.
Giới thiệu sách

Hương trầm bay xa(*)

.

Phàm những cái gì được viết từ chính bản thân người kể chuyện cũng có sức lay động tâm can. Với 22 câu chuyện như được tác giả Phạm Phát rút ruột kể trong tập truyện và ký mới được in trong tập sách lấy tên chung là Trầm đã khiến người đọc mắt nhòa lệ, bởi cuộc đời của bao con người xung quanh tác giả gắn với những thăng trầm không thể xóa nhòa của dân tộc.

Giống như một tập hồi ký, những câu chuyện trong Trầm đan xen, nối tiếp nhau, giúp người đọc hình dung ra Phạm Phát là một cậu bé xuất thân từ làng mộc Kim Bồng, Hội An, với một tuổi thơ êm đềm trôi trong “Tết xưa”. Những thói quen chuẩn bị Tết có phần nghi thức của cha in đậm trong tâm hồn cậu, từ chuyện cha mẹ chuẩn bị con gà cho lễ cúng đầu năm, chuyện cha chọn và lo cho phong pháo Tết như mẹ chọc cha là “giống y chang cái bà nướng bánh tráng dưới chợ”, đến chuyện cha chăm chút cho cành hoa mai. Những ngày Tết đó trở nên thiêng liêng lạ thường, in đậm trong tâm trí ông, theo ông “qua sáu, bảy mươi cái Tết, vui mãi cho đến bây giờ”.

Cha, mẹ, anh, chị, em, ai cũng có phúc phần, ai cũng hiện lên sinh động, mênh mông tình yêu thương với Phạm Phát. Và ông ở cùng cha không nhiều, khi 14 tuổi xa nhà đi học, đi bộ đội, 21 tuổi phụng sự nhiệm vụ cách mạng giao, rời quê hương tập kết ra Bắc năm 1954, nhưng hình ảnh cha luôn xuất hiện trong những suy nghĩ của ông, ở đâu đó trong câu chuyện của mẹ, của anh chị, và có hẳn một câu chuyện về cha, được tác giả lựa chọn vị trí đầu tiên trong tập sách. Tháng 7 năm đó, trong thời gian chờ xuống tàu ở Quy Nhơn, chàng thanh niên ấy thèm được về nhà để được ăn món cao lầu của mẹ, ước được ôm lấy cha. Để “hít một hơi thật dài cái mùi nồng nồng trầu thuốc của ông già ghiền trầu pha lẫn mùi hăng hăng mùn cưa dăm bào một đời thợ mộc, cái mùi thơm thân thuộc trên người cha tôi chỉ riêng tôi nhận biết, đã tẩm ướp cả tuổi thơ tôi ở cái làng mộc Kim Bồng ven thị Hội An”. Chao ôi, có mấy đứa con trai đã lớn nhớ mùi của cha? Cái mùi thân thương ấy chứa đựng tất cả những yêu thương, chăm chút cha đã dành cho con, nó vấn vương trong giấc ngủ, trong hành xử của đứa con sau này. Người cha ấy lặn lội suốt 10 ngày đường đi bộ qua 3 tỉnh vào Quy Nhơn tìm con, vừa đi vừa hỏi vì không biết con ở đâu, khi tìm được con thì ở lại chơi ba bữa rồi về, khi đã thỏa ước muốn nhìn con một cái rồi cho xuống tàu. 21 năm sau, con trai trở về nhà khi quê hương được giải phóng thì cha không còn. Cha từng bảo tre già thì măng mọc, nhưng khi măng mọc thành tre thành trúc thì cha không còn được chứng kiến. Đất nước loạn lạc, người đi đằng đẵng hơn hai mươi năm, khi trở về thì người còn, người mất, chỉ còn lại trong sâu thẳm tâm hồn đứa con xa quê nỗi nhớ khôn nguôi hình bóng, đôi mắt người cha già lặn lội đường xa thăm con. Rồi chuyện về chị gái, anh trai, em gái, chuyện anh chị con ông bác, những đứa cháu… trong truyện nào cũng thấy hình bóng của một vài người trong Trầm, người chị gái trong “Đôi chân của chị tôi”. Thấy tấm lòng, tình yêu của ông dành cho người thân đong đầy. Ai ông cũng nhớ, cũng thương.

Với một con người mẫn cảm như Phạm Phát, từng kỷ niệm ấy hằn sâu mãi trong tâm trí ông, và khi ông kể ra thì thấy chuyện như mới xảy ra hôm qua, rõ mồn một. Không phải bởi ông là người sống bởi quá khứ, mà cái quá khứ đầy ắp tình yêu, có dòng máu ruột thịt chảy trong huyết quản, làm nên một con người nhân văn, nhìn người, nhìn đời với ánh mắt được nhiều tầng nấc soi chiếu; lấy cái quá khứ vừa dữ dội vừa êm đềm ấy nhìn người, nhìn đời, và dày thêm lòng vị tha, lòng yêu người. Nên khi đọc những nhân vật của Phạm Phát, biết ông nhìn người thân yêu cũng như bạn bè, đồng nghiệp với ánh nhìn của người lấy cái tốt của người mà soi, sẽ thấy những gì họ sống, họ làm đầy hào quang lấp lánh của tình người.

Có thể nhiều người, nhất là lớp trẻ sau này không biết nhiều đến cuộc đời cũng như những sáng tác của Phạm Phát. Ông viết đa dạng, truyện, ký, thơ, đặc biệt là những bài thơ theo thể Haiku. Những sáng tác của ông phần lớn được đăng trên báo chí địa phương và tuần báo Văn nghệ. Chỉ những người cùng thời, có cùng hoàn cảnh bước ra trong chiến tranh, hiểu những việc làm của những người đi trước mới đồng cảm với những gì ông chia sẻ, như chuyện “Củ sắn”. Có thể nói, ông viết dễ như nói, đó là cảm nhận của người đọc, nhưng chắc hẳn khi đặt bút viết về cha mẹ, người thân không dễ như vậy. Bởi khi càng yêu, càng trân quý tình cảm gia đình, càng khó thể hiện thành văn, khó chuyển tải thành lời khi mỗi nhân vật gắn liền với bao kỷ niệm khó quên. Cách thể hiện của ông chân thực, mộc mạc, đó hẳn là tấm chân tình không che đậy của một con người bộc trực, thẳng thắn. Bởi thế khi đọc những câu chuyện của ông được viết thành truyện, thấy bao con người như hiển hiện quanh đây, mà mỗi cuộc đời đúng là một trang sách, như bút ký “Anh Lân ơi, Tết này…”, “Mặc thế có lạnh không em”… ngắn gọn thôi mà khắc họa đầy đủ chân dung những con người gắn bó với ông một thời.

22 câu chuyện gắn với rất nhiều con người, mà mỗi người là một cuộc đời đầy thăng trầm, niềm vui đôi khi lặn đi đâu đó giữa bao biến cố cuộc đời, qua lăng kính của Phạm Phát, mới thấy cuộc sống thêm nhiều ý nghĩa. 22 câu chuyện gắn với những con người bước ra khỏi cuộc chiến của đất nước, với những vết thương còn chưa lành hẳn, nhưng khi gấp tập truyện lại, thấy phảng phất đâu đó tình yêu thương con người, đó mới chính là trầm hương, là thứ tinh túy nhất có thể bay xa, lan tỏa, giúp cho người có thêm cái nhìn nhân văn về người, về sự việc. Và tình yêu mới là thứ trường tồn, vĩnh cửu theo thời gian.

HIỀN LƯƠNG


(*) Đọc Trầm, tác giả Phạm Phát, NXB Hội Nhà văn, quý III/2017.

;
.
.
.
.
.