.

Tìm người kế cận

.

Từ Tết cho đến hết tháng Giêng, lễ cúng đình, lễ hội văn hóa làng của người Việt góp phần tạo nên một nếp sinh hoạt, một truyền thống văn hóa để cho cộng đồng người Việt từ xưa đến nay trụ vững và tồn tại.

Ông Đặng Khôi.
Ông Đặng Khôi.

Khi các lễ hội đang gần kề, câu chuyện nỗi lo về “việc làng” của các cụ cao niên lại hiện hữu. Đó là, khi xã hội ngày càng hiện đại, bao lớp người từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn về sống ở chốn thị thành, thì thế hệ hiểu biết bản sắc văn hóa làng, biết cúng bái, hay hiểu biết về lễ hội, về đình làng hay truyền thống của làng đang ngày càng ít dần. Chuyện truyền nối vì thế càng khó khăn hơn.

Cây có cội, nước có nguồn

Có một người không hề lo chuyện kế thừa. Đó là ông Đặng Khôi, một trong những người khôi phục và duy trì lễ hội đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, Hòa Vang suốt hơn 15 năm qua. Ông bảo “không có gì phải lo. Từ 18 đến 55 tuổi không ai nghĩ gì đến ông bà, mà cứ đến 60 tuổi là quay về lo cho ông bà. Có được điều đó là do truyền thống, do cái đức của làng”.

Như ông Năm Khôi, hồi ở tuổi 45-50, rời làng tham gia cách mạng trở về, thấy mấy cụ trong làng, trong họ đến ngày lễ, Tết xúng xính áo dài khăn đóng, ông bảo nhìn buồn cười lắm, ông không hề quan tâm. Thế nhưng chớm qua tuổi 55, ông quan tâm nhiều đến văn hóa làng Túy Loan, đến ngôi đình làng từng chứng kiến bao thăng trầm thời cuộc. Ông học cách cúng, cách lạy, ông tìm đọc cả trăm cuốn sách về Túy Loan, về những người có công khai phá, lập nên làng.

Với cái vốn chữ Nho ông học được chẳng là bao thời còn bé, ông tự học thêm chữ Nho, chữ Nôm, tự mày mò tra cứu và dịch các văn bia, các sắc phong các đời vua triều Nguyễn đã ban cho làng. Cứ thế, cộng với chuyện tự học, tự tìm hiểu văn hóa làng, ông nhờ người dịch rồi hiệu đính lại tất cả những bài cúng, sắc phong, bia đá, lịch sử các dòng họ, biên vào những quyển vở học trò, ghi bằng chữ quốc ngữ rồi sao ra cho các cụ trong làng, đưa cho các dòng họ của 32 chi phái tộc.

Đây không phải là chuyện của một họ, đây là chuyện của làng, cho con cháu biết lịch sử vùng đất này như thế nào. Ngoài các bài văn tế gốc, ông Năm Khôi soạn thêm phần “dựng xây từ đường; các dòng họ nên chính trực ôn hòa; cây vững gốc mới tốt cành xanh lá và hiểu thấu đáo giá trị của gia đình”, như là phần bổ sung thêm giá trị văn hóa cho truyền thống của làng.

Cũng cách đây gần hai chục năm, ông Năm Khôi ra tận Hà Nội gặp Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin, trình bày về lịch sử, về giá trị của di tích đình làng Túy Loan. Bộ Văn hóa đã tổ chức các đoàn kiểm tra, về tận làng khảo sát. Sau đó đình làng Túy Loan được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Như nắng hạn gặp mưa, ông Năm Khôi và các ông trong làng trình xin thành phố về việc mở lễ hội, duy trì một bản sắc văn hóa làng.

Thế là suốt 15 năm ông Năm làm trưởng ban tổ chức lễ hội. Kinh phí nhiều thì mở hội to, kinh phí ít thì làm hội nhỏ. Con cháu, bạn bè bốn phương tụ về, hoan hỉ. Lễ tiến hành ở đình làng với phần cúng, phần lễ rước, cầu mùa, cầu quốc thái dân an… Ai cũng bảo, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhờ đó người làng Túy Loan trên dưới thuận hòa, con cháu làm ăn nở mày nở mặt. Hai năm nay ông không còn làm trưởng ban lễ hội, các cụ trong làng vẫn tổ chức phần hội và phần lễ quy mô, đầy đủ.

Khi nào muốn tìm hiểu về văn hóa làng Túy Loan rộng lớn, về trầm tích văn hóa mảnh đất Hòa Vang từ thời các ông tổ về đây khai phá, lập làng, chúng tôi đều đến hỏi chuyện ông Năm Khôi. Ông Năm sắp bước qua tuổi 85, minh mẫn, tỏ tường, hiểu biết rộng. Ông bảo “văn hóa nó vốn thấm nhiễm, dù không về làng cũng hiểu. Đó là cuộc sống, là chân lý của con người. Mỗi gia đình tạo cái gốc cho mỗi người, thấy cha, thấy ông làm rồi sẽ học theo, rồi sẽ ngấm. Khi con người 60 tuổi lễ nghĩa nó cũng khác hồi 30-40”.

Vẫn còn những nỗi lo

Làng Túy Loan có cái “gốc” vững như ông Năm đã mừng. Nhưng về nhiều làng khác thì chuyện truyền lại cách hành lễ, cách làm nên một lễ hội cho lớp trẻ còn nhiều điều đáng bàn. Ông Nguyễn Nghĩa (Sáu Nghĩa), Trưởng ban Lễ hội đình làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu bảo “chuyện chuyển sang cho lớp trẻ kế thừa lễ hội đình làng sắp tiến hành. Gọi là trẻ nhưng cũng trên dưới 60, chứ trẻ quá thì họ đâu biết cái chi”. Ông Sáu năm nay 85 tuổi, trên 20 năm giữ chức trưởng ban lễ hội đình làng.

Để làm được việc làng, phải là dân gốc ở đây, hiểu được đình làng thờ Thành hoàng, thờ tổ của 12 tộc. Phải hiểu được làng này có tuổi đời 400-500 năm, nhưng trước đó đất này của Chiêm Thành nên phải hiểu để thờ. Như miếu của làng thờ Bà Ngũ hành nương nương, có từ hồi lập làng, đi kèm với tích hồi sơ khai mới tới, dân thờ quỷ thần. Khi ốm đau hay xin cái gì đều đến miếu thắp hương…

Những hiểu biết đó, theo ông Sáu, cần phải học, phải hiểu. Hay trong lối sống cũng cần sống gương mẫu, gia đình thuận hòa, ra giữa làng nói bà con mới nghe theo. Chuyện tìm người kế cận lo lễ hội đình làng là chuyện khó ở Hòa Mỹ. Chỉ riêng lớp học trò hầu trong lễ cúng, mỗi năm thực hiện một lần, mà phải năn nỉ mãi con cháu trong gia tộc mới nghe theo.

Có lẽ “cơn lốc” của lối sống hiện đại, văn hóa mới ồ ạt len vào từng ngôi nhà ở phố, nên chuyện lớp trẻ chịu nghe lớp già nói về văn hóa địa phương, về bản sắc dòng họ trở nên hiếm hoi. Trong khi cái sự hiểu biết việc làng, hiểu biết văn hóa địa phương hóa ra nó không đơn giản như người ta tưởng. Không phải chỉ học hay nghe là được, mà là cái “văn”, cái truyền thống nó ngấm vào người, khi anh yêu mến nó thì nó như cái “duyên” tìm đến. Và con người phải trải qua những hiểu biết nhất định về cuộc sống, về xã hội, mới hiểu thấu ngọn nguồn văn hóa, bản sắc mà cha ông bao đời gìn giữ và xây dựng, rồi mới biết mà giữ gìn và phát huy.

Anh Cao Văn Minh, Ban đại diện đền thờ thần Nam Hải cửa khẩu sông Hàn, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà mang một nỗi lo rất thực: đó là người có khả năng kế thừa, thực hiện các nghi lễ truyền thống của người đi biển ở làng này giờ không gắn với nghề biển, thì làm sao hiểu hết phần tâm linh trong các nghi lễ, làm sao thấu đáo các công việc cúng tế, mà với người đi biển là rất quan trọng.

Anh bảo, văn hóa tâm linh ăn sâu vào tâm thức con người, các lớp cha, ông trước anh nắm giữ việc cúng tế, thờ thần Nam Hải, thờ cá Ông, lớp anh chỉ là người học theo, làm theo, nhưng đó là nhờ có trải nghiệm với nghề, nên mọi lễ nghi được tiến hành một cách thiêng liêng. Còn sau này, khi lớp trẻ không còn mặn mà với nghề biển, phần tâm linh trong mỗi chuyến biển cũng phai nhạt dần, thì các lễ trai đàn cho người tử nạn vì sông nước, thờ các vị chư thần, lễ cầu mùa, lễ xuân kỳ thu tế… sẽ chỉ còn là hình thức.

Có lẽ điều anh Minh lo là cái phần “hồn” của những buổi lễ. Phần hồn đó không chỉ là đúng lễ nghi, mà còn là chuyện người đến đền có mang trong mình tình yêu với quê hương, với nghề truyền thống của cha ông, với không khí trang nghiêm cần phải có. Và hơn hết, để lại trong tâm thức mỗi con người, văn hóa làng, nơi mình chôn nhau cắt rốn, để nhớ về, để hiểu mà kể với cháu con, có thấm đẫm và tồn tại như một phần tất yếu trong huyết quản…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.