.

Ký ức tựu trường...

.

1. Hết hè. Bước chân tháng 6 ngày nào vừa rộn rã gõ lanh canh thềm nhà theo niềm vui (được nghỉ) của đám học trò giờ đã xa tít phía sau, nhường chỗ cho những náo nức lặng thầm của nhịp đi tháng 8. Mùa thu đang lượn lờ bên khung cửa sổ mỗi sáng tinh mơ se lạnh, nhắc nhở cô giáo tôi sắp đến lúc tựu trường.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi yêu những mùa khai giảng. Yêu cái không khí long trọng trang nghiêm, nhưng cũng đầy ấm áp thân thương của buổi đầu năm học. Yêu tiếng trống khai trường vang từng tiếng tùng tùng đĩnh đạc trầm hùng sau ba tháng ròng rã lặng im. Yêu từng khuôn mặt bạn bè đang túa vào sân, lũ lượt xếp hàng, giỡn cười chí chóe. Khai trường rồi. Vui biết mấy khi lại được gặp nhau. Có luyến tiếc những trò vui mùa hè một chút, nhưng không sao, sang năm vẫn sẽ tới hè…

2. Thời còn học phổ thông tôi nhớ mình khá “vô duyên” với ngày khai giảng. Năm tôi vào lớp 1 giấy tờ khai lộn sao đó, nhập học muộn gần nửa tháng nên không biết khai giảng là gì. Lớn hơn chút thì nhà nghèo, mùa khai giảng trúng ngay vụ gặt, lũ con từ lớn chí bé được mẹ “trưng dụng” ra đồng, ra sân. Năn nỉ cách nào mẹ cũng không chuyển: khai khung học hành gì dẹp hết qua bên, đợi lúa vô bồ rồi tính. Lúa ướt lúa hư ngoài đồng rồi bây có nhịn đói đi học được không? Mẹ nói như dao chém đá, đừng mong lung lay.

Tôi vừa khom lưng quét lúa dưới sân vừa hù hụ khóc. Khóc đã, quẹt nước mắt xong thì… cầm chổi quét tiếp, coi như tôi tự khóc tự nín, ai để ý chi đâu? Huề! Kết quả là năm nào vô học chính thức tôi cũng phải chạy ngược chạy xuôi tìm lớp. Khai giảng mẹ chưa cho đi thì mấy ngày tập trung (lao động, phân lớp…) đầu năm làm gì có “vé” cho chị em tôi. Cứ như lời mẹ thì: cái lớp mày được chia vẫn ở yên chớ có… mọc chân chạy mất đâu mà sợ? Nói thì nói vậy; nhưng “kinh khủng” nhất là mấy năm chuyển cấp (lớp 6, lớp 10…), trường lớp, bạn bè, thầy cô đều mới toanh, lạ hoắc lạ huơ; con nhỏ lếch thếch đi tìm lớp, sợ không biết/không dám hỏi ai. Lang thang cả buổi không tìm ra lớp, giờ nghĩ lại còn nước mắt chực trào…

3. Ngày tôi vào Cao đẳng Sư phạm khai giảng vẫn dính mùa gặt; nhưng sinh viên rồi nên mẹ đặc cách, không “cột cẳng” ở nhà phụ cào lúa ôm rơm như mọi khi. Vậy nhưng, mẹ há hốc ngạc nhiên thấy tôi lắc đầu quầy quậy lúc nhắc chuyện đi khai giảng. Mẹ vui như chưa từng được vui, lầm thầm bảo ba: con nhỏ lớn thiệt rồi, biết nghĩ… Nghĩ gì mà nghĩ; mẹ đâu biết “tổ con chuồn chuồn” ở chỗ cái áo dài mẹ mới may tà trước xách ngược; đã vải rẻ tiền lại còn đem cho bà “thợ may vườn” xóm trên cắt may khiến xấu đau xấu đớn. Mặc áo ấy vào đi dự khai giảng, cầm chắc đường nào tôi cũng thành “kỳ quan số 8”. Thôi, trốn quách cho xong!

Vậy nhưng không phải không buồn. Buồn phát khóc khi năm đầu tiên chính thức trở thành sinh viên lại vẫn “lỡ hẹn” cùng ngày khai giảng…

4. Giờ thì tôi có cả một “bộ sưu tập” áo dài.  Những chiếc áo dài tôi đặt may trước ngày khai giảng. Mỗi chiếc áo sẽ mang dấu ấn của một năm dài công tác, đương nhiên được mặc lần đầu tiên trong ngày khai giảng. Vậy nên không cần căng óc nhớ ngày tính tháng, cứ mở tủ áo dài ra đếm sẽ biết ngay tôi làm nghề “đưa đò” được bao năm. Nguyên thời học sinh - sinh viên với bao lần “lỡ hẹn” cùng khai giảng, giờ đây tôi cương quyết không để lỡ thêm. Ngày khai giảng bao giờ tôi cũng dậy từ rất sớm, tắm gội trang điểm, mặc chiếc áo dài mới may (đương nhiên đẹp nhất) và đến trường đầu tiên. Chọn một góc khuất nơi hiên trường, tôi sẽ bắc ghế ngồi đó để nhìn, nghe và cảm nhận từ xa những thanh sắc khai trường đặc biệt vừa lạ vừa quen.

Thanh sắc của cảnh, của người, của đất trời cây cỏ trong cái ngày cực trọng đại hằng năm - với tôi - dường như bao giờ cũng tinh khôi, mới rợi. Bao giờ cũng vậy, con tim tôi luôn dậy lên những nhịp đập rộn ràng, náo nức, hân hoan khi nhìn tốp học trò đầu tiên bước qua cổng trường đang mở toang. Ban đầu còn lác đác. Sau đó càng lúc càng đông. Không khó để nhận ra những bé con đầu cấp bỡ ngỡ rụt rè bên phong thái bạo dạn, tự tin của các anh chị lớn hơn đã quen trường quen lớp. Và đôi khi, tôi cũng giật mình bắt gặp mình đang dõi mắt kiếm hoài một bóng hình quá khứ: liệu trong số các em lần đầu bỡ ngỡ có em nào nước mắt lưng tròng chạy ngược chạy xuôi tìm lớp như cô giáo nó ngày xưa…

          Mùa khai giảng

Y NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.