.

Sách mới, sách hay

.

1. Nhắc đến nhà văn Ma Văn Kháng, độc giả sẽ nhớ đến những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn tập trung vào hai đề tài chính là cuộc sống của đồng bào vùng núi  phía Bắc và đời sống thành thị đầy phức tạp trong cuộc chuyển mình mạnh mẽ của đất nước sau chiến thắng 1975 của ông. Với Gặp gỡ ở La Pan Tẩn (NXB Hội Nhà văn, tái bản 7-2017), Ma Văn Kháng một lần nữa tái ngộ bạn đọc trong một đề tài… không mới: “…La Pan Tẩn, bản Mèo trên núi cao, nơi Thiêm đã sống những tháng ngày say đắm, nơi anh mê mải hoàn thiện chức trách một kẻ dẫn đường, một thầy giáo… Nơi Thiêm như một cánh chim bay, lòng còn dùng dắng mà vẻ ngoài thật dứt khoát, kẻ ở lại tay vẫy, miệng ứ nghẹn vì ân hận dâng đầy: Mổng à! Chi tu sa! Đi nhé!... Đứt lòng sao được! Quên sao được…”. Tác phẩm này được đánh giá là sự tổng hợp, sự thu hút vào nó những thủ pháp của tiểu thuyết tư liệu - nghiên cứu, tiểu thuyết tự thuật và kỹ thuật dòng ý thức, bút pháp tượng trưng… hứa hẹn sẽ nhóm thêm mồi lửa tình yêu văn học cho những ai đã từng say mê những trang văn của Ma Văn Kháng.

2. Trong lịch sử văn học của dân tộc, không thiếu những nhà văn đã cho ra đời những tác phẩm ca ngợi ẩm thực đất Việt. Đến với Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê! của tác giả Ngữ Yên, NXB Văn hóa-Văn nghệ, 7-2017, bạn đọc một lần nữa được “ngao du” với ẩm thực phương Nam. Người viết đã dẫn độc giả từ quán thịt chó “xôm tụ” ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai. Qua trang sách, Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm. Với bút pháp bông phèng, hóm hỉnh, cuốn sách nhỏ này sẽ đưa bạn đọc trên hành trình khám phá ẩm thực của vùng đất Sài Gòn xưa và nay.

Hải âu

;
.
.
.
.
.