.
Giới thiệu sách

Thơ và sông và ký ức...

.

Không phải ngẫu nhiên Hoàng Thanh Thụy đặt tên tập thơ hơn trăm bài của mình là Tôi và Sông (*). Sông chảy trong thơ Hoàng Thanh Thụy như một dòng ký ức vô cùng. Sông chảy trong ký ức Hoàng Thanh Thụy như một dòng thơ vô tận.

Ảnh bìa tập thơ “Tôi và Sông” của Hoàng Thanh Thụy.
Ảnh bìa tập thơ “Tôi và Sông” của Hoàng Thanh Thụy.

Những con sông bên Trung Quốc mà Hoàng Thanh Thụy nhìn ngắm trong một chuyến tham quan đất nước của Thơ Đường, nào là Chiết Giang tôi đi bên con sông Tương, nào là Sông Hoàng Phố vắt quanh như dải lụa mềm, nào là Sông Trường Giang từ đâu chảy về đâu (Cảm xúc Trung Hoa) có thể là những con sông từ ngoài đời thực chảy vào thơ và vào ký ức, nhưng rõ ràng con sông Mịch La trong bài Khuất Nguyên chỉ có thể từ ký ức chảy vào thơ: Ơi Động Đình hồ/ Sông Mịch La/ Mây có còn bay/ Có còn mảnh mặt trời chết úa/ Có còn vầng trăng đêm đêm lệ ứa/ Và bóng ai ngồi xõa tóc mai chiều/ Dòng nước xanh nguôi tan chưa nỗi đau/ Một đời oan khuất? Ký ức ở đây là ký ức về số phận một nhà thơ từng lưu trong sử sách.

Chảy từ ký ức vào thơ nên mới có chuyện Vàm Cỏ Đông/ Anh đến lần đầu/ Mà ngỡ như đã từng gắn bó/ Phải không em có chút tình ta trong đó/ Con sông một ngày bỗng hóa yêu thương? (…) Vàm Cỏ Đông/ Con sông một đời chảy suốt trong tôi (Bên sông Vàm Cỏ Đông). Chảy từ ký ức vào thơ nên mới có chuyện Đêm sóng vỗ sông Côn/ Ngỡ gió nước Thu Bồn (Hai nẻo yêu thương). Chảy từ ký ức vào thơ nên mới có chuyện Con sông Hương trưa buồn như ngủ/ Để con đò gác bến đợi chờ ai (Một thoáng Huế). Chảy từ ký ức vào thơ nên mới có chuyện Người đi/ Từ đó sông buồn lắm/ Bến lở/ Con đò khách biếng sang/ Chẳng ai hò hẹn ai chờ đợi/ Gió hững hờ qua/ Trăng nhạt vàng (Bao giờ). Chảy từ ký ức vào thơ nên mới có chuyện Vu Gia ơi bao bận lỡ bồi/ Có giữ cho tôi đò xưa bến cũ/ Để mỗi lượt tôi về trời trở gió/ Cứ nao nao kỷ niệm một thời/ Vu Gia/ Một nửa hồn tôi đó sông ơi! (Vu Gia ơi). Chảy từ ký ức vào thơ nên mới có chuyện Đò ta ngược thác trên sông về nguồn/ Nhớ người xưa câu thơ buồn (Chiều mưa Cà Tang). Và chảy từ ký ức vào thơ nên mới có chuyện Đêm trăng qua sông Hàn/ Con thuyền ngủ say/ Đầy thuyền trăng tuôn lai láng/ Trước thuyền ai ngồi cúi lặng/ Chạnh nhớ người xưa “tư cố hương” (Đêm trăng qua sông Hàn)…

Có vẻ như Hoàng Thanh Thụy hay hồi tưởng đến những nhà thơ mà khoảnh khắc cuối đời gắn với một dòng sông định mệnh như Khuất Nguyên, như Lý Bạch… Khuất Nguyên từng ôm một phiến đá rồi gieo mình xuống sông Mịch La tự trầm, còn Lý Bạch cũng gieo mình xuống sông Thái Thạch nhưng không phải ôm phiến đá như Khuất Nguyên mà là ôm vầng trăng: thi thoại Trung Quốc kể rằng tác giả bài thơ Tĩnh dạ tư/ Nghĩ trong đêm yên tĩnh - trong đó có câu Đê đầu tư cố hương/ Cúi đầu nhớ quê xưa từng đi vào thơ Hoàng Thanh Thụy - nhìn thấy trăng ở dưới đáy nước liền nhảy xuống định vớt trăng lên nhưng… chết đuối. Và cũng có thể nói sông trong Tôi và Sông chỉ là cái cớ để Hoàng Thanh Thụy trầm tư hoài niệm về những con người từng đi qua đời anh. Thấy sông nhớ người nên mới có chuyện Sông Vu Gia, một chiều gió nổi/ Bến Bàn Tân thương em gái đưa đò (Thơ về Đại Lộc). Thấy sông nhớ người nên mới có chuyện Lặng lẽ sông ngày ngày ra bể/ Và nhận phù sa từ những thượng nguồn/ Đôi bờ xanh câu ca huyền sử/ Tóc ai dài xõa mượt bãi dâu non (Sông quê). Thấy sông nhớ người nên mới có chuyện Trời mênh mông, đất mênh mông/ Tìm đâu bóng Mẹ cuối sông đầu nguồn! (Tìm đâu bóng mẹ)...

Nhưng đậm nét nhất trên dòng sông ký ức Hoàng Thanh Thụy là hình ảnh những đồng đội còn rất trẻ của anh. Nhớ về đồng đội, giọng thơ Hoàng Thanh Thụy như chùng lại. Cái cảm giác gặp đồng đội lần cuối cùng cứ luôn ám ảnh anh: Nghe tin mày đã chết rồi/ Tau như ai chém ngang người đó Thương (…) Ngờ đâu tau có ngờ đâu/ Chỉ lần gặp ấy “lần sau…” hết rồi/ Ôi chao buồn quá Thương ơi/ Mắt chưa khóc lệ đã rơi vắn dài (Hoài Thương ơi); hay Không ngờ gặp nhau lần ấy/ Là lần gặp cuối Thu ơi/ Đêm Khánh Vân trăng sáng bồi hồi/ Vườn lặng im như khói/ Chuyện chưa tàn gà đã gáy tàn canh (Lâu nay mày ở đâu). Mộ và bia mộ đồng đội cũng luôn ám ảnh anh: Sáng nay tôi vào nghĩa trang/ Nghĩa trang mông mênh/ Mấy bó hương to không đủ chia cho hàng hàng nấm mộ/ Tôi chợp mắt đi, trong giây phút mơ màng/ Bỗng thấy hiện về những gương mặt anh em (Đêm Đại Cường); hay Bốn ngàn đứa con yêu đã ngã xuống nơi này/ Những đóa hoa vàng anh và những chùm sứ trắng kia ơi/ Hãy rực rỡ tỏa hương lên hàng hàng nấm mộ/ Đồng đội tôi nằm đây họ còn rất trẻ/ Nhiều người chưa biết nói lời yêu (Bài thơ trên đảo tù xưa); hay Tau về thăm mi/ Sáng nay quê mình mưa suốt/ Thắp nén hương tau buồn tái tê/ Mi nằm đây dưới um tùm cỏ dại/ Tấm bia nhỏ nét chữ mờ xiêu vẹo/ Hình như ít ai lui tới nơi này! (Viếng bạn); hay Ăn trong đạn bom vùi ngủ dưới sao trời/ Vuốt mắt đồng đội mình trong ánh chớp cơn mưa/ Cọng rau non cũng nặng nghĩa đời/ Trước bia đá trang nghiêm tôi đọc những tên người/ Mắt cay vì khói hương hay cay vì nước mắt? (Phú An)...

Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường từng quan niệm quyền của thi sĩ là quyền được buồn. Có lẽ vì thế mà thơ Hoàng Thanh Thụy buồn nhiều hơn vui. Mười năm một sớm con về/ Con đứng lặng nghe nỗi buồn ứa máu/ Vườn xưa hoang tàn/ Mộ cha đầy cỏ dại/ Mẹ cũng yên bên xứ Ngoại lâu rồi (Mẹ ơi, tháng tám mùa thu); hay Tháng Hai tôi có một ngày buồn/ Buồn hơn mọi nỗi buồn/ Là ngày tôi mất mẹ (Mồ côi). Buồn đến mức nhà thơ hình dung ảnh cha mình trên bia mộ đang... buồn: Mộ ông bà ở trong quê/ Hình như đã lâu con chưa về viếng/ Tháng trước ba thăm thấy đầy cỏ rậm/ Nồi hương lưa thưa mấy tăm hương/ Trên tấm bia thấy ông buồn buồn (Nhắc nhở)... Cho nên cũng có thể nói đồng hành với sông, nỗi buồn chảy trong thơ Hoàng Thanh Thụy như một dòng ký ức vô cùng; đồng hành với sông, nỗi buồn chảy trong ký ức Hoàng Thanh Thụy như một dòng thơ vô tận...

BÙI VĂN TIẾNG


(*) Tôi và Sông - Nhà xuất bản Đà Nẵng (2017)

;
.
.
.
.
.