.

Trăng ngoài ô cửa con tàu

.

Tàu hôm nay về ga Đà Nẵng trễ khoảng hơn một giờ so với quy định. Tôi lên tàu toa số 8, toa gần cuối đoàn tàu. Trong khoang giường nằm 4 người chỉ có một phụ nữ ở giường tầng một và chỉ thêm tôi. Tôi bỏ vội hành lý, nhờ người phụ nữ trông dùm rồi mò xuống toa hàng ăn nằm sát ở toa đầu máy chạy tàu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi có thói quen mỗi lần đi tàu đều xuống ngồi dưới toa hàng ăn, thường để ngồi uống một vài chai bia ngắm cảnh, cũng là để giết thì giờ. Lần này do tàu về trễ, lên tàu cũng gần 5 giờ chiều nên tranh thủ ăn cơm ở toa hàng ăn luôn. Ăn xong, ngoài trời  cũng đã tắt nắng, tôi vội vã trở lại toa của mình. Người đàn bà khẽ quay lại chào rồi tiếp tục quay mặt nhìn ra ngoài ô cửa. Người đàn bà vẫn ngồi yên không hề động đậy. Mấy lần tôi định lên tiếng nhưng vẫn ngài ngại. Hoàng hôn xuống rất nhanh ngoài khung cửa, nắng đã tắt từ bao giờ.

Ngồi một lúc tôi  mới dạm hỏi: - Chị lên ga nào? - Huế. Chị đã ăn tối chưa. - Không đói… Người đàn bà trả lời nhát gừng. - Nghe giọng nói thì chắc người miền trong, chị về Huế du lịch? - Không, đi thăm một người bạn, nhưng không gặp, mất công mang đồ ra rồi giờ phải mang vào. Vừa nói cô vừa chỉ tay đồ đạc hành lý lỉnh kỉnh để phía dưới chân. Lúc này, thái độ người đàn bà có vẻ cởi mở hơn. Trời đã tối, trong bóng đêm im vắng chỉ còn nghe âm thanh xình xịch của con tàu đang chạy. Tôi đứng dậy bật đèn.

- Đừng anh, trăng đẹp quá, cứ để trời tối thế mà ngắm trăng. Trăng rằm mà anh, giờ này mà ngủ thì tiếc lắm. Người đàn bà lên tiếng, vẫn không quay mặt lại nên tôi vẫn không nhìn rõ mặt Tôi nhìn ra ngoài ô cửa, đúng là đẹp thật. Tàu đang đi qua vùng biển Sa Huỳnh, ánh trăng phả lên mặt biển li ti những đốm sáng như lân tinh khi ẩn khi hiện theo những ngọn sóng ập vào bờ. Xa xa những ánh đèn của thuyền chài chi chít như những vì sao làm cho không gian như mênh mang sâu thẳm. Tự nhiên tôi nhớ đến thi sĩ họ Hàn.

- Chị biết không, trăng vùng biển này đẹp, chút nữa đến Tam Quan, Bồng Sơn của Bình Định, dọc theo rừng dừa ven bờ biển mới thấy hết cái vẻ đẹp của trăng. Hàn Mặc Tử ở Bình Định, trăng dưới rừng dừa quá đẹp nên làm thơ về trăng mới hay như rứa…

- Không anh, Hàn Mặc Tử sinh ở Quảng Bình, chỉ khi bị bệnh phong mới về Quy Hòa mà anh… nhưng tôi thích hình ảnh trăng của Hàn Mặc Tử “sòng soãi, lõa lồ, rạo rực…”. Tôi cũng đọc tập văn Chơi giữa mùa trăng của ông ấy. Có lẽ trong nền văn học không ai mê trăng như họ Hàn.

- Thì đúng, nên nhớ biển ở cửa sông Nhật Lệ trăng cũng đẹp lắm. Tôi từng đứng ở góc Nhà thờ Chánh tòa, đêm khuya nhìn trăng nơi cửa sông cũng tuyệt vời. Trăng bờ biển miền Trung nơi mô cũng đẹp. Mà người ta nói người bị bệnh phong thường bị ám ảnh bởi ánh trăng, lối giải thích có vẻ hơi hướng phân tâm học, chắc không đúng…

- Ông có vẻ cũng thích và mê trăng hí, chắc có chi vương vấn phải không? Trăng miền biển quê tôi cũng hay lắm.

- Ở mô, chị xuống ga mô?

- Ga Tháp Chàm, quê tôi cũng ở Phan Rang luôn mà.

- Chà, ồ… Phan Rang, Tháp Chàm…

- Sao ông có vẻ ngạc nhiên… ấp úng vậy, có bao giờ ông đến Phan Rang chưa?

- Tôi có đến một lần rồi, tìm một người quen của hơn 25 năm về trước, đến rồi đi và không tìm được người mình muốn tìm… cũng vào một mùa trăng ở biển…

Tôi bỏ lửng nửa chừng câu nói, ngài ngại thổ lộ cái chuyện riêng của mình trước người mới gặp lần đầu. Người phụ nữ quay lại nhìn tôi. Trong bóng đêm, tôi chỉ thấy đôi mắt của cô nhìn tôi như muốn nói một điều gì, rồi cũng như tôi, chị ta kịp ngăn lại, im lặng.

Lúc này, tàu đang đi qua Tam Quan rồi Bồng Sơn. Người phụ nữ không ngớt nhìn qua ô cửa của con tàu, nhìn đắm đuối ánh trăng mười sáu. Đêm càng sâu, trên những bóng dừa gió lộng xạc xào lay động, ánh trăng càng sáng rực hơn như đang nhảy múa giữa rừng dừa. Người đàn bà vẫn không ngừng lúc lắc mái tóc dài tỏ vẻ vô cùng thích thú. Chỉ đến khi tàu qua khỏi Bồng Sơn, người phụ nữ mới quay lại.

- Ông muốn tìm người nào ở Phan Rang. Tôi có thể giúp. Tôi muốn nghe câu chuyện của ông, tự dưng thích nghe… Người phụ nữ ngập ngừng, giọng nói nhẹ lại, tự dưng thấy gần gũi hơn. Đêm trăng mười sáu dịu dàng, trong khoang tàu yên ắng, cả hai lại không ngủ, đã đến lúc thích tâm tình:

- Ngày ấy, cũng 25 năm về trước, tôi ra Huế học đại học có quen với người con gái cùng trường. Cô ấy là người ở Phan Rang, cha cô ra Huế làm việc bên ngành bưu điện, cô xin cha ra cố đô để đi học luôn. Chúng tôi đều là người ngoại tỉnh. Dù mới quen nhau nhưng tôi rất yêu cô ấy. Chúng tôi đã nhiều lần đi chơi dưới mưa, ghé mấy quán cà-phê quen trong đêm. Ở Huế, thời ấy sinh viên đi học xa nhà đêm mưa mà có bạn gái đi uống  cà-phê thì tuyệt lắm. Mưa Huế mà chị. Có gì buồn hơn mà cũng thấm hơn… Tôi chợt ngừng lại.

- Ông kể tiếp đi, tôi đang nghe đây mà. Người đàn bà giục.

- Hai đứa cũng thường đi chơi xa. Lần ấy, chúng tôi về biển Thuận An, cách Huế cũng gần 13, 14 cây số. Đêm mải mê ngồi bên biển ngắm ánh trăng hạ huyền, trăng đẹp rợn người như đêm nay, không biết là trời đã quá khuya, cô sợ về nhà bố sẽ la mắng, bố cô rất nghiêm không bao giờ chịu cho con đi chơi khuya, cô rất sợ bố vội giục tôi về. Trời tối “túi thui túi thủi”, tôi chạy xe máy như bay… đại họa, mới xảy ra… Xe đang chạy với tốc độ nhanh bỗng vấp một ổ gà to tướng, xe vồng lên một cái rất mạnh, tôi nghe cô la lớn lên… Ui cha. Chết em rồi… Dừng xe lại, máu dưới chân của bạn chảy ra xối xả, lênh láng, bàn chân của bạn vướng vào tăm xe mạnh quá, đến nỗi đứt luôn cả ngón chân cái. Bạn vừa rên vừa khóc. Lòng tôi đau như cắt, chẳng còn biết gì cả, lê lết cũng về tới Bệnh viện Trung ương Huế… Kết quả là ngón chân cái không thể nối lại được phải cắt bỏ. Tuy nhiên vì mất máu nhiều quá, bạn phải nằm lại bệnh viện một thời gian để chữa trị.

Người phụ nữ theo dõi câu chuyện một cách chăm chú và có lúc như bị kích động. Cô ta lại đem ra một chai rượu nho, “nho ở vườn nhà em đây anh”, và nhẹ nhàng đặt 2 cái ly lên bàn rót đầy mời tôi uống. Cô ấy đã đổi cách xưng hô, có lẽ câu chuyện của tôi làm cô cảm động chăng. Hoặc, gợi nhớ một chút kỷ niệm gì thời đi học của cô? Chúng tôi uống thêm mấy ly rượu nữa. Cô ấy đang đợi tôi kể tiếp:
- Mấy ngày tôi vào bệnh viện, thương quá chỉ biết ôm nhau mà than thở. Đùng một cái, cha tôi mất. Tôi phải về Đà Nẵng chịu tang. Sau buổi cúng cơm 49 ngày, tôi ra Huế nhưng không gặp lại bạn nữa. Bạn đã theo bố về lại Phan Rang rồi. Hồi đó làm gì có điện thoại di động như bây giờ mà liên lạc. Nhà bạn ở trong cơ quan của bố, vào hỏi cũng không ai biết. Rứa là tôi mất liên lạc luôn…

- Anh không đi tìm…?

- Có chứ. Mấy năm sau ra trường đi dạy, tôi quyết đi tìm lại người. Khổ nỗi, vào Phan Rang lạ nước lạ cái chẳng có ai quen, đi cả ngày chẳng có tăm tích gì. Đêm nằm ngủ, tôi nghĩ có một nơi hy vọng có thể tìm ra bạn ấy là Sở Giáo dục vì bạn trước đó học sư phạm với tôi, hy vọng bạn về lại quê thì sẽ xin đi dạy. Sáng sớm hôm sau đến Sở Giáo dục, vào phòng tổ chức năn nỉ anh cán bộ trưởng phòng. Có lẽ thấy mình khẩn khoản quá, anh ta cũng động lòng, ngồi cả buổi lục sổ hồ sơ cán bộ nhưng cũng chẳng thấy. Không còn cách gì khác phải về. Cũng gần 25 năm rồi, nhiều đêm nằm nhớ về cô ấy, chẳng biết cô ấy có nghĩ đến mình. Có điều đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao cô ấy ra đi mà chẳng để lại cho tôi thư từ gì cả.

Người phụ nữ im lặng, không nói năng chi, có vẻ quá xúc động, bối rối:

- Lạnh quá!, cô quay lại kéo mền trùm lên đầu.

Lúc ấy là 4 giờ sáng, trời bỗng đổ mưa dữ dội, mưa như tát nước, loa phát thanh báo tàu sắp về đến ga Tháp Chàm. Người đàn bà cuống quýt thu dọn hành lý. Ga Tháp Chàm là một ga nhỏ nên tàu chỉ dừng lại chừng 5 phút thôi, tôi phải mang giúp hành lý cho người ấy ra đầu toa. Không biết đi thăm bạn gì ở Huế về mà đồ đạc lại nhiều và nặng nề như vầy, tôi phải vác xuống dưới đường tàu rồi mang vào tận cửa ra vào.

Tôi ướt như chuột lột. Chỉ kịp nói lời từ biệt, tàu đã từ từ chuyển bánh tôi vội nhảy lên tàu. Anh Thắng…, anh Thắng!..., người đàn bà kêu vọng theo. Không hiểu sao cô ấy biết tên mình. Tôi quay đầu lại vừa lúc thấy cô chỉ chỉ xuống dưới bàn chân của cô. Dù trời còn tối nhưng nhờ ánh điện dưới sân ga, tôi chợt nhìn ra có một chỗ trống trên mấy ngón chân của người phụ nữ ấy. Tàu chạy một đoạn khá xa, dù có ngoái đầu quay lại, tất cả đều đã khuất bóng trong đêm mưa.

Hồ Sĩ Bình

;
.
.
.
.
.