.

Nâng cấp thành điểm đến

.

Làm mới mình, tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn là cách để ngành du lịch tồn tại và phát triển.

Chiều muộn, mặt trời sắp tắt nắng phía bên kia sườn núi nhưng từng tốp xe máy vẫn hối hả đổ về hồ Hòa Trung. Trạm trưởng Thủy nông Hòa Trung Trần Văn Trọng đang trò chuyện với phóng viên thì hai thanh niên bước vào, nói giọng Nam Bộ: Nhóm tụi con từ Sài Gòn ra, xin phép mấy chú cho tham quan hồ được không ạ?...

Hồ Hòa Trung cuốn hút giới trẻ vì khung cảnh quá thơ mộng.Ảnh: V.T.L
Hồ Hòa Trung cuốn hút giới trẻ vì khung cảnh quá thơ mộng.Ảnh: V.T.L

Thảo nguyên giữa... lòng hồ

Thời gian qua trên mạng xã hội rộ lên những hình ảnh tuyệt đẹp về hồ Hòa Trung vào mùa nước cạn, chẳng khác gì “thảo nguyên Mông Cổ” như cách ví von của một trang mạng. Ông Trọng cho biết gần tháng nay khách các nơi nườm nượp đổ về hồ như trẩy hội. Có lẽ nhận xét này không ngoa, buổi sáng trời mưa nhưng trong khuôn viên trạm vẫn ken dày xe máy; chiều nắng lên, xe máy san sát nhau dựng nơi bãi cỏ dưới chân đạp chắn hồ. 5 giờ chiều có thêm 3 ô-tô đưa gia đình lên chơi, trong đó có một xe mang biển số Quảng Nam.

Nhóm thanh niên trên đi 4 người, thấy trên “phây” có hình hồ Hòa Trung đẹp, thơ mộng như thảo nguyên, rủ nhau du lịch Đà Nẵng, tranh thủ “đi thực tế” xem thực hư thế nào. Tôi dọc ngang dưới hồ, trên bãi từ sáng giờ, có chút “kinh nghiệm” nên góp lời: Vừa rồi mưa liên tục mấy trận nên hồ đã ngập nước, không còn đẹp như hình trên “phây” nữa. Mấy em chừ cứ đi xem “tạm”, hè đến nước rút xuống thì ra mà thưởng ngoạn cái cảnh tượng đẹp đến mê hồn.

Hồ Hòa Trung nằm ở thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, có tổng diện tích 186ha, trong đó mặt nước chiếm 165ha khi ở cao trình lớn nhất là 41m so với mực nước biển, lúc đó hồ chứa 11,5 triệu m3 nước. Vào mùa khô hạn, khoảng tháng 8 hằng năm, hồ xả nước tưới tiêu cho các đồng ruộng xuống đến mực nước “chết” 24m so với mực nước biển. Ông Trọng giải thích, đó là lúc mức nước ngang đáy cống, không xả thêm được nữa. Từ mực nước “chết” xuống đến đáy hồ còn sâu khoảng 3-4m nữa, đủ để “nuôi dưỡng” hoa cỏ, cây cối trên phần lộ thiên và các loài thủy sản trong còn ngập trong nước. Đây chính là “thời điểm vàng” để du khách bốn phương đến chiêm ngưỡng “thảo nguyên Mông Cổ” giữa lòng hồ Hòa Trung.

Nước rút làm lộ ra hai con khe chính đưa nước vào hồ. Ông Lê Tịnh, 30 năm làm nhân viên trạm Thủy nông Hòa Trung, kể rằng đây xưa là chiến khu, nơi huấn luyện cho du kích xã, bộ đội dùng nước khe trong sinh hoạt hằng ngày, từ đó “chết” tên là khe Bộ Đội. Sau năm 1975, bà con phường Khuê Trung (nay thuộc quận Cẩm Lệ), thôn Trung Nghĩa (nay là khu vực Trung Nghĩa, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu)… đi kinh tế mới lên đây đã phát hiện một khe nước bên hang đá, bèn đặt tên là khe Đá Hang; còn có tên là khe Thanh Bình vì khung cảnh nơi đây rất… thanh bình.

Nghe ông Tịnh kể, đối chiếu với ảnh trên mạng thì đúng là có hai con suối với những con thuyền nhỏ uốn quanh giữa những thảm cỏ xanh mượt với những chú bò bình yên gặm cỏ. Hèn chi, như lời ông Võ Mười, một cư dân thôn Tân Ninh, có ghe nhỏ đánh cá trên hồ, hè rồi ông đã đưa hơn 10 cặp qua các bãi cỏ, rừng cây bên kia hồ để chụp ảnh cưới; còn thanh niên đi theo nhóm thì không đếm hết được. Theo ghi nhận của chúng tôi, khách lên chơi hồ hầu hết là các nam thanh nữ tú.

Một vài nhóm còn mang theo đàn guitar và cả trống cajon (loại trống hộp chơi bằng tay), những nhạc cụ gọn nhẹ, thích hợp cho các buổi dã ngoại. Ngồi nghỉ chân dưới hàng cây bên đường dẫn vào cơ quan trạm thủy nông, một nhóm bạn trẻ tỏ ý tiếc cho cảnh hồ không còn thơ mộng như trên mạng, bàn nhau hè tới tổ chức mấy đợt dã ngoại “hoành tráng” lên hồ cho “đã”.

Nhà cổ Tích Thiện đường với đoàn tham quan của Công đoàn Cơ quan Sở Công thương Đà Nẵng.
Nhà cổ Tích Thiện đường với đoàn tham quan của Công đoàn Cơ quan Sở Công thương Đà Nẵng.

Sản phẩm du lịch mang bản sắc… Hòa Vang

Trước đó, tôi có dịp về lại nhà cổ Tích Thiện đường ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, cùng với đoàn tham quan của Công đoàn cơ quan Sở Công thương Đà Nẵng nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam. Lần đầu tiên lên thăm ngôi nhà có tuổi đời ngót nghét 200 năm này, tất cả họ không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Mái ngói rêu phong, hàng cột cổ kính, ngôi nhà còn giữ nguyên Đông phòng và Tây phòng theo kiến trúc Á Đông xưa. Trong sân, dưới những tán lá, bên những khóm hoa, khách có thể chạm tay vào những gàu gánh nước, cối xay bột, cối giã gạo... như tìm lại kỷ niệm thân thương một thời thơ ấu.

Ông Đỗ Hữu Minh, chủ nhân nhà cổ hiện nay cho biết thời gian qua, nhiều đoàn khách đã đến tham quan nhà mình: Đoàn du khảo của văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng, tạp chí Văn hóa Quân đội, Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đà Nẵng. Hạ tuần tháng 9 vừa rồi, VTV4 chọn nơi này làm bối cảnh để làm phim tư liệu về Võ đường Thiếu Lâm - Tây Sơn Đà Nẵng cho chuyên mục “Tinh hoa võ thuật Việt Nam”. Qua đầu tháng 10, VTV3 đưa đoàn làm phim về thực hiện ngoại cảnh cho Chuyên mục “Cà-phê sáng cùng VTV3”…

Đặc biệt, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng và một số công ty lữ hành tại miền Trung đã lên làng Thái Lai với điểm nhấn là Tích Thiện đường khảo sát để mở một tuyến du lịch đường sông mới. Chuyến khảo sát gần đây nhất là vào đầu tháng 9 vừa rồi do Sở VH-TT&DL Đà Nẵng và Phòng VH-TT huyện Hòa Vang phối hợp tổ chức có sự tham gia của các sở, ngành hữu quan. Thực tế cho thấy, đi đường bộ lên đây thì thường thôi, chính đi bằng đường thủy mới lãng mạn và nên thơ hơn.

Đoàn làm phim của VTV4. Ảnh: V.T.L
Đoàn làm phim của VTV4. Ảnh: V.T.L

Ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành - Sở VH-TT&DL, qua chuyến khảo sát các cơ quan hữu quan có thể nắm được thông tin và phối hợp đề xuất với thành phố về phát triển du lịch đường sông, đặc biệt là về cầu tàu du lịch và đầu tư điểm đến. Độ dài tuyến du lịch sông Hàn - Túy Loan - Thái Lai khoảng 22km với các điểm tham quan, ngắm cảnh chính gồm: Các cây cầu dọc sông Hàn, làng rau La Hường; đình làng Túy Loan, thôn Thái Lai, nhà cổ Tích Thiện đường, vườn cây ăn quả...

Hòa Vang chưa thật sự có những sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc riêng của mình. Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, trưởng phòng VH-TT huyện, để thu hút khách du lịch như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hòa Vang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra và theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2020, cần phải chọn lọc một số điểm du lịch đã và đang phát triển để đầu tư thành những điểm nhấn có khả năng thu hút du khách. Trước mắt, chọn làng Thái Lai để phát triển thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng, đây là sự lựa chọn vừa có khả năng đầu tư nhanh, vốn ít, vừa đảm bảo định hướng đặc thù theo quy hoạch.

Hồ Hòa Trung và làng Thái Lai, một miền núi, một đồng bằng, mỗi nơi một vẻ quyến rũ riêng hút khách. Trong lúc làng Thái Lai đang được lên kế hoạch xây dựng du lịch sinh thái cộng đồng thì hồ Hòa Trung, mặc dù chưa được chính thức “khai sinh” điểm đến nhưng du khách gần xa đã biết tiếng, nườm nượp tham quan, mặc dù mùa mưa đang đến gần. Thế nhưng hiện nơi đây vẫn chưa có một dịch vụ gì. Với dòng khách đông đúc, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần, cần lắm sự quan tâm của các cơ quan hữu quan đối với hồ Hòa Trung để phía Tây thành phố có thêm những địa chỉ du lịch mang bản sắc của Hòa Vang.

Huyện Hòa Vang đang xây dựng Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng làng Thái Lai, xã Hòa Nhơn với tổng số vốn đầu tư 5,602 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách Nhà nước 5,4 tỷ đồng (ngân sách thành phố 2,15 tỷ đồng, ngân sách huyện 3,25 tỷ đồng, huy động tham gia từ người dân 202 triệu đồng. Phấn đấu đến năm 2017, Thái Lai trở thành một điểm đến du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng quan trọng của thành phố Đà Nẵng.

"Nhằm mục đích phát triển du lịch về phía Tây Đà Nẵng theo chủ trương của thành phố, khai thác tiềm năng và lợi thế để hình thành sản phẩm du lịch mới, ngoài du lịch sinh thái làng quê ở Thái Lai, chúng tôi cũng đang nhắm đến hồ Hòa Trung. Hồ Hòa Trung có phong cảnh đẹp, đang phát triển tự phát thành điểm đến du lịch với nhiều tiềm năng. Chúng tôi đang tiến hành tổ chức họp các hãng lữ hành ở Đà Nẵng để thiết lập một chuyến đi khảo sát thực tế tại hồ Hòa Trung để xây dựng nơi này thành một sản phẩm du lịch mới. Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để đảm bảo về an ninh trật tự, môi trường, xây dựng một điểm đến an toàn, thân thiện đối với du khách”.

Trưởng phòng Quản lý Lữ hành - Sở VH-TT&DL Đà Nẵng Huỳnh Đức Trung

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.