.

Trái ngọt mùa vàng

.

Chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế được triển khai ở Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng từ năm 2006 và ở Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng từ năm 2011, bên cạnh các chương trình đào tạo nghề nghiệp truyền thống.

Sinh viên chương trình tiên tiến - Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng.(Ảnh trên trang web của chương trình tiên tiến - ĐH Bách Khoa)
Sinh viên chương trình tiên tiến - Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng.(Ảnh trên trang web của chương trình tiên tiến - ĐH Bách Khoa)

Các chương trình này thường thiết kế chuẩn đầu ra cao hơn chương trình truyền thống cả về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, năng lực ứng dụng CNTT, năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm, khả năng thích nghi với môi trường công tác…, nhằm hướng đến việc tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng tốt nhất phục vụ cho quá trình phát triển đất nước.

Xu hướng giáo dục hội nhập quốc tế

Hơn 100 SV chương trình chất lượng cao (CLC) khóa đầu tiên của Trường ĐH Kinh tế vừa nhận bằng tốt nghiệp sau khi bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh. Theo thông tin từ nhà trường, đến nay, hầu hết các em tốt nghiệp chương trình chất lượng cao khóa 2011-2012 đã có việc làm. Điều này đánh dấu những thành công bước đầu trong quá trình phát triển đào tạo các chương trình CLC. “Có 7/24 chuyên ngành thuộc chương trình đào tạo CLC của trường, là những ngành thị trường lao động rất cần như kế toán, kiểm toán, ngoại thương, quản trị tài chính, tổ chức doanh nghiệp, marketing, ngân hàng. SV ra trường có kiến thức, kỹ năng tốt, sau khi tiếp nhận một chương trình đào tạo có giáo trình tiệm cận với giáo trình các nước phát triển, tiệm cận với thực tiễn doanh nghiệp”, PGS, TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế nhấn mạnh.

Hiện Trường ĐH Kinh tế đã có khoảng 900 SV theo học chương trình đào tạo CLC. Để theo học, SV sau khi vào trường phải thi đầu vào kiểm tra năng lực tiếng Anh. Trong quá trình học, SV chương trình truyền thống chỉ học 7 tín chỉ tiếng Anh, thì SV chương trình CLC phải học 20 tín chỉ, đầu ra về ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế, điểm IETLS đạt 5.0 trở lên; tin học theo chuẩn của Microsoft. Học phí của SV cao gấp 3 lần chương trình truyền thống. Và SV được ưu tiên bố trí những giảng viên có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm tốt nhất để giảng dạy chương trình. Cơ sở vật chất được đầu tư như phòng học riêng được trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy hiện đại, mỗi SV có góc tự học ở trường, có đủ giáo trình, tài liệu tham khảo. Bên cạnh đó, phần lớn học phần trong chương trình đào tạo CLC sử dụng giáo trình chính, tài liệu tham khảo của các trường đại học uy tín trên thế giới… Đa số các môn thuộc khối kiến thức chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh và một số học phần có sự tham gia giảng dạy của các giáo sư nước ngoài…

Ở Trường ĐH Bách khoa, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm 1998 với dự án đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) và chương trình đào tạo kỹ sư tiên tiến Việt-Mỹ từ năm 2006. Theo đánh giá của nhà trường, các mô hình đào tạo có sức lan tỏa lớn, từ đào tạo cán bộ giảng dạy, tiếp nhận chương trình đào tạo, công nghệ đào tạo, thiết bị, kiểm định chất lượng, tạo ra nguồn nhân lực thực sự có trình độ cao cho xã hội.

Chương trình tiên tiến (CTTT) của Trường ĐH Bách khoa hiện có 2 chuyên ngành đào tạo là ngành Điện tử viễn thông, chuyên ngành Hệ thống số và ngành Tự động hóa; chuyên ngành Hệ thống nhúng, SV được đào tạo theo chương trình của ĐH Washington và ĐH Portland State (Mỹ). PGS, TS Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất sắc, Trường ĐH Bách khoa cho biết, trong suốt chương trình học, SV được học với các giáo sư, tiến sĩ đến từ các trường đối tác, hầu như các em học và trao đổi hoàn toàn bằng tiếng Anh, và đây chính là môi trường để SV mạnh dạn, tự tin trau đồi khả năng ngoại ngữ của mình.

Theo GS, TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng thì “Để đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng tương đương với các cơ sở tiên tiến thì suất đầu tư trên đầu SV ở nước ta cũng phải gần tương đương với nước ngoài, có chăng cũng chỉ giảm được chi phí lương cho giảng viên và những phụ phí khác. Tối thiểu như đầu tư phòng học cho các chương trình này cũng phải đạt chuẩn quốc tế với các phương tiện dạy học hiện đại, giảng viên cũng phải được sàng lọc”.

Chuyên môn đáp ứng toàn cầu hóa

Ngoại ngữ là yêu cầu nghiêm ngặt đối với SV theo học các CTTT, chương trình CLC và chương trình liên kết bởi nếu không đáp ứng đủ 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết thì không thể nghe giảng, đọc tài liệu, tiếp nhận kiến thức được. Như CTTT của Trường ĐH Bách khoa, trừ các môn Lý luận chính trị, Quốc phòng và an ninh, Giáo dục thể chất, tất cả các môn học còn lại đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, kể cả môn cơ bản như Toán - Lý - Hóa. Các chương trình CLC của Trường ĐH Kinh tế cũng bảo đảm từ 37 - 54% các môn học trong khung chương trình được triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh.

Để đảm bảo sự đa dạng trong văn hóa và tính quốc tế của CTTT, khoảng 30% khung chương trình tiên tiến ở Trường ĐH Bách khoa do giảng viên nước ngoài đảm nhận. Các chương trình CLC của Trường ĐH Kinh tế dùng toàn bộ chương trình đào tạo của nước ngoài, giảng viên được đầu tư luôn cả bộ hướng dẫn giảng dạy; tài liệu tham khảo cho SV cũng đều là sách ngoại văn và được cập nhật thường xuyên. SV theo học các chương trình này còn nhận được sự hỗ trợ của lực lượng giảng viên trợ giảng, điều hầu như không có ở chương trình đại trà.

Các trường triển khai chương trình dạy - học bằng ngoại ngữ, ngoài mục tiêu hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng nhanh trong môi trường chuyên môn có đòi hỏi bằng tiếng Anh còn hướng đến sự lan tỏa của chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế đến các chương trình truyền thống. Nhiều thầy cô giáo khi giảng dạy ở chương trình đại trà, đã bắt đầu sử dụng slide bằng tiếng Anh như là một cách để cải thiện khả năng ngoại ngữ cho SV.

Ở một khía cạnh khác, ông Phạm Văn Tuấn thừa nhận: “Trong môi trường có tính quốc tế, không chỉ năng lực tiếng Anh của SV mà của cả giảng viên đều tăng lên rõ rệt. Làm việc với giáo sư nước ngoài, giảng viên cũng được hưởng lợi từ tiếp cận phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá.  Việc chia sẻ cả nguồn lực, cả tài nguyên từ chương trình CLC cũng đã thay đổi ít nhiều diện mạo của chương trình đại trà.

ĐH Đà Nẵng đang dịch chuyển theo hướng trở thành một đại học nghiên cứu (Research University) với mục tiêu trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế. Khi chọn hướng đào tạo SV theo các chương trình tiên tiến, các trường thành viên hướng đến mục tiêu đào tạo các chuyên gia cao cấp, những nhà khoa học và nghiên cứu chủ chốt, cần thiết cho nền kinh tế và tạo ra tri thức mới phục vụ phát triển của đất nước. Đầu tư đào tạo nhân lực mũi nhọn đáp ứng nhân lực cho ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học và công nghệ cao, phục vụ hội nhập quốc tế.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.