.
TRUYỆN NGẮN

Nhà có giỗ

.

Hãy còn tối trời, bà Khương trở dậy, đã thấy Thủy ngồi băm thịt trong cảnh tranh tối tranh sáng. Băm kiểu gì khéo thế, không phát ra tiếng to nhưng thịt vẫn nhuyễn đều. Miến, mộc nhĩ đã ngâm sẵn trong chậu nước ấm để bên cạnh. Thành ngồi vặt lông gà cạnh giếng, rủ rỉ nói chuyện với vợ. Bà nghe loáng thoáng mấy câu:

“Họ hàng có hỏi, cứ bảo anh uống thuốc điều trị gan, đang kế hoạch, thế là xong chứ gì”. Tiếng Thủy sụt sùi. Tiếng Thành làm ra tỉnh bơ:

“Không đẻ được thì xin con nuôi. Chả lo”. Bực mình. Đây là vấn đề máu mủ chứ không phải là hình nộm thay thế. Thằng con bà đã ba mươi tuổi rồi mà còn quá ấu trĩ. Bà thình lình bước ra khỏi bóng tối, con mực ngồi chầu hẫu chờ đớp phổi gà giật mình thụt lùi sủa ăng ẳng. Trong buồng ré lên tiếng khóc trẻ con.

Mọi lần, bà Khương sẽ tất tưởi chạy vào dỗ cháu nhưng lần này bà đi thẳng đến cái chõng cũ ở góc thềm, cúi xuống lấy rổ. Chưa ra tới ao, chưa sờ đến cọng rau muống, bà đã thấy khớp ngón tay mỏi nhừ. Già thật rồi. Bà đương lẩm bẩm, Thủy đã nhanh nhảu: “Mẹ để con”. Rồi cô đỡ chiếc rổ từ tay mẹ chồng. Bà không nỡ nhìn lâu dáng đi cúi đầu của con dâu. Bao giờ cũng vậy, kể từ ngày về nhà này, Thủy không để mẹ chồng có cơ hội làm những việc khó nhọc bất cứ lúc nào có mặt mình. Ban đầu bà Khương tặc lưỡi chắc chỉ được dăm bữa nửa tháng, tranh việc ghi điểm mẹ chồng. Nhưng mấy năm qua rồi, vẫn sự nhẫn nại ấy. Dần dà bà thấy thương. Chắc gì con gái đã biết nghĩ cho bà bằng con dâu.  

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Năm nay giỗ hết tang chồng, bà Khương giao tất cho vợ chồng con trai. Ông mới nằm xuống đấy, đưa ông ra đồng, mấy ông già đồng môn bấm nhau: “Bà góa hãy còn xuân chán” thế mà chỉ vài năm, bà đã thấy mỏi mòn, rệu rã. Chứng cao huyết áp gây bốc hỏa, khiến đầu óc bà quay cuồng. Đợt này, Mai - cô con gái út, đưa thằng cu mới vài tháng về chơi với mẹ, bà cố gượng dậy. Nghĩ cũng thương hại. Lấy chồng xa, sống chung với bố mẹ chồng, hai cụ đã già yếu lắm và bà Khương đoán cũng không lấy gì làm dễ chịu. Việc cơ quan, việc nhà bề bộn, đi rồi ai cơm nước, giặt giũ cho hai cụ. May thay chế độ Nhà nước cho nghỉ đẻ những 6 tháng, lần lữa mãi, Mai mới về với mẹ.

Nhớ hôm vợ chồng Mai bế con về, bà Khương đỡ cháu, buốt ruột khi thấy đôi bàn tay con gái vằn gân xanh chằng chịt. Nhìn là biết đụng nước vắt rửa sớm rồi. Xót con, bà chẳng cho Mai động tay vào việc gì. Ngày trước, ông còn sống, ông chiều bà lắm. Bà chỉ làm mấy việc nhà nhì nhằng rồi hết xem vô tuyến lại chơi dài. Từ ngày con trai lấy được vợ đảm, cớ đau bệnh, bà cũng chỉ đỡ việc nhà gọi là. Nhưng giờ thì khác. Bà xắn tay áo lên, không nề hà việc gì. Bà làm như một người thạo việc lâu nay phải chịu bó cẳng ngồi một chỗ. Bà khiến con dâu lo lắng. Thủy soát lại bản thân, luống cuống không biết có phải mình làm việc nhà chưa đến nơi đến chốn khiến mẹ chồng không vừa ý hay không? Thành thì cười khì: “Mẹ thương con gái nhưng lại không muốn con dâu phải chạnh lòng nên tranh hết việc đấy”. Thành rất hiểu mẹ. Từ ngày bố mất, anh làm tất cả chỉ để vui lòng mẹ. Thành nhắc nhở vợ chịu khó hơn, đừng để mẹ phiền lòng. Mỗi tháng lĩnh lương anh đều dành ra một khoản biếu mẹ. Duy chỉ có một điều bà Khương vẫn lấn cấn. Hơn ba năm cưới nhau, Thủy vẫn cứ thênh thênh, trong khi người ta cưới cùng đợt đã con bồng cháu bế.

So bì vốn là đặc tính cố hữu của người nông thôn. Thấy Mai cưới hơn năm đã có con mấy tháng, người ta lại lái sang trường hợp muộn màng của chị dâu. Không lẽ bà đi giải thích với thiên hạ rằng Mai cưới khi chưa mãn tang bố vì lỡ ăn cơm trước kẻng và vợ chồng đã ăn ở với nhau từ thời sinh viên. Còn Thành và Thủy nên duyên nhờ sự gán ghép của hai ông bạn đồng ngũ, từ lúc quen cho tới cưới, cả thảy có hai tháng, số lần gặp gỡ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng bà Khương cũng phải công nhận là ông chồng khéo chọn. Thủy siêng năng, giỏi nhịn, khéo chiều rất hợp với Thành, vốn hiền lành nhưng lại hơi chậm chạp và cục tính.

Trời cho Thủy nết vén khéo. Mẹ con Mai về, bà Khương xăng xái được mấy hôm đầu rồi chứng cao huyết áp lại vật bà ngất ngư. Thành thì cứ ung dung như người giời. Một tay Thủy vừa đi làm vừa lo cơm nước, giặt giũ, đêm hôm trái gió trở trời thuốc thang cho mẹ chồng, còn tranh phần bế đỡ con cho cô Mai tranh thủ ngủ nghỉ bù. Mai trước hiền hậu là thế, từ khi lấy chồng, chửa đẻ sinh ra tính dỗi dằn, hễ không vừa ý là nhả toàn lời khó nghe. Bà Khương thì chẳng sao nhưng còn Thủy, ai dám chắc con dâu bà đã vừa lòng.

Có lần bà cháu đang chơi nhà bà Thu hàng xóm thì nghe bên nhà giần giật tiếng cãi chửi. Bà bế cháu chạy về, thằng bé khóc ré lên khi thấy mẹ đứng giữa trời nắng chang chang, tóc tai bú rù, mắt ầng ậc nước, mồm chõ vào nhà tru tréo. Cứ như lời Mai thì “Sáng giờ không có gì bỏ bụng cho ra hồn, nhỡ tay nhón miếng nem thì đã sao? Trong chảo còn đầy, gắp thêm vào đĩa mà cúng, giỗ cụ kỵ đời tám hoánh nào rồi mà quan trọng hóa, cứ to ve tỏ vẻ chu đáo chuyện nhà chồng”. Đang nước mắt lưng tròng, Mai đã lại tỉnh khấc, miệng leo lẻo cay nghiệt. Bà Khương choáng váng. Trông Mai lúc này giống hệt cô Đào. Tưởng như cô em chồng thất lạc nhiều năm hiện hình trên từng khóe miệng, cái nheo mắt, đám tóc mai bết trán, trong cái điệu bộ chảnh chọe như người lên cơn đảo điên.

Ngày đó bà mất đến hàng năm suy nghĩ mới quyết định gật đầu lấy ông. Người ta bảo nhà ông có “dây” tâm thần. Bà nội ông ngẩn ngẩn ngơ ngơ, rồi đến em gái ông. Cô Đào đã hơn 20 tuổi rồi mà ngây dại, trí khôn không bằng đứa trẻ lên ba. Nhưng ông thì vừa hiền lành, bảnh trai, vừa chịu khó, lại là bộ đội chuyển ngành. Người đâu dai như đỉa. Tới nhà, thấy người ta làm gì cũng bổ vào làm cùng. Hai đứa con vẫn thường trêu bố mẹ có tình yêu cám hấp. Bộ đội mà, đun cám lợn với cả hái rau muống, không nề hà việc gì. Ông cứ “cưa” mãi bà cũng đổ. Nhưng nỗi hoang mang đeo đẳng bà suốt nhiều năm liền và chỉ nguôi ngoai khi hai đứa con lớn lên bình thường.

Giờ đây, Mai tỉnh táo nhưng khác gì người đang lên cơn rồ dại. Còn Thủy, không khác gì hình ảnh của bà nhiều năm về trước, hoàn toàn ê chề, tê bại trước những lời chì chiết của em chồng. Kìm lại cơn rúng động, bà Khương trao con vào tay Mai. Đứa trẻ như một liều thuốc an thần xoa dịu nộ khí đang bốc bải trong Mai.

Từ hôm ấy, cuốn vở mới đã có vết mực dây. Mai nửa tức tối, nửa ngượng ngùng mỗi khi giằng thằng bé từ tay chị dâu. Những lúc ấy, có thể đọc được sự hụt hẫng trong mắt Thủy, như người đang đi trên mây bỗng rơi tõm xuống cái ao tù. Nhưng vẫn chưa hết.  Mai tỏ thái độ không bằng lòng với mẹ. Cô vống giọng khen chị dâu có mẹ chồng tốt nhất trần đời. Và thở than chẳng ai khổ như mình. Mấy năm làm dâu chẳng biết cơm mẹ chồng nấu ngon dở ra sao. Cô gái vốn lành như đất đâm ra thích sai bảo. Và cái thái độ trịch thượng cũng nẩy nòi ra. Mấy bận, bà Khương khóc thầm. Tóc bà bạc nhiều thêm và trông sút cân thấy rõ. Xưa ra đường ai cũng khen bà ra dáng mệnh phụ. Còn bây giờ, soi gương thấy hình dung dúm dó. Bà gần như trốn biệt ở nhà. Giá ông ấy còn sống. Xưa nay Mai chỉ sợ bố, răm rắp lời bố.

Lật những chiếc nem rán vàng, bà nhớ tới chồng. Ông vốn ăn uống giản đơn, có khi chỉ cần mấy hạt lạc bỏ nước mắm với dăm quả cà cũng xong bữa. Ngày ông còn sống, họa hoằn lắm, bà mới phải vào bếp nấu cơm. Ông làm cứ như muốn tranh công với bà. Mà hễ có việc ăn cơm trước, xong xuôi ông rửa luôn cái bát vừa ăn. Bao giờ ông cũng nhường bà tắm trước. Có dâu rồi, tắm xong, ông giặt luôn quần áo của mình và vợ. Con dâu có bảo “Bố để đấy lát con giặt”, ông cười hiền: “Tiện, bố vò luôn”. Có lần ăn mấy cái nem rán bà làm, ông cứ nắc nỏm khen ngon, rồi ông bảo: “Sau tôi chết, cúng giỗ tôi, bà chỉ cần rán đĩa nem với bát canh chua”. Ông nói cứ như biết mình sẽ đi trước bà. Mà sao trời bắt ông đi sớm thế. Nhiều đêm bà mê ác mộng, quờ tay khắp giường chỉ thấy trống không. Chiếc ghế đá tự tay ông đúc khuôn, đặt dưới bóng cây xoài cổ thụ trong vườn lâu không có ai ngồi, lũ lá vườn tranh nhau thả mình xuống, phơi vàng. Cỗ cúng ông thênh thang về với tổ tiên ông bà, bà không quên rán cho ông đĩa nem, có cả bát canh tai chua ông vẫn ưa…

Tiếng khóc thét làm bà Khương giật nẩy mình. Bà vội dụi lửa chạy lên nhà. Cô Tuân đang quét sân tất tả chạy vào. Mai cũng vừa bế con ra đến cửa buồng, đỏ mặt tía tai. Đón lấy cu Tỏi đang vừa khóc vừa ưỡn ngửa từ tay mẹ nó, bà nựng nịu vỗ về. Cô Tuân bô bô: “Sao thế, Mai?”. Mai cũng không vừa, nói xơi xơi: “Khỏe chặt thế. Quét lấy quét để nữa. Nó giật mình…”. Rõ khổ. Có ai muốn thế đâu. Nhưng mà người ta sắp đến ăn giỗ đến nơi rồi. Gà phải chặt, sân vườn cũng phải quét tước. Bác Phấn cầm cái chân gà chạy lại dử thằng bé con: “Gớm, non trưa nửa buổi chứ sớm sủa gì, hả? Dậy mà ăn cỗ chứ, hả. Ông cho này, khoái không, hả?”. Cứ mỗi câu, bác Phấn lại “hả” một cái, thằng bé lấy làm khoái chí, đang nước mắt lưng tròng, miệng toe ra cười. Mai cũng vừa nhận ra, sượng mặt. Ai đời giỗ bố mà xong xuôi cỗ bàn rồi mới chịu dậy, còn hoạnh họe nữa. Nhưng rồi không khí ấm áp, sum vầy của nhà ngoại nhanh chóng cuốn phăng nỗi ngượng ngùng. Mai trở lại là cô gái sôi nổi giữa đám chị em chuyện trò rôm rả, người bóp nộm, người đập tỏi pha nước chấm. Một đám gái trẻ chưa chồng kể chuyện nghịch, cười rũ ra, đấm lưng nhau thùm thụp. Thành ra ga tàu đón em rể. Xe vừa vào đến cổng, bà Khương bế cháu ra đón bố. Khánh mồ hôi nhễ nhại chạy lại ôm cả cháu lẫn bà làm mọi người cười ồ lên. 

Vui vẻ là thế nhưng đến lúc đứng trước bàn thờ cúng ông, bà Khương vừa nức một tiếng, tiếng khóc rộ lên trong đám anh em, con cháu đứng lố nhố. Và như mưa bóng mây, cỗ vừa tãi ra, mọi người tự động ngồi vào vừa vặn cả, tiếng chuyện trò, cười nói nổi lên lao xao. Thủy gắp cho mẹ chồng miếng thịt gà, cái nem rán. Bà Khương chan canh, ăn vội ăn vàng còn bế thằng bé cho bố nó uống rượu. Nhưng thoáng nhìn sang đã thấy ai cắp nó đi rồi. “Bà cứ từ từ mà ăn, nó theo bác Thủy rồi”, Mai ngồi mâm bên, đang gặm chân gà nói với sang khi thấy bà nhớn nhác tìm cháu.

Cỗ đang hồi rôm rả. Người ăn uống, kể lể, nói chuyện, chúc rượu, cười nói râm ran. Bà Khương nhìn những mâm cỗ vun đầy vơi dần. Rồi bà lựa mấy miếng thịt gà còn lại trên mâm gắp vào chiếc bát sạch mang xuống bếp cất phần con dâu. Loẹt quẹt đôi dép (chẳng biết từ bao giờ, bà có cái tướng đi trễ nãi ấy), bà ra giếng rửa tay. Nghe tiếng cười, bà vịn thanh rào chắn ngăn cách vườn với sân giếng. Định gọi Thủy lên chuẩn bị gói phần cỗ giỗ cho họ hàng, làng xóm mang về. Nhưng chưa kịp cất lời, từ đó nhìn xuống, trong ánh sáng chói lóa của buổi trưa tháng tám, trên chiếc ghế đá dưới gốc xoài cổ thụ, cu Tỏi nằm ngửa trong lòng Thủy, đôi mắt đu đưa hấp háy trước mỗi tràng cười giòn tan. Nhìn góc này, trông thân hình Thủy như cô gái chưa dậy thì, khô khan, nhỏ thó. Cô dường như còi cọc đi sau mấy năm làm dâu. Bà chợt nhận ra, từ ngày Mai về nhà đẻ, trông Thủy lúc nào cũng luộm thuộm, tất bật như có con mọn. Mái đầu cặp vội, mấy lọn tóc càng xổ ra lất phất sau mỗi cái dụi đầu cù vào nách, vào bụng thằng bé con. Và tiếng cười khe khẽ làm lung lay những ngấn nước trong veo chỉ chực òa ra khỏi mắt.

MỘC ANH

;
.
.
.
.
.