.

Chạy ngập

.

Đêm khuya, càng làm to lên tiếng thuyền lịch kịch, mái dầm khua nước. Rồi rõ mồn một tiếng giục nhau, bước chân nặng nề lên dốc. Ông vùng dậy, bật đèn pin, mở cửa đi ra:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Nhà Binh hả? Sao gan lì thế, bây giờ mới vào hả?

- Vâng. Cháu cứ nghĩ nước sẽ rút nhanh như lần trước, nấn ná mãi, cuối cùng vẫn phải chạy…

- Anh liều thật đấy, nhỡ trôi mất một đứa thì ân hận cả đời. Mà nghe nói trên nguồn lũ vẫn to lắm phải không?

- Vâng ạ. Nước sông ngoài cháu lên từng giây, nhìn thấy bò bò… Ông cho vợ con con ở đây. Con phải ra ngay ngoài đấy xem tình hình, có gì còn xử lý kịp thời.

- Để sáng mai... Nửa đêm thế này nguy hiểm lắm.

- Nước lưng tường nhà rồi ông ạ. Chậm một phút… chẳng biết thế nào…

“Chú Binh ơi, nhà cháu có còn không hay bị trôi mất rồi”. Từ nãy tôi vẫn nằm nghe, lúc này mới vùng dậy hỏi. Chú Binh ngoái lại nói khi đã ra tới sân:

 - Vẫn còn, cháu cứ yên tâm ở đây, nhờ cháu bảo ban các em hộ chú nhé.

- Vâng, chú cứ để cháu chỉ huy bọn nó.

Nhà ông mọi ngày rất rộng thế mà hôm nay người chen chúc. Tại lụt nên các nhà xóm bờ sông sơ tán vào. Mấy chục năm nay, lâu lắm mới thấy trận lụt lớn thế này.

Ông lục tục phân công, xếp đặt, cuối cùng chẳng còn cách nào khác, đành phải để bốn mẹ con cô Binh ngủ dưới sàn. Ông có vẻ ngại, cứ xuýt xoa - thôi có gì cháu thông cảm nhé. Tôi cũng rất ngại, vì tôi và thằng Bình vẫn giận nhau (từ đợt trâu nhà nó ăn lúa nhà tôi, tôi có chửi nặng, nó còn thách thức…). Bây giờ chạy ngập, nhà nó phải nằm sàn, tôi sẽ mang tiếng không quân tử. Tôi là cháu ruột ông, nó cũng là cháu… nhưng là cháu họ, xa lắc.  

Tôi lên giường, cứ trằn trọc. Dưới đất, thêm nhà thằng Bình nữa là năm gia đình. “Ông ơi, hay là cho anh em thằng Bình lên ngủ với ông cháu mình” - tôi thì thào. “Ờ, nằm dưới đấy lạnh lắm… nhưng mà còn nhà Sinh, nhà Hạ, nhà Đình, nhà Dậu… cũng ở dưới… khó nghĩ quá”. Ông đang thở dài phân vân thì tôi nhảy xuống ngay - cháu xuống ngủ với thằng Bình đây.     

Nhà tôi bây giờ phải tách làm hai. Mẹ, tôi, hai em Hà, Giang ở trong gò với ông. Một mình bố phải thường trực ngoài nhà, trông nom chống đỡ; không thì nhà trôi ra biển mất.

Tất cả xóm bờ sông cũng đều phải tách đôi hai nửa “chiến trường” - “hậu phương” như thế. Ông bà già, phụ nữ, trẻ em vào gò cao lánh nạn. Trai tráng, đàn ông có sức khỏe ở lại nhà cầm chân giặc nước.

Về mặt người là vậy. Còn thóc gạo, nồi niêu xoong chảo, lợn gà chó mèo, ti-vi, tủ lạnh cũng quáng quàng vội vã, thứ đi sơ tán được, thứ đành sống chung với lũ. Ở lại xóm, nhà một người, nhà hai người… ngồi trên mái nhà - trông nước giữ nhà. Nhìn thấy dòng sông ù ù ào ào, sừng trâu bò nhấp nhô… thương chảy nước mắt. Sông bây giờ mênh mông mù mịt, từ bờ bên này nhìn sang bên kia, chỉ mờ mờ ngọn cây đa, cây gạo.  

Sáng ấy, tôi bị đánh thức bởi tiếng kêu thất thanh - ối bà con ơi,  ới ai ơi cứu tôi với… Tiếng la hét, gào khóc phía bờ sông, tiếng chân rẽ nước ùm ùm ngoài ngõ. “Lũ rồi ngập rồi, mẹ con ở nhà bình tĩnh nhé, tí bố quay lại ngay” - Bố nói và vụt đi.

Hơn tiếng sau, bố mới về, người ướt sũng, hổn hển nói - nhà cô Sinh bị trôi mất rồi, may quá hai mẹ con mắc vào bụi tre, thoát chết. Nhà không có đàn ông khổ thế đấy, bảo vào giữa xóm mà ở cứ tham đất rộng ngoài bãi để trồng chuối… nhưng thôi, của đi thay người thế là may mắn rồi. Bây giờ phải cho mẹ con cô ấy vào gò chứ - mẹ hỏi. Tôi bố trí đưa luôn vào nhà ông mình rồi - bố nói và lại đi luôn.
 “Giường” tôi nằm sát “giường” cô Sinh. Thấy tôi xuống, cô Sinh vột vạt - sao cháu không nằm trên giường với ông, dưới này lạnh lắm. Dưới này có chiếu, cháu không lạnh đâu, cháu thích ở dưới này rộng rãi. Cô Sinh cười, tôi lại hỏi - Thế nhà cô trôi mất rồi à, sao không giữ được nhỉ… Sức người làm sao mà lại được với nước, họa có ông Sơn Tinh về giúp thì may ra - ông nói với từ trên giường xuống. Cô Sinh chỉ thở dài.

Gò thành ốc đảo. Nước sông lên, nước đồng không chảy đi đâu được nữa, đành làm tội ngâm mấy bụi tre bụi hóp. Trên sân nhà nhìn xuống, vẫn thấy gò nhà khác, gọi to vẫn nghe được, nhưng có việc muốn sang thì chỉ có bơi thuyền. Thuyền, chỉ người lớn mới được động đến, còn trẻ con… cấm tuyệt đối.
Tôi tha thẩn xuống bến, thấy hai cái thuyền buộc hững hờ, đang tù chân lâu ngày thèm quá, bèn xuống luôn, rút dầm bơi veo véo. Nhằm hướng đường quốc lộ, tôi bơi một mạch ra, chả thèm nhìn đàn vịt nhà ai ngơ ngác, bèo tây rập rềnh... Đường bây giờ như một cái đập, xung quanh nước ăm ắp, chỗ nào cũng như sắp tràn. Tôi lừa lừa dầm, ngắm lựa chỗ đậu thuyền thì có tiếng réo, tiếng ọc ọc rất gần. Như có ai lôi đi, như có cái ống hút hút, thuyền bị lôi tuồn tuột. Tôi hoảng hốt chân tay run bần bật nhưng không làm gì được. Hình như tôi kêu cứu, la hét kinh lắm…

Tôi “tỉnh” lại thì thấy mình… đã ở nhà mình. Bố, các bác, các chú trong xóm đang nhìn tôi, lè lưỡi... Sợ quá, cái thằng này, người lớn qua chỗ đường vỡ còn dựng tóc gáy. Thôi thế là may rồi, cứ ở đây đến chiều bố mày đưa trở lại gò cho an toàn.

Tôi được bố đưa lên ngồi nóc nhà (vì chả còn chỗ nào khác). Đã lên cao nhưng tôi vẫn đứng lên, kiễng chân thêm để thấy rõ dòng sông. Không thể tin vào mắt mình nữa, xa xa mà vẫn thấy dòng chảy băng băng, chóng cả mặt, những cây to cứ quay vòng tròn hút xuống rồi trồi lên…thỉnh thoảng lại một tiếng ùm như lở đất. Hôm qua bố thấy mấy cái nhà trôi, cả người ngồi trên mái kêu cứu, còn trâu bò lợn gà thì nhấp nhô vô kể. Trời, thế không cứu được hả bố. Nhất thủy nhì hỏa, nhìn thấy mà không làm gì được con ạ… Tôi im lặng, ngậm ngùi, rồi khẽ nói… hay là bố cho con ở đây. Không được, muốn thuồng luồng lôi xuống đất đen hả. Con bơi giỏi mà, bố ở một mình, nhỡ nhà mình trôi thì con góp sức với bố. Thằng này nói gở, trôi là trôi thế nào…Tôi xị mặt, sắp khóc. Bố liền dỗ dành, thôi con trai cứ quay về gò làm “lớp trưởng lớp chạy ngập” cho bố, mấy hôm nữa nước rút bố sẽ cho về ngay. Biết là xin ở lại cũng không thể được, tôi đành ngoan ngoãn lên thuyền để bố đưa vào gò.        

Năm ngày sau nước rút, chúng tôi được về nhà xóm bờ sông. Tiếng reo hò sung sướng vang cả gò. Từng thuyền, từng thuyền rời bến. Ông tôi đứng trên bờ vẫy tay. “Bao giờ ngập chúng cháu lại vào với ông nhé” - có tiếng hét to, rung cả mặt nước. “Sao lại nói gở thế, phải nói tạm biệt ông chứ” - bố tôi không quát nhưng giọng có vẻ buồn. Thuyền lướt qua những ruộng lúa đã hở ngọn, chả thấy màu xanh đâu, chỉ một màu phù sa đỏ quạch.

Về đến nhà thì chao ôi... Nhà như một cái ao cạn, phù sa, bùn vàng bùn đen, chỗ loãng chỗ đặc... thật khủng khiếp. Tôi ơ mắt, chả biết đặt chân vào đâu. Thấy nhô lên cái mặt vuông vuông, định ướm chân vào thì… ối giời ôi cái tủ lạnh. Định thần nhìn sang bộ bàn ghế… cũng bê bết, toàn bùn là bùn.
 Ngoài vườn, đúng thật như bãi chiến trường. Cao ngất rều rác, lau sậy, cả những cây to tướng giương cành chềnh ềnh. Mãi tôi mới nhận ra bụi chuối tây, còn một cây con đứng thẳng, cây bố cây mẹ bị gục ngang, thân lá bết bệt bùn đất.

Tôi lựa lựa chân, đi trên bềnh rác một lúc. Đang quay vào, thì thấy cái dây thắt lưng nhựa. Tôi rút lên, “tự nhiên” bật theo quyển Tiếng Việt lớp 5. Tôi cạo cạo lớp bùn đi, thấy lộ ra dòng chữ Trần Văn Hùng, lớp 5A2, trường cấp tiểu học Trái Hút. Tôi hỏi Trái Hút ở đâu hả bố. Bố bảo không rõ lắm, chắc là ở trên ngọn sông. Mỗi sách vở bị trôi hay dòng nước hung dữ cuốn mất bạn Hùng… bố mẹ anh em bạn ấy có bị sao không? Chắc là bạn ấy và gia đình không bị sao đâu - bố nói để tôi yên tâm. Tôi vẫn lo, ngồi thừ người một lúc rồi khẽ nạy, lật từng trang sách. Lũ lụt… chao ôi… không biết có bao nhiêu người bị chết đuối, bao nhiêu nhà bị trôi?

May, sách vở của tôi bố đã cho riêng vào hòm đưa lên gác, lại chằng dây thừng cẩn thận vào xà nhà. Nhưng, bố bê xuống, mở ra thì ướt, quyển nào cũng sũng nước. Tôi hốt hoảng đem đi phơi luôn. Trời không mưa nữa nhưng vẫn sầm sì.

Tôi mở một quyển vở, nhìn hàng chữ đang run run. Ông trời ơi, nắng lên đi, ngày mai là khai giảng rồi. Tôi lẩm nhẩm, không biết bố nghe thấy không. Bố nói với mẹ - Mẹ cu nhìn kìa, thằng bé phơi sách vở mà phải ngồi trông… cứ như là phơi thóc ý.

NGUYỄN ANH DŨNG

;
.
.
.
.
.