.

Những quyển sách ở Gia Nghĩa

.

Một hôm, tự dưng có người học trò cũ của tôi ở Trường cấp 3 Đăk Nông đưa lên mạng xã hội facebook những quyển sách cũ mà em sưu tập được. Ngạc nhiên nhất là gần như toàn bộ tác phẩm của nhà nghiên cứu triết học Phạm Công Thiện - ngay cả các tủ sách tư nhân lớn cũng hiếm nơi có trọn bộ, thế mà em có như gần đủ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi cũng là người mê sách. Hồi học Việt Hán Đại học Sư phạm ở Huế,  rất nhiều buổi chiều tôi qua nhà sách Ưng Hạ bên kia cầu Tràng Tiền chỉ để ngắm nhìn những quyển sách của mấy nhà xuất bản như An Tiêm, Lá Bối. Tôi có một người thầy dạy thời lớp đệ Tam. Thầy nói, “các em học văn chương thì phải mê sách. Và khi nào mình bỏ tiền mua sách mà không tiếc tiền mới đúng là học ban văn chương”. Tôi đã quên đi biết bao bài giảng của thầy nhưng câu nói của thầy thì không thể nào quên. Thế nhưng thời đi học nghèo, không tiền mua sách nên bù lại là “ngắm” sách cũng là một hạnh phúc. Và một người thầy khác, vào năm thứ nhất ở đại học, thầy đã bước đầu mở cánh cửa vào con đường nghiên cứu văn học của chúng tôi: “Các anh chị phải biết làm nghiên cứu hơn nhau chỉ là tư liệu, tư liệu quyết định tất cả…”. Mà tư liệu chính là sách. Và sau này, suốt cả đời đeo đuổi nghiệp văn chương mới thấy điều thầy nói thật chí lý.

Trở lại chuyện người học trò cũ. Thật ra tôi chưa hề gặp. Chỉ biết em là một kiến trúc sư, làm thơ và yêu âm nhạc và nhất là mê sách. Em vào trường thì tôi đã đi khỏi Gia Nghĩa nhưng rõ ràng niềm đam mê sách của em đã làm thức dậy nơi tôi những nỗi niềm của một thời tuổi trẻ thơ mộng đắm chìm với sách ở Gia Nghĩa.

Từ câu chuyện của người học trò còn gợi cho tôi một kỷ niệm về sách ở Gia Nghĩa. Ngày mới ra trường lên Gia Nghĩa mở Trường cấp 3 Đăk Nông (Trường THPT Chu Văn An bây giờ), ba lô mang theo cũng chỉ là sách, toàn sách lý luận văn học -  trong suy nghĩ nơi mình đến làm gì có sách mà đọc. Tôi đã lầm to, những năm tháng tôi ở đây lại được tắm mình trong sách vở văn chương. Ngày ấy, trường mới mở chỉ có 4 giáo viên và thêm thầy hiệu trưởng, mỗi người được phân công cáng đáng thêm nhiều việc. Đầu tiên là nhà trường giao cho tôi làm quản thủ thư viện. Đúng là thời của chế độ bao cấp, mọi thứ cứ phân phối theo đầu người, nhiều khi không cần biết người được phân có nhu cầu hay không. 

Sách cũng thế, phân phối kiểu thời bao cấp. Thư viện trường ngoài những sách phục vụ cho dạy và học có rất nhiều bộ sách quý của nền văn học Nga và Văn học Xô-viết như Con đường đau khổ, Pie đại đế của Alecxei Tolstoi, Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karenina của Leo Tolstoy, Dagestan của tôi  của  Gamzatov, Đất vỡ hoang của Solocov, Truyện ngắn  Chekhov, Người mẹ, Những trường đại học của tôi của Macxim Gorki… Chưa kể là những bộ sách toàn tập của các tác giả Việt Nam.  Sách hay và đúng là của hiếm nhưng bụi bám đầy, một mình tôi tha hồ đọc ngày đọc đêm.

Ngày ấy, những năm đầu sau 1975, đất nước sau chiến tranh còn khó khăn, sách chi viện cho miền Nam còn rất hạn chế. Cuộc sống của anh em giáo viên lên công tác miền núi gặp rất nhiều thiếu thốn, nhưng chúng tôi, những người đã đeo đuổi theo cái nghiệp văn chương thì sách lại là niềm vui. Trong những năm tháng dạy tại trường, ít ra tôi làm được một điều là truyền cho học trò niềm đam mê đọc sách. Trong những giờ lên lớp, tôi thường tranh thủ giới thiệu với học sinh những cuốn sách nên đọc, những tác phẩm hay có trong thư viện nhà trường, kết quả là các em đến thư viện rất nhiều.

Hồi đó trường mới mở có 2 lớp 10. Mỗi tuần tôi dạy có 8 tiết chẳng biết làm chi cho hết ngày. Nói là trường nhưng lại đóng trong chùa. Sau 1975, các sư thầy đi hết, cửa chánh điện đóng lại. Một bên hông có một ngạch cửa sổ bị hở, tôi tò mò leo vào. Phía sau hậu điện đồ đạc vất lung tung, cơ man là sách báo chất đầy dưới bàn thờ. Tôi quét dọn lại, sắp đặt cho ngăn nắp rồi trải chiếu phía dưới bàn thờ, và bắt đầu ngồi... đọc. Riêng kinh sách thì tôi sắp lại để trên bàn không dám đụng đến, ngày đó tâm bất tịnh còn đồng vọng lắm chỉ nằm núp sau hậu điện để đọc sách. Sau này tôi nghĩ chắc đó cũng là chữ Duyên để tôi có cơ hội chìm đắm trong kho sách của các sư thầy để lại. Sách nhiều lắm, nhất là những quyển sách của Phạm Công Thiện. Ông có pháp danh là Thích Nguyên Tánh, Trưởng khoa Phật học của Đại học Vạn Hạnh nên sách của ông mới có nhiều trong thư viện nhà chùa. Qua những bộ sách của ông, tôi tiếp cận các nền văn học, triết học đông tây với những triết gia như Krishnamurti, Nico Kazanzaki, Nietzche, Rilke, Henry Miller, Camus và rất nhiều sách của các tác giả khác như Bùi Giáng, Tuệ Sĩ, Nhất Hạnh, Kim Định, Nguyễn Hiến Lê. Tôi đọc trong nỗi cô đơn của hạnh phúc tràn đầy trong một không gian yên tĩnh của thiền định.

Và hình như với Đăk Nông - Gia Nghĩa với tôi có một chữ Duyên về sách. Nhờ Sách, tôi thấy gần hơn trong một niềm an ủi dịu dàng rằng, có một người học trò trong ngôi trường ấy mà tôi chưa hề gặp mặt đã bước ra từ thế giới sách trong sự đồng cảm hạnh ngộ đầy bất ngờ. Thỉnh thoảng cho đến bây giờ vẫn nhớ lại một không gian nhẹ tênh lòng không vướng bận điều gì ngồi đọc sách dưới hiên chùa. Giá như được trở lại ngày ấy. Vậy mà cũng mấy chục năm rồi, nói như Phạm Công Thiện trong Ý thức mới trong văn nghệ & triết học: “Ôi thời gian qua mau, qua mau như nắng quái chiều hôm như tuổi trẻ chúng mình. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, kỷ niệm làm ta đau khổ”.

Hồ Sĩ Bình

;
.
.
.
.
.