.

Những sợi len thương nhớ

.

Sáng thức dậy, mở cửa ra thấy gió lạnh ùa vào phòng, vậy là biết mùa đông bắt đầu hiện diện. Mùa đông luôn gợi nhiều thứ cảm xúc khiến người ta dễ có cảm giác buồn và cô đơn. Với tôi, mùa đông còn là nỗi nhớ, là nỗi đau. Là mùa chị chọn để rời khỏi cõi nhân gian để tìm về cõi khác.

Minh họa: Hoàng Đặng
Minh họa: Hoàng Đặng

Chị hơn tôi sáu tuổi, từ nhỏ đã xấu xí hơn người. Từ khi biết thế nào là đẹp là xấu tôi đã luôn tự hỏi đi hỏi lại một câu: Chị giống ai mà xấu lạ lùng như vậy? Chị không giống bố, không giống mẹ, mà cũng chẳng có nét nào giống tôi. Người ta ví chị như một con vịt xấu xí lạc vào nhà thiên nga. Tuổi thơ của chị ngụp lặn trong nỗi tủi hờn mặc cảm vì bị chê bai. Bởi vì lũ trẻ con vô tâm và miệng lưỡi người lớn cũng vô cùng độc ác. Không ai hiểu rằng những lời nói vô tình tựa như những lưỡi dao cứ cứa sâu dần vào nỗi mặc cảm của chị.

Từ khi ý thức được sự hạn chế về nhan sắc của mình, đi học trở thành nỗi ác mộng đối với chị. Chị sợ những ánh mắt dè chừng, sợ những lời trêu chọc ác ý. Ở lớp chị như một cái cây cô đơn, không đứa bạn nào ngồi gần, cũng chẳng có ai thân thiết chơi cùng. Bạn bè xa lánh chị như thể nếu gần sợ sẽ bị cái xấu lây sang.

Một sáng chị thức dậy nhưng không đến trường. Chị nói với bố mẹ là chị nghỉ học. Thời đó, những đứa trẻ học đến lớp bảy lớp tám rồi nghỉ học là chuyện bình thường, thậm chí nhiều như một “phong trào”. Vì kinh tế khó khăn, vì con gái lớn lên rồi cũng lấy chồng đâu cần học chi lắm. Nhà tôi cũng khó khăn nhưng bố mẹ tôi chưa bao giờ có ý định để con nghỉ học. Bố tôi đã dành cả ngày ngồi khuyên nhủ chị, mẹ tôi còn nhờ cô giáo đến nhà động viên. Thế nhưng cuối cùng không ai thuyết phục được chị.

 Sau khi nghỉ học, chị bắt đầu theo bố mẹ ra đồng, học cách làm một người nông dân. Thời gian rảnh rỗi còn lại chị dành cho những cuộn len. Những cuộn len đủ sắc màu không biết tự bao giờ trở thành niềm say mê của chị. Chị xấu, nhưng những ngón tay chị thì lại rất thon dài và mềm mại. Những dải khăn, những tấm áo len hay những chiếc mũ xinh xắn, chị chỉ ngắm nghía một lúc đã biết cách đan theo. Chị còn tự mình sáng tạo ra những kiểu đan mới lạ vô cùng xinh xắn. Và có lẽ nhờ len mà nhiều người gần chị hơn. Lũ trẻ con mới lớn tối nào cũng đến nhà nhờ chị dạy đan khăn. Người lớn cũng thường tìm chị mua một vài món để dùng hoặc làm quà tặng. Người ta thích đồ chị đan, và dần như quên đi chị rất xấu.

Nhưng bọn con trai thì không thế. Họ chẳng quan tâm đến áo, mũ hay khăn len quàng cổ. Tuổi chớm đôi mươi, bạn bè cùng trang lứa bận rộn hẹn hò thương nhớ. Có nhiều người bằng tuổi chị đã con bế con bồng. Nhưng chị chẳng biết thế nào là một ánh mắt dịu dàng, một lời nói ngọt ngào mà chỉ là những lời tán tỉnh trêu đùa ác ý.

Năm ấy tôi mười bảy tuổi, chị vừa tròn hai ba. Một trưa hai chị em nằm võng mắc sau hè, chị kể tôi nghe về những ước mơ. Trong giấc mơ con gái của chị cũng có chàng hoàng tử tuấn tú chứ không phải chàng cóc xấu xí.  Chị xấu chứ không phải chị không biết yêu cái đẹp. Chị tôi hiền lành, tính tình có chút lãng mạn, với lại chẳng ai đánh thuế những giấc mơ. Chị hỏi tôi có bao giờ thấy xấu hổ vì có người chị xấu xí như vậy không? Tôi ôm chị và nói rằng: Dù cả thế giới có không yêu chị thì em vẫn yêu chị. Chị khóc. Và tôi cũng khóc.

Tốt nghiệp lớp 12, tôi xin bố mẹ cho lên thành phố học nghề trang điểm. Tôi dự định sau khi có tay nghề sẽ mở một tiệm áo cưới nhỏ ở quê. Tôi sẽ học rồi dạy lại chị cách trang điểm cô dâu. Hai chị em cùng nhau làm chắc sẽ vui lắm.

Trước hôm tôi lên thành phố, hai chị em nằm bên nhau chuyện trò suốt đêm. Chị kể những ngày tôi còn bé tí, hai chị em hay cùng nhau chạy khắp đồng lúa sau mùa gặt đuổi  bắt cào cào, rồi trèo lên cây nhãn bắt ve. Có lần tôi trèo cây bị ngã toác đầu, chị bị bố đánh đòn vì trông em không cẩn thận. Tính tôi bướng bỉnh nghịch ngợm nhưng lại nhát đòn. Nhiều lần tôi làm đổ vỡ đồ dùng trong nhà cố tình đổ lỗi cho chị, chị im lặng nhận lỗi hết. Đã hơn một lần chị nhận đòn thay tôi.

Tôi nhớ những trưa hai chị em lôi những hộp phấn bông lúa mẹ giấu trong ngăn tủ ra ngồi trang điểm. Chị trang điểm cho tôi, soi gương nhìn xinh rất lạ. Tôi trang điểm cho chị, càng lúc càng thấy chẳng giống chị, chẳng giống ai. Khuôn mặt chị càng tô vẽ càng trở nên lạ lùng xấu xí. Vậy là tôi dùng khăn lau hết, không cho chị soi gương.

Tôi lên thành phố, quen bạn quen bè, chỉ về thăm nhà vào những dịp tết lễ, vẫn thấy chị bận rộn với những cuộn len đủ sắc màu. Những ngày chớm đông thường là vào mùa cưới bận rộn, tôi rất ít về nhà. Chị thường bắt xe lên thành phố thăm tôi xách theo một giỏ đầy ổi, mắm tép chị làm và cả những tấm khăn chị đan. Lần nào chị cũng chỉ lên một lát rồi về. Chị nói chị không quen với ồn ào phố xá.

Một sáng tôi nhận được điện thoại của bố, giọng bố ngắt quãng: “Con về nhà nhanh lên, chị con…”. Tôi về nhà, quãng đường tôi đã đi lại bao lần chưa bao giờ xa xôi đến thế.

Chị nằm đó, mắt nhắm nghiền, tĩnh lặng giữa những tiếng khóc, tiếng nhốn nháo xôn xao. Ai đó nói rằng chị ra đi mang theo một sinh linh trong mình. Tôi nhớ mấy tháng trước chị lên thăm, chị vui lắm. Tôi vô tâm không biết rằng chị đang yêu. Một người xấu xí không hẳn không được yêu, nhưng chắc hẳn có một kẻ nào đó đã nhẫn tâm lừa gạt chị. Chị khát khao yêu thương nên dễ dàng tin những lời dịu ngọt. Không có gì độc ác bằng việc bỡn cợt tình cảm chân thành của người khác. Niềm say mê của chị chỉ quanh quẩn bên những cuộn len, chị đâu hay lòng người không hề giản đơn như thế. Có lẽ chị đã hạnh phúc lắm khi ngỡ mình được yêu mà không hay rằng người ta đến với mình mang theo dã tâm. Có lẽ khi phát hiện ra mình có thai, chị bị ruồng rẫy và hắt hủi đến cùng quẫn nên mới ra cơ sự này. Trong đau đớn tôi hoang mang suy đoán vậy. Nhưng dù gì đi nữa thì chị cũng đi rồi. Chị chọn ra đi vào mùa Đông, như một cách để che giấu nỗi lòng tê tái.

Chị đi rồi, những cuộn len đủ sắc màu vẫn được mẹ tôi cất giữ cẩn thận. Những sợi len chắc hẳn nhớ lắm đôi bàn tay của chị. Những chiếc khăn chị đan còn dang dở, bao lần tôi cầm cây đan chỉ được vài mũi đan là nước mắt đã nhòe mờ.

Mẹ tôi kể, ngày xưa bố mẹ đều rời quê đi làm ăn xa, vô tình đồng hương gặp nhau, thương yêu nhau rồi thành chồng thành vợ. Cưới nhau ba năm, mong chờ mỏi mắt mà vẫn không có thai. Đi khám bệnh viện, bác sĩ nói cả hai đều khỏe mạnh. Sốt ruột mẹ chạy khắp nơi bốc thuốc uống. Nghe đâu có thầy giỏi thầy hay đều tìm đến. Một sáng trời mùa đông, cả xóm trọ đang say ngủ bỗng bị đánh thức bởi tiếng khóc trẻ con. Đứa bé còi cọc xấu xí được quấn kỹ trong tấm khăn bông còn mới đang khóc ngặt vì rét và vì đói ở cổng. Ai cũng xót thương đứa bé nhưng ai cũng khó khăn, làm sao có thể cưu mang. Trong khi mọi người đang bàn chuyện nên gửi bé vào trại trẻ mồ cô hay lên chùa thì mẹ tôi quyết định sẽ nhận nuôi. Bởi dù sao thì bố mẹ tôi cũng đang khao khát một đứa con. Với lại biết đâu làm một việc phúc thế này trời sẽ thương mà cho thêm mụn con nữa.

Có con nhỏ, cuộc sống đất khách quê người khó khăn, bố mẹ tôi quyết định đưa nhau về quê cuốc cày sinh sống. Thời gian trôi qua, bố mẹ tôi gần như không còn hy vọng gì về việc mình sẽ có con, bao nhiêu yêu thương họ dồn hết cho chị. Không ai biết chị là con nuôi của bố mẹ. Ai gặp cũng cố để không chê bai. Nhưng sau lưng đều xì xào chê chị chẳng có nét nào giống bố, giống mẹ. Nhưng những điều kỳ diệu vẫn xảy ra ngay cả khi người ta không còn hy vọng. Năm chị tròn năm tuổi, mẹ có thai tôi. Tôi ra đời xinh xắn dễ thương càng khiến người ta bàn tán nhiều về cái sự xấu của chị.

Mỗi lần nhìn tôi ngồi vầy vọc những cuộn len, mẹ thường ngồi lặng hàng giờ nhìn chúng. Từ ngày chị mất, sau khi mẹ ngất lên ngất xuống trong đám tang của chị, hầu như mẹ không còn khóc. Mẹ nói chị đã hoàn thành sứ mệnh của chị ở cõi nhân gian rồi và giờ chị về nơi của chị, nơi không có những kỳ thị, đau khổ, dối trá, lọc lừa. Chị đến với cuộc đời để thắp lên niềm vui cho gia đình tôi, trở thành niềm an ủi, động lực cho bố mẹ tôi trong suốt những tháng năm mỏi mòn chờ đợi. Chị ra đi, kỷ vật chị để lại chỉ là những sợi len ấm áp như những sợi nhớ sợi thương giăng mắc trong tim mỗi người.

Mỗi khi nhớ về những kỷ niệm có chị của những ngày ấu thơ, tôi luôn tự dằn vặt mình bởi đã không quan tâm đến chị nhiều hơn, không hiểu chị nhiều hơn nữa. Nếu tôi biết chị đã lo lắng hoang mang thế nào, chị đã đau đớn và hoảng sợ ra sao trước biến cố cuộc đời, tôi nhất định sẽ nói rằng chị hãy cứ mạnh mẽ lên mà làm mẹ, mạnh mẽ mà sống như chị đã từng. Nhưng ai cũng có những lựa chọn cho cuộc đời mình. Lựa chọn của chị khiến cho người khác đớn đau nhưng lại đem đến sự bình yên cho chị. Và tôi sẽ không trách chị vì lựa chọn ích kỷ này. Chị kết thúc ở kiếp này để bắt đầu ở một kiếp khác. Và ở nơi đó tôi hy vọng rằng chị sẽ xinh đẹp hơn.

LÊ GIANG

;
.
.
.
.
.