.
TRUYỆN NGẮN

Miên man chuyện học

.

Viên để nguyên quần áo, nằm thõng thượt trên salon đặt ở phòng khách, khuôn mặt lộ rõ sự thất vọng. Chồng Viên đi làm về, tấp xe vào hiên, gắt gỏng:

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Cô có muốn hư mất mấy đứa trẻ không? Lần nào đi họp phụ huynh cho con về cô cũng vật mình vật mẩy!

Viên ngồi bật dậy, đôi mắt vốn dĩ xinh đẹp của cô gái giờ long lên, đỏ đục:

- Anh còn ở yên được đó mà nói à? Lần sau để cho anh đi, cho anh biết nỗi nhục nhã của người có con học hành đì đẹt…

- Em nói anh nghe xem nào?, chồng Viên hạ giọng.

- Nói… nói, nói thì được ích gì. Người ta thì gửi kèm gửi cặp, thầy nọ, cô kia, mình thì thả trôi thả nổi.  
Viên bỏ vào nhà trong thay quần áo. Anh chồng giở quyển sách chuyên ngành dày cộp, lơ đễnh:

- Nhóc nhà mình năm nay lớp mấy em nhỉ?

Viên bực bội gập cuốn sách trên tay chồng, giọng nghèn nghẹn:

- Thằng bé lên lớp ba rồi còn gì. Hai năm nữa là nó lên cấp hai, vèo cái là thi đại học. Anh mà không nghe em, em… chết!

Mắt Viên ầng ậc nước. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu cô cự nự chồng. Không ngoài chuyện học của thằng nhóc bảy tuổi.

Chiều nay họp phụ huynh, Viên đến sớm nhưng chọn góc khuất nhất để ngồi. Phụ huynh trò lớp ba trẻ măng, xúng xính váy áo tíu tít nói chuyện thành tích con nhà mình:  “Cô giáo phải nói mãi em mới cho bé nhà em thi cả ba môn. Nói dại miệng, được cái cháu khá toàn diện, ba mẹ đi ra đỡ muối mặt với bạn bè…”.

Viên run lên. Cái bản tính hiếu thắng có từ ngày đạp đứt cường rốn để chui ra khỏi bụng mẹ giờ rộn rực trong lồng ngực. Viên học giỏi có tiếng cả một vùng, chồng Viên lại quá thông minh. Khi thụ thai rồi sinh ra thằng bé bụ bẫm, khôi ngô với vừng trán rộng, Viên có đủ lý do để tin tưởng về việc học của thằng cu.

Thằng bé vào lớp một. Chừng nửa học kỳ, cô giáo gọi điện cho chị. Cu cậu bị phản ánh là hiếu động, thiếu tập trung, cần phải kèm cặp thêm. Viên thẫn thờ mất cả buổi chiều. Viên đi làm về, trở vào trở ra để chờ chồng và con trai. Khi chồng vừa phanh kít xe trước ngõ, chị giữ nguyên bộ mặt “đưa đám”, nói liền một hơi:

- Cô giáo vừa gọi điện, Bo nhà mình không theo kịp bạn mất!  

Chồng Viên dựng chân chống xe, bế thằng bé nhẹ tênh, thấp lũn chũn từ trên yên xuống:

- Mới mấy tuần mà cu Bo xuống cân dữ quá. Em nên nghĩ cách bồi dưỡng cho thằng bé. Anh thấy buổi sáng con ăn thế là chưa ổn. Một lát bánh mì như lưỡi mèo, hộp sữa bé tẹo, làm sao đủ năng lượng cho con cả buổi học.

Viên bỏ vào nhà trong, vùng vằng.

- Anh thì lúc nào cũng thế, chỉ biết đến ăn và ăn thôi! Thằng bé chưa lớn rồi lớn. Nhưng nếu nó dốt năm nay thì năm sau nó không thể giỏi. Em mặc kệ, nhất định em sẽ cho con đến nhà cô để học kèm.
Chồng Viên đặt thằng bé lên vai,  đi nhong nhong như ngày Bo mới chập chững biết đi. Anh vẫn nhẹ nhàng:

- Thế anh hỏi em, con đã học cả ngày, còn thời gian đâu để học thêm? Chả nhẽ lại học vào ban đêm?

- Ừ cô giáo nói rồi. Vì rất mến thằng Bo nên cô cho nó học “ké” chứ nhóm đó đủ học trò rồi. Mình chịu khó chở nó, vào quán cà-phê ngồi chờ rồi đón con về. Mình phải chịu khó anh ạ, có thế con mới thành tài được.

Chồng Viên quay người lại, nghiêm mặt:

- Anh cấm em. Từ giờ đến khi con học hết tiểu học, anh cấm em nói đến chuyện cho thằng bé học thêm.

Chị ấm ức, nước mắt chảy tràn má:

- Anh nói thế mà được à? Ở cơ quan em, họ gửi con học khi chưa vào lớp một, mà không phải học nhóm như lớp thằng Bo đâu! Mỗi đứa có một giáo viên dạy kèm, thế mới hy vọng đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi. Anh cứ nghe em, em chịu trách nhiệm đưa đón con, em cố gắng để con lên cân…

- Anh nhắc lại, anh cấm em – Chồng Viên không thay đổi nét mặt, nói lớn – Thằng bé học hai buổi một ngày là đã quá sức, phải để cho con có thời gian chơi những gì mà nó thích, việc học là cả đời, em đừng vì mình mà lấy mất tuổi thơ của con trẻ.

Viên buộc phải nghe chồng nhưng, sau buổi tranh cãi đó, Viên giận chồng cả tháng.

Đến cơ quan, đâu đâu cũng nghe mọi người bình luận, bàn tán khen chê về giáo viên dạy kèm cho con mình làm Viên phát hoảng. Cả ngày nhong nhóng chờ con về, kể cả khi đang nhỡ việc Viên cũng đón con từ ngoài cổng.

- Cu Bo của mẹ, hôm nay được mấy điểm, nói mẹ nghe xem nào!

Nhìn điệu bộ của chị, anh cười “Người đâu lạ thế không biết! Hỏi xem con ăn uống thế nào? Trưa ngủ có lạnh không? Em thì lúc nào cũng điểm, điểm!”.

Câu cuối cùng anh kéo dài giọng, chị nghe mà tức muốn phát điên lên.  

- Em chỉ nhượng bộ cho anh khi thằng bé ở đầu cấp tiểu học thôi nhé! Lên lớp trên, anh phải để nó cho em.

Chồng chị vẫn giữ nguyên lập trường. Vào ngày nghỉ, anh chở con ra vùng ngoại ô, hai cha con chơi đủ trò con trẻ. Thằng bé biết thả diều, biết chơi trò đánh đáo, biết phân biệt con trâu và con bò, con bê và con nghé. Đặc biệt. nó biết bơi và bơi rất giỏi. Nhìn con rắn chắc, da dẻ hồng hào, nhanh nhẹn, chị thấy đỡ hơn phần nào. Một lần, khi đang ăn tối, chị chủ động.

- Ừ, nói thế chứ ngày xưa mình đâu có học như trẻ con bây giờ? Em còn nhớ là tụi em chơi suốt, nhưng khi học thì học ra trò. Bo nhà mình nhanh nhẹn, không học “nhồi” nhưng chắc có lẽ cũng ổn anh nhỉ.

Nói là nói thế nhưng đến bận họp phụ huynh cuối năm, chị lại tái mặt khi nghe các mẹ tụm năm túm bảy nói về thành tích của con mình. Đến phần tổng hợp của cô giáo chủ nhiệm, chị đắng đót trong lòng. Cô giáo không nhắc đến Bo, chỉ xếp chung chung cu cậu vào loại chậm tiến, cần được phụ huynh chú ý giáo dục thêm!

Chị nuôi ý định làm trái lời anh, thằng Bo lên lớp 4, anh  được cử đi học nâng cao trình độ quản lý hai năm. Bình thường thì không khi nào Viên muốn anh xa nhà, nhưng trong hoàn cảnh này thì chị mừng rơn.

Tháng chín anh đi. Ngay ngày hôm sau, chị liên hệ với trung tâm gia sư thuê người kèm con tại nhà. Lịch học được chị lên kín. Viên hăm hở hỏi dò những người có con cùng lứa, được biết dù gì cũng phải nhờ cô giáo dạy chính kèm hộ ít nhất là hai buổi một tuần.  

Anh gọi điện thường xuyên. Chị nói dối anh về việc đều đặn đưa con đi ra vùng ngoại ô, cho con học bơi… anh nói, anh cấm em cho con đi học thêm, học kèm… chị cười, em đâu dám trái lời anh.
Thằng Bo tiến bộ rõ rệt. Bằng chứng là nó được cô giáo xếp trong tốp những đứa thông minh, tiếp thu bài tốt. Bo được chọn thi tiếng Anh qua mạng, giải toán qua mạng…

Cô giáo còn đề nghị Viên cho cháu luyện chữ, tham gia kỳ thi văn hay chữ tốt, không có gì quan trọng hơn đầu tư cho con cái. Viên chặc lưỡi, ừ cứ cho cu Bo thử sức, rèn cho nó ý thức và sự cần cù.

Thằng bé “lao” vào các “lò” luyện. Bo được tách ra một nhóm riêng, bồi dưỡng chương trình đặc biệt để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Cô giáo yêu cầu phụ huynh tuyệt đối không được “chạm” vào mạch mà các trò đang đi. Trời ạ bây giờ, đứa trẻ nào cũng được chăm sóc đặc biệt, được đặt vào đó niềm hy vọng tràn trề, ăn nhiều dưỡng chất, uống nhiều sữa tăng chiều cao và học, học không ngơi nghỉ.

Viên thấy mình càng đi càng “sáng”. Hóa ra việc học của con trẻ bây giờ không đơn giản như vợ chồng Viên đã từng nghĩ. Muốn cho thằng bé thành tài, phải “ươm” ngay từ khi trứng nước. Cuối học kỳ một, Viên tự tin ngồi vào ghế ở dãy trên. Và  không biết tự bao giờ, chị cũng trở thành người thích hóng hớt, đẩy đưa câu chuyện. Nhóm phụ huynh có  con được vào “lò” ngồi dịch lại gần nhau, câu chuyện nhỏ to không ngoài việc học.

Viên nghe chộn rộn trong lòng mình đã đi đúng đường thật rồi. Viên đổi tư thế ngồi, như con chiên ngoan đạo nghe như nuốt những lời nhận xét của cô giáo. Ôi, thằng Bo, cái thằng Viên đặt niềm hy vọng tràn trề đã được nhắc đến, đã được nêu gương, đã được định sẵn phía trước một tương lai tốt đẹp.

Việc bồi dưỡng cho giáo viên là việc “nhỏ”, không cần bàn đến. Mười ba phụ huynh của mười ba học sinh xuất sắc nhất quan tâm đến việc học bao nhiêu buổi, học với “cường độ” như thế nào. Cả nhóm thống nhất học vào tất cả các buổi trống trong tuần.  

Thế là duyệt. Sang kỳ 2. Viên phải sắp xếp công việc để cho Bo đến lò luyện . Có nhiều hôm bận việc cơ quan, Viên cho con tiền vào quán ăn thứ gì tùy thích, xong, chị gọi xe ôm đưa đón con đến lò luyện. Thằng bé quay tít mù trong vòng quay của học, những dãy số, những con chữ và bài luyện tiếng Anh mờ cả mắt.

Viên cũng bỏ thời gian để đưa đón con và cố gắng bồi dưỡng cho cu cậu. Nhiều lúc nhìn con thiếu ngủ đến vật vờ, đi học về chưa kịp cất cặp đã phải ăn vội ăn vàng để đến lò luyện. Viên thương con đến quặn thắt, thằng bé mất đi sự nhanh nhẹn, hồn nhiên vốn có. Nhiều đêm Bo giật mình thức giấc, khoác cặp lên vai và đi ra ngõ!  

Cu Bo ôn thi đã đến giai đoạn nước rút. Ngày cu Bo đem hết tài năng ra thi thố ở những cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh. Giải nhất tiếng Anh qua mạng, giải nhì môn toán qua mạng, giải đồng đội cuộc thi Toán tuổi thơ. Viên chở con đến nhà cô giáo, ruột nở bung ra từng khúc. Viên đón chén trà từ tay cô, rưng rưng:

- Công cô giáo thật lớn, đúng là “không thầy đố mày làm nên”, cháu Bo nhà em sáng dạ nhưng nếu cứ để cháu tự đánh vật với mấy quyển sách giáo khoa thì không thể nên cơm nên cháo gì. Em muốn được gửi cháu Bo nhờ cô kèm hộ trong thời gian nghỉ hè!

Bo được nghỉ đúng năm ngày chẵn sau khi kết thúc năm học để bươc vào học thêm.

Thằng Bo kêu mỏi mắt, ù tai, váng đầu. Viên hoảng hồn. Chết thật, thằng bé đau thế, nếu phải nghỉ học thì theo làm sao kịp với đám bạn. Không khéo nó tụt “hạng” thì nguy mất. Bo không được nghỉ, chị bảo, con cứ cố đi, mẹ hầm gà bồi dưỡng rồi đâu khắc vào  đó. Đến ngày thứ ba, thằng bé không trụ được, chị  phải đến nhà cô chở con đến bệnh viện. Bác sĩ kết luận.

- Thằng bé mắt tiếp xúc quá nhiều với màn hình máy tính, học tập trong không gian thiếu ánh sáng nên bị cận nặng. Do ngồi nhiều và ngồi sai tư thế, cháu bé có nguy cơ lệch đốt sống lưng. Bây giờ, chị phải cho cháu nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, đeo kính để giảm gánh nặng cho mắt…

Viên chết điếng. Chồng chị ước mơ dạy cho Bo chơi nhiều môn thể thao, anh muốn con trai trở thành một chàng trai mạnh khỏe, nhanh nhẹn và hoạt bát, giờ, chị biết làm sao?

Viên ôm con vào lòng. Thằng bé ngủ từ khi nào. Trơi ơi! Bây giờ Viên mới dừng lại để nhìn kỹ gương mặt đói ngủ của con. Gần hai năm trời, Viên mải miết chạy theo hư danh mà quên đi một điều con chị vẫn còn trứng nước. Chị đã vì mình mà đặt lên vai con gánh nặng khi tuổi nó còn quá nhỏ. Chị đã cướp mất tuổi thơ đáng giá ngàn vàng của con trai chị.

Anh về, nhìn cặp kính cận dày cộp trên mặt con, anh lặng người. Con đã khuyết tật. Viên không dám nhìn vào mắt anh!

Trên góc tường, những tờ giấy khen đóng dấu đỏ chót được Viên đóng khung cẩn thận, hắt lên không gian không hương sắc!

Chỉ là một vật vô tri, vô giác, Viên ơi!

NGUYỄN NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.