.

Mùa gió

.

Không phải những đận gió mùa đông bắc buốt da buốt thịt. Có một mùa gió khác ở mảnh đất như chiếc đòn gánh oằn vai ở miền Trung mà nhà thơ Xuân Quỳnh từng nhắc nhở: “Em mới về, em chưa thấy gì đâu/ Chỉ có nắng và gió Lào quạt lửa” (Gió Lào cát trắng). Ấy là mùa gió Nam Lào ở quê xứ Quảng Trị…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mạ gọi: “Cây bằng lăng trước ngõ con trồng đã bị gió Lào quật gãy rồi. Đang giữa mùa hoa tím rực rỡ, rứa mà…”. Giọng mạ trầm buồn, bỏ dở câu nói đầy tiếc nuối. Mấy mươi năm, những mùa gió cứ xoay cuộc đời mạ bằng những nỗi trở trăn, thao thức.

Người ta nói Quảng Trị là một trong những cửa gió của dải đất miền Trung. Mùa hè, mưa phía nước bạn Lào và miệt Khe Sanh, Hướng Hóa càng to thì gió Lào ập về các địa phương hạ nguồn sông Đakrông càng lớn. Đời mạ sinh ra, lớn lên rồi lấy chồng cũng chỉ quanh quẩn trong cái “họng” gió suốt ba tháng hè luôn hứng lấy những đận gió Nam Lào quật như bão cấp 7, cấp 8 giữa mùa hè rực nắng. Cứ thế, gió Lào như quy luật, mỗi năm cứ trở lại để thử sức người trên mảnh đất này.

Thuở bé, dăm bảy tuổi, độ hè đến thì lũ trẻ chúng tôi thường theo cha mạ ra đồng. Suốt ngày quần quật trên đám ruộng khô để cuốc đất, nhặt cỏ, gieo vãi lúa chiêm vụ hè thu. Nắng và gió khiến đứa nào cũng đen thùi lụi và lấm bụi đất, nhất là vào ngày gió lớn, nón mũ đội trên đầu đều bị gió giật bay tứ tung, đôi khi có ngọn gió xoáy còn cuốn luôn cả chiếc nón lá của mạ, quay tít trong luồng bụi mịt mù. Lũ trẻ nghịch ngợm hay gọi đó mà ma gió. Rốt cuộc, gió lặng, không thấy ma, chỉ thấy nón của mạ bị gió xé toe thêm vài nấc vành.  

Mùa hè, trước khi bắt đầu một mùa gieo vãi vụ chiêm thì người dân xứ gió cũng trải qua những ngày xoay tròn trong gió với mùa bới khoai lang. Kinh nghiệm dân gian, khoai đến vụ thu hoạch có gió Lào mới ngọt. Cái khắc nghiệt của nắng, của gió giúp củ khoai rút nước, đúng độ đưa vào nồi nấu thì giàu tinh bột và củ nào cũng nở bung khi giở nắp soong, thơm lừng, ngọt lịm. Nhưng đổi lại, công đoạn gánh khoai về nhà thì cực không kém một trận cầu ngược gió. Những gánh khoai lang oằn nặng hai đầu gặp gió cứ quay tròn, khiến những bước chân người gánh chao đảo. Gặp những đận gió xoay như vậy, mạ chỉ quay người lựa chiều đứng để khỏi ngã rồi nương theo luồng gió mà gánh khoai chạy tiếp. Mãi sau này tôi mới biết, nếu gặp gió mà đặt gánh xuống đợi gió qua rồi đi tiếp thì không biết khi nào mới về đến nhà và người gánh cũng sẽ mệt hơn vì phải đặt xuống, gánh lên một khối lượng gấp rưỡi trọng lượng cơ thể mình.

Hết những ngày thu hoạch khoai và gieo vãi lúa, mạ thường đi buôn xáo (bây giờ người quê thay từ dân dã ấy bằng buôn gạo). Gà gáy canh ba, mạ lật đật quang gánh đi trong đêm tối mờ mờ của trăng sao và bầu trời ngày hè và tiếng gió vít cành tre xạc xào, rin rít nghe rờn rợn. Khi mạ quang gánh đi từ làng này qua làng khác, mua được những thúng lúa hạt khô chắc mẩy rồi ghé cối xay chờ xay thành gạo để gánh được về đến nhà thì gà cũng đã lên chuồng đi ngủ. Sáng mai ra, mạ gánh gạo ra chợ cũng bắt đầu từ mốc thời gian đó, lại đi trong gió.

Gió gắn với đời mạ trong những nhọc nhằn để nuôi đàn con khôn lớn, lần lượt rời xa mái nhà tranh tre nứa lá ở cuối làng. Gió lau khô những giọt mồ hôi mạ đổ xuống và đôi khi hong khô cả những trắc ẩn nhân sinh. Thân quen đến vậy nên hôm nào trời bỗng dưng đứng gió, mạ lại bần thần phất phơ chiếc nón lá đã bị gió đánh toe mà nói rằng, trời hôm ni khó chịu dữ hè!

Một đồng nghiệp trong một lần về quê tôi để quay những thước phim tư liệu về sự nhọc nhằn của nông dân mùa gió Nam Lào, nhìn dáng mạ từ xa, nói: Mạ là hình tượng của người mẹ quê! Không để tôi kịp nghĩ ra ẩn ý trong câu nói đó, anh chỉ vô đôi ống quần xắn lên quá gối của mạ. Tôi phục anh về tài quan sát và cũng là lần thứ hai tôi ngộ ra rằng, cũng như người dân quê tôi, mạ không ghét gió Nam Lào. Sống với gió, người ta tìm cách hạn chế sức mạnh của gió, nương vào gió mà đi tới.

Mấy năm nay quê tôi vắng những đận gió to. Đôi ba lần nghỉ phép, rời phố về quê, những hôm nóng bức, nghe người quê nhắc đến điều hòa, quạt hơi nước chứ không mấy ai nhắc nhớ đến gió. Mạ không còn ra đồng, dân quê tôi cũng không còn nhọc nhằn với những vụ mùa đòn gánh quay tít trong gió xoáy. Nỗi nhớ tưởng chừng quên lãng hóa ra không. Ký ức chỉ chực chờ để sẵn sàng được đánh thức sau cuộc gọi mấy mươi giây của mạ. Và tôi biết, Xuân Quỳnh có lý khi nói rằng: “Ngọn gió bỏng ra đi thành nỗi nhớ!”. Mùa gió hẳn không chỉ khiến chúng tôi quay quắt về ký ức tuổi thơ mà còn khiến mạ thao thức, đợi chờ!

THIÊN LAM

;
.
.
.
.
.