.
Giới thiệu sách

Những chân trời có người bay

.

Khó mà xác định thể loại của Chân dung khởi nghiệp - những người đi tìm giấc mơ của chính mình (*) bởi lối viết hòa quyện giữa văn và báo, giữa tản văn và phỏng vấn, giữa sự nhạy cảm của một nữ sinh, cử nhân văn khoa và một phóng viên, người làm khoa học với các cứ liệu rõ ràng. Thế nên, ta hãy tạm quên đi chuyện xác định thể loại cuốn sách này của Minh Trâm. Bởi từ lâu, thuyết lý của hậu hiện đại đã có ý loại bỏ mọi ràng khuôn của thể loại, của sự gọi tên mà đem đến điều quan trọng nhất: xem xong, đọc xong có cảm xúc gì, có đem lại nguồn năng lượng tích cực và ánh sáng nhân văn nào không?
Nhưng, nếu không vin vào thể loại, làm thế nào để hiểu cuốn sách của Minh Trâm? Hành trình của Minh Trâm bắt đầu từ việc ghi và vẽ lại những giấc mơ của 17 cá tính, thì có lẽ chúng ta cũng nên thuận theo điểm phát xuất ấy: giấc mơ của 17 chân dung.

Cuốn sách bắt đầu từ một câu chuyện, trải nghiệm của chính Minh Trâm về “vỡ mộng nghề nghiệp” của một người bạn. Và chính tại sự đổ vỡ ấy, người bạn của Trâm bắt đầu một giấc mơ mới, trật ray hoàn toàn với  hệ thống nền tảng thuộc về cả thực tế và nhận thức sẵn có. Nối theo dòng liên tưởng của Minh Trâm là chân dung của 17 con người, 17 sự bắt đầu, 17 giấc mơ nặng trĩu bởi sự “sụp đổ” của những người mẹ (biểu trưng giằng níu nhất, là lựa chọn khó khăn nhất giữa quay đầu và đi tiếp, giữa cảm nhận và mơ mộng). Nhưng sau tất cả, họ đã mơ. 17 câu chuyện của 17 con người, mà 1/3 gương mặt trong cuốn sách là những người sinh vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bất thường trong sự bình thường và cố gắng tìm lấy sự bình thường trong những bất thường của đời sống để khởi nghiệp; những câu chuyện ấy sẽ chẳng là gì so với sự bao la, miên viễn của đời sống, những biến thiên của vũ trụ nhưng, giá trị của sự nhỏ bé, đơn lẻ sẽ là gì nếu không là chân cảm, là thực nghiệm. Kể cả phép thử của họ là trên chính cuộc đời họ.

Xuất phát điểm khác nhau, ảnh chiếu bởi tiền thân riêng biệt, đối mặt với biến cố, thúc bách không tương trùng, bước ra khỏi vùng an toàn, họ - 17 cái tôi đã dám mơ về những chân trời. Dù được dung dưỡng trong bầu khí hậu và khai phá những lĩnh vực và vùng đất nào, 17 cá nhân ấy đều xác tín rằng: chân lý không nằm trong sách vở, không nằm trong bất kỳ lời giảng, câu kinh, giáo truyền của bất kỳ thánh nhân nào. Chân lý là cuộc sống, là thực địa và trải nghiệm.

Dẫu sau khi hoàn thành cuốn sách, 17 cá nhân khởi nghiệp đã qua nhiều giai đoạn thăng trầm, biến động như máy điện tâm đồ đời sống, nhiều người đã thất bại, nhiều phận số vẫn đang dở dang, chúng ta vẫn có thêm nhiều CEO của ngành giáo dục, truyền thông, dịch vụ, nông nghiệp, thực phẩm... thậm chí là thầy dạy của những CEO. Thế nên chẳng có xác quyết nào hơn là có đi rồi mới đến, có mơ mộng mới có hy vọng đạt thành.

Bố cục của mỗi phân khu nhân vật trong cuốn sách của Minh Trâm là một phụ bản tranh sơn dầu của nữ họa sĩ Bạch Hoàng Anh (hiện đang sống và làm việc tại Mỹ) về cá nhân khởi nghiệp, sau đó là một bài phỏng vấn gồm hỏi - đáp hoặc một tản văn kể chuyện. Cách tường thuật của Minh Trâm cũng không theo những luật quy thông thường của phỏng vấn báo chí, Minh Trâm trò chuyện và dùng sự dịu dàng của mình để chinh phục sự gai góc hằng có trong 17 cá tính đậm nét. Dù họ có là nam, hay nữ; dù có là thanh niên hay trung niên; dù với tâm thế hân hoan bước vào đời hay kinh qua không ít vùi dập; dù có nữ tính, mềm mại, hay cứng rắn, kiên cường thì một khi đã dám mơ, dám bước đi, họ đều có những phần tâm hồn say mê, mạnh mẽ và gai góc. Để sự gai góc có thể lên tiếng, kể những câu chuyện rất đời, rất đau và rất đẹp, Minh Trâm đã dùng sự đồng cảm, dịu dàng của mình và cả những nét cọ tươi sáng, tràn đầy tình yêu cuộc sống và năng lượng tích cực của Bạch Hoàng Anh.

“Tôi khóc những chân trời/không có/người bay. Lại khóc/những người bay không có/chân trời.” (Trần Dần).

Từ khi có những tương tác đầu tiên với thế giới, con người đã bắt đầu mơ. Nhưng rồi, sau những va đập với đời sống, nhiều ước mơ, khát vọng cũng bắt đầu tắt dần như những bóng sáng đom đóm lụi dần trên cánh đồng sau cơn chuyển mùa. Người ta chấp nhận những định nghĩa đã có sẵn, truyền đời và mặc nhiên mơ mộng sẽ đem lại những rủi ro. Và người ta bắt đầu sợ hãi, lẩn trốn, thậm chí quay lưng với giấc mơ của chính mình. Và những chân trời càng vắng những người bay.

Steve Jobs - thiên tài mà giới công nghệ và marketing thế giới tôn vinh là “vị thánh”, người có công đưa Apple trở thành đế chế công nghệ hùng mạnh bậc nhất đã từng phát biểu “Stay hungry, stay foolish” (Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ). Qua trải nghiệm suốt một đời của mình, Steve Jobs khuyên tất cả chúng ta, dù ở độ tuổi nào, dù ở vị trí nào cũng đừng sợ hãi, hãy bước ra khỏi vùng an toàn để say mê, để có ước vọng.

Chân dung khởi nghiệp - những người đi tìm giấc mơ của chính mình của Nguyễn Thị Minh Trâm và Bạch Hoàng Anh là một bộ sưu tập nhỏ nhưng với tinh thần mang tính “nhân loại” như thế. Thế giới đã có sẵn rất nhiều chân trời, luôn mở ra nhiều chân trời mới và đợi... những người bay.

QUỲNH LINH


(*) “Chân dung khởi nghiệp - những người đi tìm giấc mơ của chính mình”. Tác giả: Nguyễn Thị Minh Trâm. Phụ bản màu: Bạch Hoàng Anh. NXB Thông tấn tháng 9-2017.

;
.
.
.
.
.