.

Trong trái tim học trò

.

Có lẽ, không trường nào như Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, có đến 3 trang facebook: “Chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng”, “Hội học sinh không ngừng hâm mộ thầy cô chuyên Lê Quý Đôn”, “Lê Quý Đôn confessions”.

Đằng sau bục giảng, mỗi thầy cô là người bạn lớn của học sinh.  Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thân thiết bên cô giáo Trần Thị Anh Đào, Phó Bí thư Đoàn trường (người thứ hai, từ trái qua).Ảnh: Q.T
Đằng sau bục giảng, mỗi thầy cô là người bạn lớn của học sinh. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thân thiết bên cô giáo Trần Thị Anh Đào, Phó Bí thư Đoàn trường (người thứ hai, từ trái qua).Ảnh: Q.T

1. Khi tôi gửi tin nhắn cho hàng loạt các bạn học sinh là thành viên các trang facebook với cùng nội dung “các bạn ấn tượng gì nhất về trường Lê Quý Đôn”, thì nhận được các câu trả lời tương tự nhau: “Những thầy cô của trường Lê Quý Đôn là những người lái đò thực sự. Mỗi thầy cô được học trò yêu quý bởi tính cách hoặc phẩm chất riêng. Thầy thì hài hước, tâm lý với học trò; thầy thì có cách giảng đặc biệt; thầy thì nghiêm khắc nhưng lại yêu thương, che chở học sinh… Họ thực sự là những thần tượng trong trái tim biết bao thế hệ học sinh đã, đang và thậm chí có thể sẽ được học thầy”.

Những trang facebook này chính là cuốn nhật ký viết chung của các thế hệ học trò về thầy cô. Những chuyện trong lớp, chuyện buổi học hôm nay thế nào, có sự kiện gì nổi bật, thậm chí thầy/cô nào đang/sắp kết hôn… đều được đăng lên page và chia sẻ cho mọi người. Phạm Thị Tuyết Ni (lớp A2 niên khóa 2012-2015) chia sẻ: Bất cứ ai đã từng là học sinh của trường chuyên Lê Quý Đôn đều rất tự hào. Đó không chỉ là ngôi trường đạt nhiều thành tích cao trong học tập mà còn bởi đội ngũ giáo viên như những người bạn lớn của học sinh. Thầy cô cũng đầy hào hứng khi học trò khoe “cô ơi, hình em chụp với cô được hơn 100 like (thích) trên facebook rồi”.

Không chỉ thân thiện, gần gũi, nhiều thầy cô được học sinh trao tặng những mỹ từ như: “Thiên hạ đệ nhất Lý”, “Tuyệt đỉnh Sử”… Các em thể hiện tình cảm với thầy cô mình yêu quý mà khó nói được thành lời cũng như là nơi để các thế hệ học sinh của trường liên lạc với nhau. Những trang facebook ban đầu chỉ vài trăm thành viên, giờ có hàng nghìn thành viên, là cựu học sinh, học sinh đang học và cả giáo viên giảng dạy ở trường.

2. Cả 3 trang facebook của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng được lập vào những năm đầu khi mạng xã hội mới thâm nhập vào Việt Nam. Với tinh thần giáo dục cởi mở, các thầy cô cũng không đứng ngoài cuộc.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (giáo viên môn Giáo dục công dân), việc thầy cô dùng facebook không phải tò mò, can thiệp vào đời sống riêng tư của học sinh mà để dõi theo các em nhằm có những điều chỉnh kịp thời. Hơn nữa, theo cô, giữa thầy và trò không nên tồn tại khoảng cách mà nên có sự sẻ chia, cảm thông. Khi dạy bất cứ lớp nào, cô luôn cho học sinh địa chỉ email để các em có thể tâm sự thoải mái những chuyện riêng tư, khó nói.

Cô Thủy kể, từng có một bạn học sinh viết thư cho cô chia sẻ việc nghiện game dẫn đến nợ nần, bế tắc. Sau khi đắn đo suy nghĩ cô đã mời ba mẹ em đến nhà để trò chuyện, tìm cách giải quyết. Rất may em ấy biết dừng lại và tìm gặp cô để giải tỏa, chứ em ấy cứ lấn sâu thì nguy hiểm biết chừng nào. Sau lần “nhớ đời” đó, em hứa sẽ không tái phạm và năm đó đậu hai trường đại học.

Bên cạnh những thầy cô lớn tuổi như người cha người mẹ, đội ngũ giáo viên trẻ của nhà trường được học sinh yêu mến như người anh, người chị. Đặng Thanh Hà (khóa 2012-2015) bày tỏ: “Người giáo viên mà em yêu quý nhất là cô Lê Thị Huyền, Bí thư Đoàn trường. Cô đã xây dựng một Ban chấp hành Đoàn trường biết gắn kết nhau trong mọi hoạt động. Cô ủng hộ và thực sự quan tâm đến những đề xuất của học sinh, vun đắp đam mê chứ không bắt buộc phải luôn đi theo khuôn mẫu. Bên cạnh đó, cô cũng là một “cô gái” đáng yêu với nụ cười híp mắt, thích ăn vặt, thích chụp ảnh, đi chơi, cùng đùa vui…”.

Cô Lê Thị Huyền thì chia sẻ, hiện nay, quan hệ thầy-trò được cởi mở hơn nhiều so với những thập niên trước, đặc biệt giữa giáo viên trẻ với học sinh. Có nhiều phương tiện để kết nối thầy-trò đằng sau bục giảng như facebook, email, điện thoại, một số hoạt động tập thể của nhà trường, của Đoàn Thanh niên tổ chức, tạo sự thân thương, gần gũi, hiểu về nhau nhiều hơn. Các em học sinh sẽ dễ dàng trao đổi với thầy cô về những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của các em. Qua đó, thầy cô cũng biết thêm nhiều thông tin để chia sẻ, giúp đỡ học sinh…

Trong khi ở đâu đó có những chuyện như học sinh lên mạng xã hội nói xấu thầy cô, rồi trò đánh thầy trên bục giảng, thì ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, facebook giúp thầy và trò gắn kết nhau hơn. Thầy cô cùng dõi theo sự trưởng thành của bao thế hệ học trò, động viên các em trên đường học, đường đời; và học trò có một nơi để nhớ về thầy cô, nhớ về ngôi trường yêu dấu của mình.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.