.

Bão

.

Suốt cả ngày nắng nung những khối bê-tông làm từng centimet căn phòng trọ nóng ran, ngột ngạt. Quá nửa đêm, thành phố vắng lặng đến lạ thường. Mất điện. Hai cánh tay khô gầy của chị mỏi nhừ. Gần ba giờ đồng hồ chưa lúc nào tay chị rời chiếc quạt giấy. Trong đêm, chị vẫn thấy rất rõ khuôn mặt con. Từng nét một…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Làn da trắng. Vầng trán cao rộng. Đôi má căng tròn. Cặp môi hồng. Cái sống mũi thẳng. Ba lần chị đặt môi, dụi má vào mái tóc thằng bé. Ba lần nước mắt chị thấm ướt những ngón tay gầy guộc. Làn môi khô héo lại vô tình chạm vào chiếc nhẫn cưới mỏng manh. Chiếc nhẫn mà lẽ ra chị đã phải tháo bỏ từ lâu, cất kỹ vào một góc nào đó, thậm chí thả vào sông hồ để sóng nhấn đi.

Cho đến bây giờ chị vẫn chưa hết bàng hoàng. Đó thực sự là một tiếng sét giáng tiếp vào cuộc đời chị. Hơn tháng trước, người ta đã lặn lội từ vùng núi heo hút quê chị xuống tận thành phố này, lục lọi đến tận cái ngách sâu ngút này chỉ để thông báo với chị một tin: Chị không phải là mẹ đẻ của thằng bé.
Rất nhiều đêm giấc ngủ không về với chị. Chợp mắt là chị thấy con chị được người ta bế lên chiếc xe sang trọng. Thằng bé cào cấu, giãy giụa như một con thú lạc đàn. “Mẹ ơi, cứu con!”, tiếng kêu sũng ướt nước mắt trong hoảng loạn, tuyệt vọng. Muốn nhào đến bên con mà chân chị không tài nào nhấc lên nổi. Nền đất hút chặt đôi bàn chân chị. Chiếc xe lao vút đi, trùm phủ lên chị luồng khói xám đen. Chị nấc nghẹn và thấy mình tan vào khói. Lửng lơ bay…

- Hiếu ơi!... Nghe mẹ nói này!

Thằng bé mở to cặp mắt đen láy nhìn chị chờ đợi. Vài phút nặng nề trôi qua. Trống ngực chị đập thình thịch. Hai hàm răng cắn chặt, môi chị đông cứng lại. Câu nói với con trẻ mà rất nhiều đêm chị phải suy nghĩ thêm đầu bớt cuối không thể thốt ra. Lúc này, chị cũng chưa biết khi nào có thể nói với con: “Hiếu ơi, con không phải là con đẻ của mẹ. Con của mẹ đang được một gia đình trên quê mình nuôi dưỡng. Các con đã bị người ta trao nhầm lúc mới lọt lòng ở bệnh viện”. Mỗi lúc nghĩ phải nói với con vài câu ấy thôi là lòng chị lại thác lũ tơi bời. Chị soi ánh mắt chứa chan lên từng nét yêu thương trên gương mặt thằng bé. Nó vẫn nhìn chị không chớp mắt. Dò xét. Lo lắng… Rõ ràng nó thấy sự khác lạ ở chị. Chị nắm gọn tay con, xiết chặt.

- Mẹ làm sao thế? - Mắt thằng bé đã ươn ướt khi bắt gặp giọt nước mắt mà chị cố quay đi lau vội.
- Không… Mẹ không sao! Mẹ chỉ… muốn… ngắm con thôi - Chị cố nở nụ cười trấn an thằng bé.
- Mẹ… mẹ… đừng bỏ con! Con ứ cho mẹ đi lấy chồng.

Thì ra thằng bé luôn bị ám ảnh bởi câu nói đùa vô tình của mấy người trong xóm trọ. Nó sợ lắm một ngày kia chị sẽ bỏ nó để đến với một người đàn ông khác. Sau những ngày giông bão, chị khác nào một cái cây tơ tướp. Chị đâu còn dám mơ tưởng về một mái ấm. Nỗi tủi, nỗi buồn lại ùa về trong chị. Đêm qua, chị đã khóc từ lúc thằng bé ngủ cho đến khi trời sáng. Chuyện của mẹ con chị đã được nhiều tờ báo đưa tin. Có một bài báo nói chị cố tình không trao trả con và rất nhiều tin nhắn đã gửi vào số thuê bao của chị. Hôm nay chị mới đủ dũng cảm để đọc những tin nhắn ấy. Những lời cay độc, những thóa mạ, chửi rủa… Họ biết gì về chị? Họ hiểu gì về chị? Chị thấy mình như kẻ lạc loài. Lạc loài trong cõi người mênh mông, thăm thẳm.

Chị tự nhủ lòng phải thật cứng rắn, mạnh mẽ khi gặp đứa con rứt ruột đẻ ra. Nhưng khi vừa đặt chân lên sàn gỗ mát lạnh, bắt gặp nụ cười viên mãn của bốn con người trong khung ảnh được treo trang trọng tại phòng khách tiện nghi thì chị đã không ngăn được nỗi tủi phận ào ạt ùa về. Chị lại nhớ mình đã từng có một tổ ấm… Chị dễ dàng nhận ra đứa con lưu lạc. Những gì trên gương mặt thằng bé hoàn toàn không thuộc về ba người còn lại. Cặp mắt to, hai gò má hơi cao là của chị. Khuôn miệng rộng, đôi tai to dài, mái tóc rễ tre là của chồng chị. Những đường nét ấy, chồng chị và cả gia đình chồng đã tìm kiếm, săm soi từ khi cu Hiếu bước vào cuộc đời chị.

Để rồi mỗi ngày họ thêm thất vọng khi nhìn vào mặt thằng bé. Sự dịu dàng, kín kẽ trong lời ăn tiếng nói, sự cung cúc tận tụy với chồng con và gia đình chồng, cả cái khăn thấm đỏ phẩm hạnh chị còn cất giữ sau đêm đầu tiên với chồng… đều không thể giúp chị thanh minh. Mà làm sao chị phải thanh minh? Mối tình trắng trong và qua mau thời sinh viên của chị luôn bị khơi lại. Những câu hỏi lúc nửa đêm của chồng. Những lời bóng gió, chì chiết của bố mẹ anh. Những lạnh nhạt, thờ ơ của họ hàng nhà anh mỗi khi có đám. Những nghi ngại, xì xào của đồng nghiệp…

Tất cả hùa thành những cơn bão dai dẳng đánh cho chị bải hoải, rã rời. Nhiều lần chị định tìm đến cái chết để chứng minh trong sạch, để trốn chạy những đắng đót, ê chề. Nhưng chị không làm nổi. Mỗi khi chị bóc vỉ thuốc ngủ thì cái mùi cơ thể còn thơm hơi sữa lại quấn lấy chị, tiếng khóc, tiếng cười trong trẻo trẻ thơ lại dội vào trong chị… Chị gạt nước mắt, quẳng những viên thuốc vào thùng rác. Và rồi, cái gì đến cũng đến. Chồng chị đâm đơn, chị không níu kéo. Làm sao có thể nhốt hai con người trong một mái nhà khi không còn sự tin yêu? Sau phiên tòa, chị thành gái không chồng, mẹ đơn thân. Chị ôm con rời quê xuống thành phố, mong xóa đi một phần đời.

- Đăng, chào mẹ Nhụy của con đi!

Chị giật mình khi bố mẹ nuôi giục con chị chào mẹ đẻ. Thằng bé len lén nhìn chị bằng ánh mắt xa lạ rồi chạy tọt đi núp sau cánh cửa. Chị muốn thốt lên hai tiếng “con ơi!”. Nhưng nước mắt làm chị lắng lại. Rồi đây, chị sẽ phải làm gì, làm được gì cho con? Một người đàn bà không chồng, công việc bấp bênh, thường xuyên đau yếu. Căn phòng trọ vẻn vẹn mười mét vuông như một cái boong-ke hầm hập giữa trùng trùng thành phố, mất điện, mất nước tựa cơm bữa… Một cuộc sống vật lộn đang chờ nó, sau khi người ta trao lại nó cho chị. Chị thấy mình nghèo quá, khổ quá. Tình yêu thương của chị có thể bù đắp được những gì nó đang có mà số phận nghiệt ngã sắp cướp đi? Chị thấy mình có lỗi với con thật nhiều. Tại sao linh cảm của người mẹ không mách bảo chị? Chị còn nhớ rất rõ cái giây phút vị bác sĩ đặt sinh linh bé bỏng oe oe lên bụng chị. Quá mệt, nhưng chị vẫn cảm nhận được máu thịt của mình. Nhưng rồi chị thiếp đi vì mất quá nhiều máu. Khi tỉnh lại, một đứa trẻ khác đã vô tình được trao vào đời chị. Sao lúc ấy linh tính không mách bảo máu thịt của chị đang nằm trong tay một người mẹ khác? Và vì sao suốt sáu năm qua, chưa một lần chị nghĩ con chị đang ở một nơi nào đó?
- Đăng ơi! Lại đây… lại đây… với… mẹ nào!

Chị nghẹn ngào gọi con rồi khụy xuống. Những đêm mất ngủ triền miên bởi giằng xé, đớn đau làm chị sụt cân thảm hại. Thân hình chị khô héo như một cây sậy cuối mùa.

Thằng bé nhào đến, nước mắt nó nhòe nhoẹt. Nó thành điểm tựa cho chị gượng đứng dậy. Những ánh mắt ái ngại dồn về chị và thằng bé.

Lại một đêm mưa xối xả. Ngoài phố, những cây cổ thụ bị gió không ngừng vặn xiết. Tiếng mưa xối. Tiếng gió gầm. Tiếng cành cây gẫy… Tất cả như đang làm thành phố rung lên bần bật.

  Cả đêm, chị phải căng ni-lông che chỗ dột cho con ngủ. Và chị lại đêm trắng. Thằng bé luôn miệng ú ớ gọi mẹ trong những cơn mơ đứt gãy. Từ hôm được gặp lại gia đình ruột thịt, nó không rời chị nửa bước. Mỗi khi chị nhắc đến bố mẹ đẻ của nó là thằng bé vùng vằng: “Mẹ Nhụy không yêu Hiếu! Mẹ Nhụy ghét Hiếu!”. Nuôi con chị hiểu tính con. Chị ngồi thẫn thờ trước cửa phòng nhìn ra con ngõ sâu ngút, thằng bé rón rén lại gần, rồi sà vào lòng chị. Nó ôm cổ, hôn lên má, lên trán chị. Nó bật khóc: “Hiếu hư! Hiếu làm mẹ Nhụy buồn rồi…”. Lòng chị quặn thắt như có ai đang rứt từng mẩu ruột gan. Gần bốn năm một mẹ một con bơ vơ xứ người biết bao đắng cay, tủi nhục. Khi chậm tiền thuê phòng người ta cạn tình xua đuổi. Khi nửa đêm một thân mẹ ôm con khóc ròng trong bệnh viện, rồi mừng mừng tủi tủi lúc con vừa qua cơn nguy kịch. Khi lấy nước mắt làm canh lùa miếng cơm thừa người ta chia sớt, vì mẹ chẳng đủ tiền chữa bệnh cho con… “Máu thịt nào đo được con ơi?”. Không ít lần chị nấc lên trong tiếng mưa gió gầm gào.

Sau trận mưa đêm, căn phòng trọ lõng bõng nước. Chị mở cửa lấy đồ dọn dẹp. Chị hốt hoảng nhận ra cây chanh thằng bé trồng trong chậu đã chết khô tự lúc nào. Cây chanh này con chị yêu lắm, cứ mỗi chiều từ lớp về là thằng bé lấy nước tưới cho cây. Nó bảo thương mẹ Nhụy đi làm trời nắng, nó trồng cây để mẹ được uống nước chanh. Từ lúc chị nói với con mọi chuyện, thằng bé lầm lũi, chả thiết tha gì. Đầu óc chị cũng mụ mị đi, không còn nhớ gì nữa. Chị lại thấy có lỗi với con. Chị rờ nhẹ vào thân cây, một cái gai đâm vào tay, đau nhói.

“Reng, reng, reng…”. Chị bước vội vào phòng lấy điện thoại. Là chồng cũ.

- Anh thôi đi, thằng Đăng nó không phải con anh! - Chị gào lên khi chồng cũ một mực đòi đưa cu Đăng vào Nam với anh ta và vợ mới.

Anh ta không phải là bố của con chị. Thằng bé là của riêng chị, không phải của anh ta, hay bất cứ người đàn ông nào, từ cái đêm anh ta rít vào tai chị: “Cô đã ngủ với bao nhiêu thằng?”.
Không muốn nghe những lời lải nhải, chị cúp máy. Rồi tắt luôn nguồn. Tim chị nhói buốt. Lưỡi dao nào lại vừa khía vào vết cắt năm xưa.

Suốt từ đầu giờ chiều đến chập tối chiếc loa phường không ngừng ra rả tin siêu bão từ Biển Đông đang tiến vào đất liền. Đất trời bức bối như người đàn bà vật vã trong cơn vượt cạn. Mấy cây xà cừ đầu phố lá cành lặng phắc. Lũ chim chích thường ngày ríu ran, chiều nay cũng trốn biệt đi đâu.
Chị tất tả chuẩn bị xô chậu để gọn vào góc phòng. Tấm ni-lông từ đêm mưa trước được kéo căng lại cả bốn góc. Cu Hiếu đã được đón về quê để làm quen với bố mẹ đẻ. Chị thấy căn nhà mười mét vuông mênh mông, trống huơ trống hoác. Một mình, chị chả còn lòng dạ nào ăn uống gì.
Chị buông màn lên giường nằm. Những ý nghĩ cuồng quay trong đầu. Ngày mai người ta sẽ lấy đi của chị một đứa con, rồi lại trả cho chị một đứa con. Chuyện dễ dàng vậy sao? Có phải đó là sự thật không? Họ dặn chị chuẩn bị thật chu đáo lời phát biểu. Mà chị thì biết nói gì?

Gió bắt đầu nổi.
Mưa bắt đầu rơi.

Và bão sẽ về trong đêm. Nhưng ngày mai, dù trời đất có thế nào thì chị vẫn băng ra đường để về nơi ấy. Nơi có tiếng gọi: “Mẹ ơi!”

NGUYỄN PHÚ

;
.
.
.
.
.