.

Nhớ mẹ những Tết xưa

.

Mỗi năm xuân đến, Tết về, một hình ảnh rõ nhất của quá khứ và in đậm dấu ấn nhất trong tôi là mẹ. Mẹ tôi mất cách đây đã hai lăm năm, mà từ nét mặt, giọng nói, tiếng cười lúc nào cũng như ở trước mắt, bên tai tôi vậy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Quanh năm, suốt tháng, cha tôi bận bịu công việc làm ăn thường phải luôn xa nhà, dồn tất cả lo toan cho mẹ tôi, một phụ nữ hiền lành, ít nói, gương mặt lúc nào cũng phảng phất buồn.

Thời ấy là thời kinh tế khủng hoảng, vật giá rẻ mà đồng tiền thì khó kiếm. Vào quãng đầu tháng Chạp, khi mía lau ngoài đồng được thu hoạch và trong xóm, cái mùi thơm ngào ngạt quanh các chòi nấu đường quê tôi đã có không khí chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Bọn trẻ con chúng tôi nghe người lớn bàn chuyện lo Tết thì mừng lắm, đứa nào cũng háo hức mơ nhiều thứ. Chúng tôi mơ quần áo mới, mặc vào đi lại cứ sột soạt, mơ những đồng bạc hào sáng loáng mừng tuổi, những đồng xu kêu leng keng. Còn những trò vui chơi thì bài chòi, bài ghế có lá cờ giấy màu đỏ và tiếng trống bum bum rộn ràng, tiếng người hô thai hô nhiều câu dí dỏm gây nên những trận cười nghiêng ngả là hấp dẫn chúng tôi nhất. Chỉ có mẹ tôi là không có vẻ gì vui mừng cả, mà ngược lại, Tết càng đến gần, lòng bà càng rối lên với ba nỗi lo âu. Nhiều lúc, tôi bắt gặp bà ngồi một mình, lẩm nhẩm điều gì, nét mặt ưu tư. Nhưng vốn vô tư và hồn nhiên của tuổi thơ, tôi lại chạy đi chơi.

Với món tiền nhỏ cha tôi gửi về phụ giúp và chút ít đồng lãi thu từ nghề dệt thủ công, mẹ tôi phải tính toán chia sao cho đủ vào các khoản chi tiêu cần thiết. Một buổi chiều, bà đi chợ mua về mấy thước vải nhờ bác thợ may trong xóm đến đo cắt cho ba chị em tôi mỗi đứa một bộ áo quần. Vải may đồ cho chúng tôi chỉ là thứ vải phin đen, trắng không phải thứ hàng lụa hoa hòe sặc sỡ, nhưng đối với chúng tôi, sao mà đẹp đẽ, sao mà quý giá thế. Xong quần áo cho con nhỏ, mẹ tôi lại lo đến gạo, nếp là món không thể thiếu được trong ngày Tết. “Đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa” từ ngày xưa, trong dân gian đã vậy.

Quê tôi, một làng ven sông Thu Bồn, đất nông nghiệp không rộng, dân cư chỉ sống về nghề dệt vải, ươm tơ, một bộ phận trồng mía trồng dâu và buôn bán nên quanh năm hầu hết bà con phải mua gạo từ các làng lân cận hoặc của người buôn lớn, chở gạo từ các tỉnh phía Nam về bằng ghe bầu. Mẹ tôi cũng như bà con trong xóm, quảy thúng ra bến sông mua mấy ang về dự trữ.

Đã đảm đang tháo vát, mẹ tôi còn khéo tay. Tết năm nào bà cũng dành ít đồng mua nguyên liệu làm một số loại bánh, vừa có để cúng tổ tiên, vừa làm món hàng dọn ra chợ bán cho người tiêu dùng. Vì thế, bà phải tất bật từ giữa tháng Chạp, nào là mua đường, mua trứng, rang nổ, rang đậu xanh, rang nếp, xay, giã luôn tay. Những ngày làm bánh, bếp nhà tôi luôn nhộn nhịp, tiếng đánh bột bộp bộp, tiếng củi lửa reo tí tách, mùi thơm lừng của những chiếc bánh thuẫn nở vàng tươi. Mẹ tôi đi lại trong bếp, đôi chân nhanh nhẹn, đôi tay bận rộn vô cùng. Hai má bà ửng hồng bên bếp lửa, mồ hôi thấm ướt lưng chiếc áo cánh đen.

Ban ngày đổ bánh thuẫn, ban đêm in bánh in, làm bánh nổ, bánh bảy lửa. Bánh in làm bằng bột nếp, bột đậu xanh rang lên, in vào các khuôn gỗ vuông, tròn, có hình con cá, con rồng chạm trổ sắc nét, hoặc các khuôn đồng hình chữ thọ, hoa thị. Khi bánh in xong, mẹ tôi xếp vào sịa, đặt trên lò sấy, bánh xông lên mùi thơm phức. Về sau, lớn lên, xa nhà, và cuộc đời khác trước, tôi không còn được sống trong cảnh đêm đông ấm cúng bên lò sấy thơm phức mùi bánh in như những ngày thơ ấu.

Khoảng 25 tháng Chạp, thì hầu như trong nhà đã có đầy đủ các loại bánh khô và số lượng cũng dồi dào, mẹ tôi xếp bánh vào một đôi bầu cho chị tôi gánh ra chợ bán. Trong đình thị, đã có mấy hàng của các bà các cô trong làng cũng dọn bánh bán như mẹ tôi, nhưng đến cuối buổi chợ, bánh của mẹ tôi thường hết trước. Người ta bảo mẹ tôi có “duyên bán hàng”.

Ngày 27, 28 tháng Chạp, mẹ còn bận rộn với việc đổ bánh tổ, gói bánh tét, luộc, hấp các loại này tốn nhiều công, phải thức suốt đêm chụm lửa, trông bà cứ bơ phờ vì thiếu ngủ. Cho đến chiều 30, bà lo soạn mâm cỗ cúng rước ông bà mới gọi là tạm xong phần việc. Trong ba ngày Tết, mẹ tôi chẳng đi chơi đâu, có về quê ngoại thì cũng phải mồng 4, mồng 5, công việc nhà đã thu xếp đâu vào đấy.

Bà hết lo cơm cúng, đến têm trầu, pha nước tiếp khách. Bà không có áo mới, chỉ khoác ra ngoài lớp áo cộc vải một chiếc áo dài lụa đen may từ thời nảo, thời nào xa lắc. Tuy vậy, trên gương mặt dịu hiền của bà vẫn có nét rạng rỡ, vui tươi của một người vừa xong bao nỗi lo toan. Và những lúc ấy, tôi thấy mẹ tôi đẹp hơn bao giờ hết, như những người mẹ ở quê tôi.

Phan Thị Mỹ Khanh

;
.
.
.
.
.