.
Giới thiệu sách

Một đời nâng niu văn học dân gian đất Quảng

.

Người Quảng thời nay ham mê nghiên cứu và có đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn học dân gian đất Quảng không ít, chẳng hạn như Lâm Quang Thự, Hoàng Hương Việt, Trương Đình Quang, Trần Văn An, Đinh Thị Hựu, Võ Văn Hòe, Vu Gia… nhưng tiêu biểu nhất có lẽ phải kể đến Nguyễn Văn Bổn. Một đời nâng niu gìn giữ văn học dân gian đất Quảng, Nguyễn Văn Bổn có nhiều ưu thế hơn thiên hạ. Trước hết đến với truyện kể hay thơ ca là những sáng tác nghệ thuật ngôn từ của ông cha xưa, rất cần năng lực cảm thụ và thẩm định văn chương tinh tế. Bản thân là một nhà thơ nổi tiếng từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước với bút danh Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Văn Bổn hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu ấy.

Bộ sách “Văn học dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng” của Nguyễn Văn Bổn do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 1-2018.
Bộ sách “Văn học dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng” của Nguyễn Văn Bổn do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 1-2018.

Thứ hai là công việc sưu tầm văn học dân gian đòi hỏi phải có nhiều thời gian thâm nhập thực tế, đi điền dã về nông thôn,  lên miền núi… mới có thể gom góp chắt chiu “đãi cát tìm vàng”. Với tư cách một công chức của Ty Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng từ năm 1978, Nguyễn Văn Bổn có điều kiện thuận lợi trong việc đi điền dã khắp đất Quảng hàng chục năm trời ròng rã - sưu tầm văn học dân gian ở đây cũng chính là thực hiện “nhiệm vụ chính trị”, là thực thi công vụ. Đương nhiên may mắn lớn nhất của Nguyễn Văn Bổn là đã thực thi cái công vụ văn hóa ấy rất kịp thời, khi mà lớp người lớn tuổi ở các làng Quảng bảo lưu được di sản văn học dân gian vẫn đang còn sống và đang còn nhớ, đang còn kể và đang còn hát…

Sản phẩm của những năm Nguyễn Văn Bổn rong ruổi sưu tầm văn học dân gian là hai tập sách Văn nghệ Dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng do Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng xuất bản - tập một vào năm 1983 và tập hai vào năm 1984; là hai tập sách Văn học Dân gian Quảng Nam do Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam xuất bản - tập ba/miền biển vào năm 2001 và tập bốn/miền núi vào năm 2004; đặc biệt là bộ sách bốn tập Văn học Dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2018 - được Nguyễn Văn Bổn bỏ ra không ít thời gian công sức để “nâng cấp”, thậm chí để “làm mới” từ các tập sách vừa nêu và gọi đây là “bộ sách của một đời người”.

Qua “bộ sách của một đời người” đáng ngưỡng mộ này, Nguyễn Văn Bổn không chỉ làm công việc của người thư ký tận tụy, ghi chép đầy đủ và chính xác những điều mắt thấy tai nghe trên hành trình nhọc nhằn đi tìm di sản văn học dân gian đất Quảng - mặc dầu chỉ như vậy thôi đã là đóng góp lớn rồi. Nguyễn Văn Bổn cũng không chỉ làm nhiệm vụ hệ thống hóa di sản văn học dân gian đất Quảng theo ba khu vực miền xuôi/đồng bằng, miền biển và miền núi, hoặc theo các thể loại văn chương dân gian khác nhau. Xin nói thêm rằng với bộ sách này, Nguyễn Văn Bổn đã cố ý tự thu hẹp phạm vi sưu tầm nghiên cứu của mình từ văn nghệ - bao gồm cả nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình, sang văn học - tức chỉ có nghệ thuật ngôn từ.

Trong bốn tập Văn học Dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng, Nguyễn Văn Bổn chủ yếu đóng vai trò người dẫn dắt, đưa độc giả bộ sách thâm nhập và khám phá thế giới nghệ thuật của văn chương dân gian đất Quảng. Đi theo anh, không ít người cảm thấy ngỡ ngàng trước những điều chưa biết hoặc biết chưa hết về vùng đất chưa mưa đà thấm, về con người chân chất ăn cục nói hòn, về cách nghĩ cách nhìn của những lưu dân khi mới đặt chân lên xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ con cá vùng phải kiêng… Cùng Quảng Nam hay cãi với nhau, thi thoảng có người toan dừng lại để tranh luận với anh, nhưng không ít lần anh đã thuyết phục được họ bằng giọng văn vừa khúc chiết vừa đầy chất thơ và bằng sự hiểu biết thấm đẫm thực tiễn.

Chẳng hạn Nguyễn Văn Bổn có lý khi cho rằng ở đất Quảng, “các yếu tố thần thoại không còn để lại nhiều dấu vết trong các truyện cổ (…) các yếu tố đạo lý làm người đã chiếm ưu thế, làm mờ nhạt đi những yếu tố thần kỳ” (trang 36, tập 1 Vùng đồng bằng). Ở đây Nguyễn Văn Bổn rất có ý thức về mức độ, bởi không còn để lại nhiều dấu vết hay bị làm cho mờ nhạt đi không có nghĩa là không có/ không còn yếu tố thần kỳ trong truyện cổ đất Quảng. Chi tiết tấm da ngựa si tình bất thần quấn chặt lấy cô tiểu thư xinh đẹp bay bổng lên ngọn cây cao trong Sự tích con tằm (trang 89, tập 2 Truyện cổ dân gian người Việt miền xuôi) dễ khiến người đọc thời nay liên tưởng đến hình ảnh nàng Remedios xinh đẹp được gió thổi bay về trời trong tiểu thuyết Trăm năm cô đơn lừng danh của đại văn hào Gabriel García Márquez.

Đọc bộ sách bốn tập Văn học Dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng, có thể thấy Nguyễn Văn Bổn luôn có ý thức mở rộng kiến giải sang địa hạt văn hóa dân gian. Chẳng hạn Nguyễn Văn Bổn đã dành gần năm chục trang sách trong tập 3 Miền biển để viết về các lễ hội và sinh hoạt văn hóa ở miền biển Quảng Nam-Đà Nẵng; cũng như đã dành khoảng ba chục trang trong tập 4 Miền núi để viết về các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam-Đà Nẵng. Và mặc dầu đã tự thu hẹp phạm vi sưu tầm nghiên cứu của mình chỉ trong lĩnh vực văn học nhưng đọc tập 4 Miền núi vẫn thấy Nguyễn Văn Bổn “lấn sân” sang lĩnh vực nghệ thuật khi dành cả chương ba để giới thiệu về nghệ thuật ca múa/âm nhạc và nghệ thuật trang trí/tạo hình.  

Ngoài ra, đọc bộ sách bốn tập Văn học Dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng, độc giả còn cảm thấy thú vị khi dõi theo các phần phụ lục Viết trên đường điền dã. Thực chất đây là những tiểu luận về văn hóa văn nghệ dân gian đất Quảng dưới góc nhìn đương đại và quan trọng hơn là hồi ức về quá trình lao động nghiêm túc của Nguyễn Văn Bổn suốt hàng chục năm trời ròng rã đi điền dã khắp đất Quảng quê hương. Qua những tiểu-luận-hồi-ức này, người đọc có thể cảm nhận được công phu của Nguyễn Văn Bổn trong việc gom góp chắt chiu “đãi cát tìm vàng” đối với “của hương hỏa” văn học dân gian ông cha xưa để lại; đồng thời có thể lý giải vì sao bộ sách này lại được chính Nguyễn Văn Bổn mệnh danh là “bộ sách của một đời người”. Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà chưa chịu đồng hành với Nguyễn Văn Bổn dọc theo hai ngàn trang sách Văn học Dân gian Quảng Nam Đà Nẵng!

Trần Nguyên Hậu

;
.
.
.
.
.