.
Giới thiệu sách

Một bài ca dịu ngọt

.

Không một lời giáo huấn khô khan, mỗi một câu chuyện trong Nhớ một mùa hoa của Nguyễn Thị Phú như một dòng suối mát lành tưới vào tâm hồn trẻ thơ.

Nguyễn Thị Phú, một cô giáo dạy giỏi, một cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm, là hội viên Hội Nhà văn TP. Đà Nẵng có nhiều tác phẩm văn xuôi đã được xuất bản như “Sương khói học trò”, “Vũ điệu thần tiên”, “Về miền tuổi thơ”. “Nhớ một mùa hoa” (Nxb Hội Nhà văn – 2017) của chị là tác phẩm đầu tiên mà tôi được tiếp cận.

Những ký ức trong “Nhớ một mùa hoa” của Nguyễn Thị Phú là “búp bê thân yêu”, gấu Misa trong buổi học cuối cùng ở lớp học mẫu giáo trước kỳ nghỉ hè, chuẩn bị hành trang để vào lớp một; là bài toán đố vui không cần đáp số nhặt được trên Facebook; là “Giấc mơ của lão Mộng” - một ông lão lang thang, phiêu bạt với giấc mơ trở về quê hương đoàn tụ; là ổ chó con mới mở mắt xinh xắn; là “Chim yến về phố”; là “Một chuyến về quê ăn giỗ”… Chỉ là những mảng đời thường, dung dị như vậy mà sao mỗi câu, mỗi chữ đều mặn mòi những yêu thương. Dù là những câu chuyện vui hay buồn, ở đó cũng hiện ra một thế giới trẻ thơ trong trẻo, lung linh những sắc màu huyền thoại.

Không ồn ào, náo nhiệt bề nổi, mỗi câu chuyện về tuổi thơ hay của tuổi thơ chỉ như những lời thủ thỉ, tâm tình nhỏ nhẹ nhưng đều chứa đựng bài học giáo dục. Ở chuyện  “Nhận… hối lộ”, nhân vật tự sự cũng là chủ thể trong vai “tôi” là một cậu bé lớp một được làm lớp trưởng. Các thao tác của cậu “đúng quy trình” lớp trưởng rất chi là oai, oai không kém một chỉ huy ngoài mặt trận. Hẳn đây sẽ là người chỉ huy mẫu mực nếu không nảy sinh tình tiết cậu được “lót tay” một cách tự nhiên bằng những cây kẹo của mấy bạn gái trong lớp. Mạch kể của câu chuyện đang trôi chảy bỗng gợn lên, như chựng lại ở đây… Kịch tính của câu chuyện được tháo gỡ như thế nào? Không vội vã, để một khoảng bình yên, lắng dịu rồi sau tác giả chuyển nó sang mãi cái “ngày hôm sau”, cái ngày mà vị chỉ huy tí hon kia phải tự thú trước thái độ dịu dàng mà nghiêm khắc phê bình của cô giáo.

Câu chuyện tưởng như chỉ thuật lại sự việc diễn ra tự nhiên ở một lớp học đầu cấp tiểu học nhưng cái kết lại đưa đến một triết lý giáo dục không hề nhỏ, làm cho người đọc tự hỏi: là chuyện viết về thiếu nhi hay viết cho thiếu nhi, hay cho người lớn mà khúc xạ qua thiếu nhi đây?

Không chỉ ở mẩu chuyện vừa dẫn, những truyện khác trong “Nhớ một mùa hoa” của Nguyễn Thị Phú đều đầy tính nhân văn, tính giáo dục. Kha-li-nin nói: “Vấn đề giáo dục là một trong những vấn đề khó khăn nhất, những  nhà sư phạm ưu tú nhất đều công nhận nó không những là một khoa học mà còn là một nghệ thuật”; hay nói một cách trực diện như Vũ Quỳnh, thì: “Văn chương có khả năng khuyến điều thiện, răn điều ác, bỏ giả, theo thật”. Đối với thiếu nhi nói chung, học sinh cấp học nền tảng nói riêng, văn học nghệ thuật giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em.

Không một lời giáo huấn khô khan, mỗi một câu chuyện trong “Nhớ một mùa hoa” của Nguyễn Thị Phú như một bài ca dịu ngọt, như một dòng suối mát lành tưới vào tâm hồn trẻ thơ. Thích lắm “Chim yến về phố” với đàn chim như sà xuống thấp, cánh chấp chới, phập phồng” nhưng cũng ngậm ngùi lắm khi nghe lời bộc bạch của trẻ thơ “Giờ, nhìn từng đàn chim yến chao cánh trên bầu trời trước nhà, tôi càng thắc mắc về vòng đời chim xen lẫn niềm thương cảm vì chúng cứ đi tìm mồi để sống, để làm tổ, và cứ thế, còn con người đợi cái tổ hình thành thì cạy ra, lậy đi”. “Chó đẻ”, mới đọc cái tựa đề này, người ta liên tưởng đến một tiếng chửi thề của kẻ nào đó; không ngờ, lại là một câu chuyện ám áp, sinh động về một “nhà chó” với nàng chó mẹ được mệnh danh là “hoa hậu chó” của xóm và những chú chó con mới đẻ xinh xắn, dễ thương. “Một chút băn khoăn”; Chuyện trong nhà tôi”, “Ngôi nhà búp bê” và một số truyện khác nữa đều là những câu chuyện gợi nên lòng trắc ẩn về tình mẫu tử ruột rà giữa những người thân yêu trong gia đình. Mở rộng ra hơn là không gian quê ngoại với “Trở lại Đồng Ké”. Cảm động nhất là câu chuyện “Giấc mơ của lão Mông”. Hình ảnh của một ông lão ăn xin trôi dạt từ Bắc vào Nam mà theo như  người kể là “câu chuyện lâm li, đầy nước mắt” nhưng sự hiện diện của những đứa trẻ cùng “láng giềng gần” ở xung quanh ông đã hoán đổi nỗi cô đơn, nghèo khó thành một không gian ăm ắp tình thương yêu, chia sẻ. Phải có một đời sống nội tâm phong phú, với một tâm hồn nhân hậu, thật sự hiểu và yêu thương con trẻ thì nhà văn mới cho tâm hồn trẻ thơ vốn dĩ trong veo nhìn thấu những cảnh đời, con người của cuộc sống như vậy.

NGUYỄN THỊ THÚY HỒNG

;
.
.
.
.
.