.

Co kéo với thời gian

.

Ai kéo? Kéo với ai? Và kéo cái gì?

Tôi vẫn muốn đi cùng Kéo co với mùa xuân(*) theo một lối khác, nơi có thể dừng lại cùng dăm ba cơn mộng, trong hành trình không tận với liên tiếp những giấc mơ:

Khi ngủ anh thường nắm chặt một bàn tay trên gối

Khi làm việc anh thường nắm chặt một bàn tay trên trang sách

Như giữ chặt niềm tin yêu

(Bàn tay anh nắm chặt, bàn tay anh rộng mở)

Giữa giấc ngủ cứ tưởng mình
đang thức
Thức dậy rồi tưởng vẫn
chiêm bao!

(Có thể nào nói lời từ biệt cơn mơ?)

Thế đấy, sống là đi trên con đường tâm thức dằng dặc: sống chính là đang ngủ, chẳng phải sao?

Nhớ lại “Thơ từ yên lặng”  (NXB Đà Nẵng 1995) và “Nỗi lan tỏa của ngày” (NXB Văn học 2004) hơn hai mươi và mười năm trước với những câu hỏi đặt ra ở độ tuổi nhi bất hoặc, thì có thể thấy rằng từ cái mốc đó đến nay, Nguyễn Kim Huy đã đi thêm một chặng dài, với thơ. Và giờ đây, khi những suy niệm siêu hình tạm lui bước thì anh lại đứng trước niềm xao xuyến khác. Biểu tượng mùa xuân, trong khi đang kéo co, là một cách nói thơ. Thực ra, đó chính  là sự va đập của thời gian, khi mà thời gian là những ngày đi qua thẳng băng ngày không có nắng.

Buồn quá: vì sao mùa xuân mà lại không có nắng? Bởi vì trong hé nụ mùa xuân, vẫn đọng lại hơi giá buốt của đông tàn. Nhìn nhận được như thế, là sự trung thực: thái độ đạo đức cần thiết của người. Như trong lời đầu của tập thơ, tác giả đã chân thành tự qui:
Trong im lặng có lời tự dối
Rằng mùa xuân gió bấc
không còn!    

(Mùa xuân)

Đó là sự thật của vạn hữu: trong âm có dương, giữa sinh là diệt. Và, trong thế giới trùng trùng muôn lớp sóng ấy, hiện ra:
Trong im lặng giữa một ngàn
ý tưởng
Có một niềm thương nhớ bỗng rưng rưng…

(Có thể, mùa xuân)

Lưu ý: có và có thể. Ở đây, có là cảm thức của nhà thơ; và có thể, là mơ ước, là sự không dám chắc, là nỗi nghi ngại trước thời gian. Cũng là nỗi khát khao vươn đến cái không cùng, để rồi chỉ chạm đến những “bất khả”:
khuất sau những bông hoa là
gương mặt em
khuất sau gương mặt em một
khoảng trời rạn vỡ

(Thời gian và những bông hoa…)

Chẳng phải sao, bởi vì ngay trong những lúc nản lòng trước bao ma chiết của đời mà mong tìm chốn yên thân, vẫn hiện lên nghi vấn này:
Quanh quẩn bóng mình
trong sớm tối
Trời xanh kia cùng nỗi lòng này?

(Nỗi đời)

Như thế, sống là một cuộc đi mệt mề mải miết, mà vẫn không biết vì sao lại phải đi. Cứ đi như lao cho đến bạc đầu dẫu biết rằng, đó chỉ là sự trêu ngươi của tâm thức. Dẫu đã “thấm tận” rằng:
Đường đời hết tuổi xanh là tóc trắng
Qua lứa tuổi giận hờn rồi. Giờ em  đã
về đâu?

(Ngã tư)

Không biết về đâu. Không thể về đâu cả. Bởi vì:
mỗi mùa xuân là một hòn núi nhỏ
cứ sừng sững hiện lên ngăn cách những đời người

(Thời gian và những bông hoa…)

Sự ngăn cách ấy, những đời người ấy là cái chi vậy, là câu hỏi - lời đáp nào đây, khi mà ném ra trước mắt là niềm thảng thốt:
Không lẽ suốt cuộc đời      
Anh và em và mùa xuân vẫn giằng co nhau
trong những giấc mơ?    

(Kéo co với mùa xuân)

Hòn núi nhỏ ấy là gì. Anh và em là ai. Mùa xuân là gì vậy. Có thể “tách” ra để giải nghĩa, nếu muốn. Nhưng nói gọn, thì có thể gom về mấy từ: dòng tâm thức không ngưng nghỉ. Không ngừng nghỉ đến mức phải liên tiếp kêu lớn lên:
mùa xuân mùa xuân mùa xuân
mùa xuân
lũ lượt kéo nhau về sắp hàng
trước mặt

Hiện về, sắp hàng, để tiếp tục trò chơi chòng ghẹo của tâm - ý:
tâm trí anh bắt đầu một cuộc hành trình ngược lại phía mùa xuân

(Ngược chiều với mùa xuân)

Tần số xuất hiện liên tiếp các biểu tượng của thời gian này, chính là khao khát muôn đời của con người. Nhưng khốn khổ thay, biết có tìm thấy được? Ở đây, giữa bao phen co kéo ấy, mơ hồ có cảm giác như nhà thơ có thể chạm nhẹ được vào cái chéo áo của nó:
Giữa bao nhiêu ồn ã dòng đời

Đêm đêm vẫn nằm nghe mép vườn nhà mình
nước lũ đang lên

(Nghe mép vườn nhà mình nước lũ đang lên)

May thay cho cái sự biết quay về với chân bản hồn nhiên! Để thơ hiện ra như một cứu rỗi:
Có khi nào một ngày tình cờ em đọc được bài thơ
Và một sớm mai mang đến cho anh mùa xuân trọn vẹn?

 (Kéo co với mùa xuân)

Ơn trời, cái tâm hồn trong sáng hồn nhiên ấy vẫn hằng ẩn hiện trong đáy sâu tâm thức. Để có thể nhìn thấy vẻ đẹp của chốn trần ai khổ lụy, dù tất cả mọi sự tồn tại trên cái cõi này cũng chỉ là chút phôi phai giữa dòng trôi vô tận.

         NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

(*) Thơ Nguyễn Kim Huy, Nhà xuất bản Đà Nẵng, tháng 8-2017.
 

;
.
.
.
.
.