.

Tìm quà tặng đặc trưng

.

Hiện Sở Công thương Đà Nẵng đang nhận hồ sơ cuộc thi “Thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ APEC 2017”. Thông qua cuộc thi, thành phố hy vọng có được 30-50 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới, đáp ứng yêu cầu đặt ra để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tạo ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Đặc biệt sẽ lựa chọn các sản phẩm lưu niệm đoạt giải làm tặng phẩm cho các đại biểu khách mời tham dự các sự kiện quan trọng trong năm APEC 2017.

Hình ảnh nhân vật Darong của thương hiệu hàng lưu niệm Happy Danang.
Hình ảnh nhân vật Darong của thương hiệu hàng lưu niệm Happy Danang.

Mong muốn có một sản phẩm đặc trưng, thể hiện bản chất, để có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa của Đà Nẵng vẫn là một khát khao mà những người làm trong các ngành thương mại và dịch vụ của Đà Nẵng hướng đến.

Tại buổi họp báo giới thiệu về cuộc thi trên do Sở Du lịch và Sở Công thương Đà Nẵng chủ trì, Ban tổ chức nhấn mạnh, qua cuộc thi có thể phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN), có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về tặng phẩm lưu niệm du lịch đặc trưng của thành phố, phục vụ cho APEC 2017.

Không phải đến bây giờ Đà Nẵng mới mong mỏi một sản phẩm mang tính đặc trưng, mà cách đây hai năm, khi tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai chương trình “Phát triển các sản phẩm lưu niệm du lịch”, nhiều người đã băn khoăn chuyện những sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch mang dấu ấn địa phương, nhằm đa dạng hóa thị trường và thu hút du khách.

Sau nhiều năm đẩy mạnh phát triển sản phẩm lưu niệm, Đà Nẵng đã có danh sách 16 doanh nghiệp tham gia chương trình này với nhiều mặt hàng đa dạng, từ tranh đá quý, mây tre đan, đến đồ thủ công mỹ nghệ, quế Trà My, vỏ ốc, tranh cát, điêu khắc đá. Đa phần các sản phẩm đều sử dụng các biểu tượng của thành phố như cầu Sông Hàn, cầu Rồng, danh thắng Ngũ Hành Sơn… để làm sản phẩm lưu niệm. Nhưng, để có một sản phẩm mang tính đại diện thì vẫn chưa làm thỏa lòng những người tâm huyết với vấn đề này.

Trong khi đó, khoảng một năm qua, hình ảnh chú rồng mang tên Darong cùng thương hiệu hàng lưu niệm Happy Danang được du khách đến từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều nước khác đón nhận nhiệt thành.

Ông Yazawa Kohzaburoh, Giám đốc Công ty TNHH Lunatora (tại Đà Nẵng) cho biết, nhân vật Darong được thiết kế dựa trên mô hình của cầu Rồng. “Người Nhật rất thích các nhân vật hoạt hình, nhất là những con vật thể hiện sự nhí nhảnh, vui tươi, nên chúng tôi cũng tạo ra nhân vật con rồng gắn với một biểu tượng của Đà Nẵng, để du khách biết đến thành phố này nhiều hơn”.

Với trên 10 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm và bán hàng ở nhiều khu vực, cửa hàng lưu niệm, quán cà-phê trong thành phố, đến nay, Happy Danang có 3 loại bánh quy, 2 loại đế lót ly, 11 loại bưu thiếp, 1 loại móc khóa, 1 loại bìa lá (để đựng tài liệu) gắn với hình ảnh của Darong. Trong năm 2016, Happy Danang đã bán ra trên 4.200 bưu thiếp và gần 2.500 hộp bánh quy đến du khách. Đây là con số được đánh giá là khá thành công trong buổi đầu tiếp cận các mặt hàng lưu niệm với du khách.

Ông Yazawa cũng chia sẻ là trước khi tham gia vào việc sản xuất các mặt hàng lưu niệm với hình ảnh Darong làm đại diện, ông đã tham khảo các mặt hàng lưu niệm trên thị trường và nhận thấy quà lưu niệm địa phương đóng gói chưa đẹp, sản phẩm chưa bắt mắt, và cũng chưa có hình ảnh nào đặc trưng, đại diện cho thành phố.

“Dựa vào hình ảnh đại diện có thể quảng bá cho địa phương đó. Việc tạo ra hình tượng, tạo ra một nhân vật đại diện cho Đà Nẵng để lôi kéo khách du lịch là điều tôi nghĩ đến sau chuyến khảo sát thị trường. Tôi ước muốn có thể chia sẻ hình ảnh nhân vật Darong với các doanh nghiệp, hoặc đưa vào game, phim hoạt hình, hoặc in hình ảnh này lên các loại bánh ngọt…”, Ông Yazawa Kohzaburoh cho biết.

Trong khi một số sản phẩm của Happy Danang làm tại Nhật, hoặc do người Nhật trực tiếp làm, để bán tại Đà Nẵng, và mục tiêu không chỉ hướng đến khách nội địa, khách Nhật, Hàn hay Trung Quốc với nhiều thứ tiếng in kèm; thì hầu hết đơn vị tham gia sản xuất hàng lưu niệm của Đà Nẵng đều là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thiếu mặt bằng sản xuất, các mặt hàng cũng chưa phong phú, đa dạng.

Thêm vào đó, việc ký gửi, mở quầy giới thiệu và bán các sản phẩm lưu niệm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hết sức khó khăn, không tìm được đầu ra cho sản phẩm… Việc thiếu nơi trưng bày sản phẩm, điểm tập trung bán hàng để giới thiệu rộng rãi cho khách du lịch là chuyện dài nhiều kỳ mà thành phố vẫn chưa có bài giải mang tính khả thi.

Dù việc bán hàng trực tiếp tại cơ sở sản xuất có nhiều tính ưu việt nhưng đó không phải là cách làm chuyên nghiệp, và không phải lúc nào thông tin về các mặt hàng lưu niệm cũng đến được với khách và cũng không dễ gì giúp khách tiếp cận được nếu không có hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay chỉ có làng đá Non Nước với đặc trưng là tập trung một khu vực là có thể đón và giới thiệu cho du khách đầy đủ. Ông Mai Thanh Thiện, chủ cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Thanh Thiện cho biết, các mặt hàng mỹ nghệ của ông đến được với khách là nhờ người quen biết giới thiệu, chuyền tai nhau, chứ chưa được quảng bá rộng rãi.

Đà Nẵng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN. Từ năm 2014 đến nay có 6 doanh nghiệp được hỗ trợ sản xuất mẫu, kinh phí không quá 50 triệu đồng. Thành phố cũng hỗ trợ 50% (tối đa 100 triệu đồng) cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất hàng lưu niệm du lịch; ưu tiên và miễn phí mặt bằng cho việc trưng bày, giới thiệu các mặt hàng này tại chợ đêm bên bờ sông Hàn...  Ngoài ra còn hỗ trợ doanh nghiệp khâu thiết kế mẫu mã sao cho phù hợp với thị hiếu du khách.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết thành phố có những hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN như tư vấn thiết kế mẫu, sản xuất mẫu thử, triển lãm, ký gửi sản phẩm, đào tạo nghề…

Và đặc biệt, khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 30/2014/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 55/2012/QĐ-UBND, có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã được mở rộng, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp có được những điều kiện cần thiết để sản xuất hàng lưu niệm, phục vụ du khách, từ đó tạo ra nguồn sản phẩm lưu niệm đặc trưng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, tạo điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng.

Để các sản phẩm TCMN có tính độc đáo, sáng tạo, giá trị mỹ thuật, thể hiện tính đặc trưng, riêng biệt, thể hiện đậm nét về di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, địa danh ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn phải nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn nữa mới mong tạo dựng được thương hiệu, làm nên những món quà không thể thiếu cho mỗi du khách chọn lựa khi đến mảnh đất này.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng cho biết, quỹ sẵn sàng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng lưu niệm vay để xây dựng nhà xưởng, phát triển sản phẩm du lịch. Nhưng từ khi thành lập đến nay, quỹ chưa bao giờ nhận được hồ sơ xin vay vốn.

Với cơ chế ưu đãi, thời gian vay tối thiểu 1 năm, lãi suất theo quy định của thành phố là 7%/năm, tùy theo quy mô doanh nghiệp, quỹ sẵn sàng tài trợ và doanh nghiệp có thể thế chấp bằng tài sản đầu tư. Sắp tới quỹ đầu tư phát triển thành phố sẽ tiếp tục hạ lãi suất xuống còn khoảng 6,5%/năm.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.