chị gọi “Mẹ ơi! Mẹ đừng làm con sợ” khiến chị bừng tỉnh. Chị phải sống! Phải sống để còn nuôi con! Chị không thể buông xuôi được. Ý nghĩ đó thôi thúc chị vùng dậy, húp từ từ những ngụm nước cháo loãng. Chị hồi tỉnh dần sau quãng thời gian dài bị suy nhược cả thể xác và tinh thần.

Ruộng bán hết, chẳng còn thửa nào mà cấy hái, trồng trọt, chị vác đơn đi xin việc. Đi đến đâu người ta cũng lắc đầu không nhận vì chị không đủ cân nặng như quy định. Người chị chỉ toàn da bọc xương, gầy vêu, dường như không có một chút sinh khí nào. Chị không biết bấu víu vào đâu, nợ nần thì chồng chất, thằng con chị cần được đến trường. Đúng lúc ấy, tôi gặp chị khi gia đình tôi cần thuê một người giúp việc. Chị như người chết đuối vớ được cọc:

- Làm gì tôi cũng làm được hết! Nhìn tôi gầy gò thế này thôi chứ thực ra tôi khỏe lắm đó!

Tôi quan sát chị từ đầu đến chân. Tóc chị xơ xác, vàng hoe như đuôi bò. Hai hốc mắt trũng sâu vì thiếu ngủ lâu ngày. Bàn tay, bàn chân khô đét, gân nổi chằng chịt. Nhìn chị khắc khổ, già hơn tuổi thực rất nhiều. Người như chị, chắc chẳng ai dám thuê trông trẻ con, vì nhìn chị đã thấy âm khí tỏa ra, trẻ con có mà khiếp vía. Tôi thẳng thắn, không cần rào trước đón sau:

- Bố chồng tôi ốm nặng. Bệnh già nên viện trả về. Chúng tôi làm công nhân viên chức nên không thể bỏ việc để ở nhà chăm bố được. Cần có người chăm sóc, bầu bạn cho ông cụ bớt cô đơn. Tôi nói thật với chị nhé, bố tôi khó tính lắm, mấy người giúp việc trước chỉ ở được vài hôm là xin thôi. Vậy chị có làm được không?

Chị níu cánh tay tôi, như sợ tôi đổi ý:

- Được! Được! Tôi làm được hết! Phục vụ ăn uống, xoa bóp, vệ sinh cá nhân, đổ bô, giặt giũ… tất tần tật, tôi làm được hết. Tôi làm quen rồi. Cô cứ cho tôi thử việc. Nếu được thì tôi chăm ông cụ đến chết. Ấy, tôi lỡ lời. Cô bỏ quá cho.

Mấy ngày hôm sau, thu xếp việc gia đình xong, chị khăn gói lên đường. Nhà tôi ở thành phố nên chị không thể mang theo con trai 9 tuổi đến sống cùng. Mọi sinh hoạt của gia đình tôi sẽ đảo lộn và thằng bé sẽ không thể hòa nhập dễ dàng với môi trường mới. Chị đành phải gửi nó cho họ hàng bên nội trông nom. Những ngày đầu xa con, cứ chiều tối nhìn thấy bọn trẻ nhà tôi từ trường ùa về tíu tít chào hỏi là chị lẩn vào góc phòng bếp khóc thút thít. Vợ chồng tôi đi làm mệt nên cũng không để ý, không bận tâm. Bố tôi nằm một chỗ mà rất tinh ý, chuyện gì xảy ra trong nhà đều không qua được mắt ông cụ. Ông gọi tôi vào phòng, thì thào:

- Về quê đón thằng con bà giúp việc lên chơi một hôm cho mẹ nó đỡ nhớ. Khổ thân!

Tôi “Vâng! Dạ!” nhưng trong lòng bắt đầu có sự hồ nghi. Từ hôm ở viện về, bố tôi chẳng nói chẳng rằng. Bỉm đóng xong, ông cụ lại tự tay dứt ra. Tiểu tiện không kiểm soát được nên có bận nước đái chảy ướt đẫm lưng áo, trào ngược lên tận gáy. Ba người giúp việc trước, không ai ở nổi một tuần. Cô út là con gái ruột của bố mà cứ bước đến cửa phòng bố thì nôn thốc nôn tháo, miệng choe chóe, trách móc:

- Chị để phòng bố bẩn thế, hôi thối quá, cứ như cả năm không giặt giũ ấy.

Tôi nín nhịn vì không muốn gây sự, to tiếng với “giặc bên Ngô” nhưng chồng tôi không để yên:

- Cô thử đếm xem cô giặt giũ cho bố được mấy lần rồi? Hay toàn chị dâu cô giặt thôi. Đến cửa đã nôn mửa ầm ầm thế kia thì còn làm được gì cho bố. Có giỏi thì vào mà dọn phân với nước đái. Ngày nào bố cũng bôi đầy giường đấy.

Cô út im bặt. Quay sang tôi, nhăn mặt, dịu giọng:

-  Chết thật! Phải thuê người giúp việc chị ạ! Em sẽ góp tiền với anh chị.

Bố nằm trong giường nghe thấy hết nhưng vẫn không nói nửa lời. Những lúc  không đồng ý việc gì, bố phản ứng ngay. Mỗi khi cần vệ sinh cá nhân, bố đuổi tôi ra khỏi phòng, chỉ để mình chồng tôi làm vì bố vẫn ý thức được rằng tôi là con dâu. Bây giờ bố im lặng có nghĩa là bố đồng ý để chúng tôi thuê người giúp việc. Có lẽ bố cảm nhận được nỗi buồn vắng khi vợ chồng tôi đến cơ quan, các con tôi đến trường. Chỉ còn mình bố nằm trong căn phòng khép chặt với nỗi cô đơn bủa vây.

Từ hôm có chị giúp việc trong nhà, bố tươi tỉnh hẳn lên. Bố ăn uống và ngủ điều độ. Bố không còn dứt tung bỉm ra như mọi khi. Cửa sổ phòng bố được mở toang đón ánh nắng ban mai và hứng gió trời. Mùi khai khú bay hết. Chị làm thay chồng tôi công việc vệ sinh cho bố. Bố không xấu hổ, không đuổi chị như đã từng đuổi tôi.

Bàn tay chị thoăn thoắt hết giặt giũ lại lau nhà. Vừa hì hụi lau từng cánh cửa, từng khe tủ, chị vừa rì rầm trò chuyện với bố tôi. Chị kể cho ông nghe những chuyện ở quê, không đầu không cuối. Tôi nghe bập bõm, tiếng được tiếng mất. Đêm đêm chị nằm cùng phòng với bố tôi, trên chiếc giường một kê đối diện giường bố.

Hễ nghe tiếng rên của ông là chị vùng dậy xoa bóp chân tay. Một đêm chị thức giấc ba, bốn lần vì những yêu cầu của bố tôi. Nhiều lần tôi vô tình bắt gặp bố nở nụ cười. Bố hay nói hơn, ăn nhiều hơn nên tình trạng sức khỏe cải thiện rõ rệt. Một hôm, chị dặn tôi:

- Cô đừng mua bỉm nữa. Ông cụ không phải dùng đâu.

Tôi ngạc nhiên, hỏi lại:

- Bố tôi dứt ra không cho chị đóng à?

Chị hớn hở ra mặt:

- Không phải! Mỗi lần mót, ông cụ bảo tôi dìu vào nhà vệ sinh.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Chị chẳng khác nào luồng gió mát lành thổi qua cuộc đời gần đất xa trời của bố tôi. Đến một ngày, nhìn chị dắt ông ra vườn đi dạo rất tình cảm, tôi giật mình vì nhận ra có điều gì đó khác thường. Từ ngày mẹ chồng tôi mất cách đây gần chục năm, bố chưa gần gũi, thân thiết với người đàn bà nào như với chị. Đến khi con trai bảy tuổi của tôi leo lẻo mách: “Mẹ ơi! Bác giúp việc đang ngủ trên giường ông nội” thì tôi hốt hoảng, mở toang cửa phòng. Chị đang ngủ gục bên cạnh bố tôi, giật mình tỉnh dậy, lắp ba lắp bắp:

- Tôi… xoa bóp chân tay cho ông, không ngờ… ngủ quên.

Tôi nhìn xoáy vào mắt chị, không nói câu nào, quay ngoắt ra khỏi phòng. Tôi đem chuyện “tày trời” đó kể lại cho chồng tôi biết. Anh bình thản, trầm ngâm:

- Thế cũng tốt! Con chăm cha không bằng bà chăm ông. Anh cũng muốn cưới vợ cho bố, không biết ý bố thế nào.

Máu trong người tôi như sôi lên:

- Ối giời ơi! Ngoại thất thập rồi còn lấy vợ làm gì. Bố như cây đèn trước gió, khỏe ngày nào biết ngày đó. Em biết thừa toan tính của chị ta. Chị ta chấp nhận lấy bố mình cũng là mong kiếm chác ít tài sản thừa kế thôi mà.

- Em nói khe khẽ chứ! Già cũng cần có bạn, có bầu. Người ta đã chẳng nề hà bón đút, rửa ráy, giặt giũ cho bố mình cả năm nay. Hằng đêm chấp nhận ngủ cùng phòng với người già bệnh tật, khó tính là người ta cũng thương bố mình rồi. Đến con gái ruột của bố còn nôn ọe mỗi khi gần bố kia kìa.
Tôi giận dỗi:

- Kệ anh! Anh làm thế nào thì làm, đừng để một con mẹ nhà quê nó lập mưu cuỗm hết tài sản.
Nhưng chị chưa kịp trở thành “mẹ kế” của tôi thì bố tôi đã ra đi sau một cơn đau tim đột ngột. Bản di chúc của bố được lập lúc ông tỉnh táo, không có chỗ cho chị xen vào. Sau khi cúng tuần đầu bố xong, chồng tôi trả chị tiền lương tháng cuối cùng. Anh đưa thêm cho chị nửa tháng lương nữa để chị bắt xe về quê và mua quà cho con nhưng chị nhất mực từ chối. Chị thắp ba nén nhang lên bàn thờ rồi ôm ba lô lưỡng lự đi ra cổng. Tôi lặng người nhìn theo cái dáng gầy guộc, liêu xiêu của chị, thầm trách mình đã có lúc hiểu lầm, bèn chạy theo, níu áo, dặn chị:

- Chị cứ về quê nghỉ ngơi! Tôi sẽ tìm việc giúp chị.

Chị rưng rưng:

- Cô chú tốt quá!

Tôi đã hứa với chị nên tôi giữ lời hứa. Dù sao thì gia đình tôi cũng hàm ơn chị vì chị đã chăm chút cho bố tôi những năm tháng cuối đời. Ở thành phố, không ít gia đình cần thuê người giúp việc để phục vụ người già. Chị chỉ hợp với công việc ấy nên chị cũng không hề kén chọn.

Dần dà, chị coi việc đi ở là một nghề mưu sinh. Chị khôn ra để bòn mót, để có thêm chút lợi lộc gửi về cho con. Lần đầu tiên chấp nhận cưới ông già gần đất xa trời, chị gọi điện cho tôi vừa nói vừa khóc rưng rức:

- Cay cực quá cô ơi! Đời tôi đã hầu hạ, phục dịch rồi tiễn bao người đàn ông về cõi. Bố tôi, bố chồng tôi, chồng tôi, ông nhà cô…- Chị nấc lên. Giờ tôi lấy chồng. Sự sống của ông ấy chỉ còn gang tấc. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Chẳng cưới thì tôi vẫn phải ngủ cùng phòng, phải xoa bóp, phải ngửi mùi khai khú, phải… – Chị lại nấc lên.

Tôi cắt ngang, an ủi chị:

- Thôi! Âu cũng là làm phúc chị ạ!

Ba tháng sau, chị lại gọi điện cho tôi vì ở thành phố này chị chẳng quen ai, thân ai đến độ có thể trút bầu tâm sự. Giọng chị nhẹ bẫng mà rất tình:

- Ông nhà tôi đi rồi cô ạ! Giàu lắm, nhiều đất lắm nhưng di chúc cho tôi hưởng số tiền tuất thôi. Sắp chết mà vẫn nhận ra một giọt máu đào hơn ao nước lã cô ạ! Mấy đứa con đang có ý định đuổi tôi ra đường đấy. Hóa ra ông ấy chả thương tôi. Chẳng qua là ông ấy sợ cô đơn nên cố bấu víu lấy tôi. Còn đám con ông ấy thì chả có tình người. Chúng chỉ coi tôi như kẻ đi ở thôi. Tôi cũng không cần. Cúng bốn chín ngày cho ông ấy xong tôi sẽ đi.

Cũng như mọi lần, tôi chỉ biết an ủi chị vài câu rồi khuyên chị đi xin việc ở nhà khác. Chị thở dài, quả quyết:

- Chưa dừng được cô ạ! Phải cố thôi!

Bẵng đi gần chục năm, tôi không có tin tức gì của chị. Tôi nghĩ chị đã về quê hay đi các tỉnh, thành khác để kiếm việc làm. Ký ức về người giúp việc một thời cho bố tôi gần chìm lấp giữa bộn bề công việc thì chị xuất hiện đột ngột trước cửa nhà sau ba hồi chuông cửa lảnh lót:

- Chào cô! Cô còn nhớ tôi không?

Tôi sững lại vài giây rồi à lên:

- Chị! Chị giúp việc! Lâu quá rồi không gặp chị!

Tôi mời chị vào trong nhà, rót nước cho chị uống. Chị vẫn thế, gầy guộc và xanh xao, mắt trũng và thâm quầng. Hóa ra chị vẫn ở thành phố này chứ chẳng đi đâu xa. Ngần ấy năm chị vẫn giúp việc cho người già. Mỗi người ốm một kiểu, người thì bệnh nan y, người thì “bệnh già”, người thì con cháu bỏ mặc chẳng buồn nhòm ngó.

Chị chăm ai cũng chu đáo. Ông nào thích thì chị cưới, dù chị biết sự sống của họ chỉ còn gang tấc. Họ cũng chẳng ham hố gì, chỉ mong được chị ở bên cho bớt cô độc. Còn chị, trong lòng cũng có chút tính toán. Đời khổ quá, thành ra chị cũng biết toan tính. Chị muốn được thừa hưởng thẻo đất xấu hay đôi ba chỉ vàng, tích cóp dần để trả nợ ngân hàng, chuộc cái sổ đỏ về và nuôi thằng con học đại học. Chị bấm đốt ngón tay nhẩm tính, ngần ấy năm, chị tiễn 13 người đàn ông ra đi. Giọng chị bỗng dứt khoát:

- Tôi nghĩ kỹ rồi! Tôi không còn sức để làm cái nghề này nữa. Cực lắm cô ạ! Cô không thể hiểu được đâu. Thôi! Tôi đến chào cô chú rồi tôi về quê.

Chị ôm ba lô đi ra cổng, vẫn cái dáng xiêu vẹo như ngày chị rời khỏi nhà tôi. Không biết trên đời này, còn có người đàn bà nào khốn khổ như chị không? Trong đầu tôi chợt nhói lên câu hỏi ấy.

Trần Thúy Lành
 

;
.
.
.
.
.