.

Tết này, Hòa Bắc...

.

Nơi miền đất xa nhất phía Tây Bắc thành phố, bên dòng sông Cu Đê lặng lờ là những con đường, những mái trường, những căn nhà... tất cả hiện ra mới tinh trong cái nắng tháng Chạp.

Khi Trường tiểu học Hòa Bắc khu vực Tà Lang (ảnh trái) hoàn thành, sẽ không còn các lớp học tạm ở Giàn Bí nữa. Ảnh: V.P.Q
Khi Trường tiểu học Hòa Bắc khu vực Tà Lang (ảnh trái) hoàn thành, sẽ không còn các lớp học tạm ở Giàn Bí nữa. Ảnh: V.P.Q

Chia tay nhà tạm

Dích dắc một hồi qua những con đường bê-tông thôn Nam Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Ngô Thị Nhàn đưa tôi đến một căn nhà mới. Trước hiên, hai người đàn ông mặc áo lính đang đổ trực tiếp vữa xi-măng từng ô một để “bê-tông hóa” mảnh sân nhỏ.

Đó là anh Nguyễn Văn Chiên cùng cậu con trai út vừa quay về nhà sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chị Nhàn bảo, nhà này có đến 4 đời làm bộ đội. Ông nội và cha anh Chiên đều là liệt sĩ, đến phiên anh và hai đứa con cũng “hát tiếp khúc quân hành” cùng với các thế hệ trước.

Khi Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng về bàn việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho các hộ chính sách ở Hòa Bắc, UBND xã đã giới thiệu trường hợp của anh, người đang thờ ông nội là liệt sĩ. Thế là ngày 27-7-2014, anh đã được bàn giao căn nhà mới giá trị trên 200 triệu đồng, trong đó có 70 triệu đồng được Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hỗ trợ. Sát bên là nhà mẹ anh - nơi thờ cha anh, một trong 10 hộ cũng được đơn vị này hỗ trợ 20 triệu đồng mỗi hộ để sửa chữa nhà ở theo diện chính sách.

Hai vợ chồng anh làm 2,5 sào lúa và 2 sào màu. Công việc đồng áng cũng không thong thả lắm, nhưng anh vẫn tranh thủ lúc rảnh rỗi, từ từ sửa sang, tu bổ thêm để căn nhà được hoàn thiện hơn. Vừa rồi, còn dư ít cát sạn, anh chở thêm mấy bao xi-măng về, cùng con trai làm sân. Anh chân chất: “Tết nhứt công thợ cao lắm, một ngày hơn 200 nghìn đồng. Mình tự làm tuy hơi lâu một chút nhưng được cái là đỡ tốn”.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cũng hỗ trợ xây nhà mới cho 9 hộ người Cơtu vừa tách hộ trong năm 2014, mỗi hộ 30 triệu đồng.

Theo chị Nhàn, đến cuối năm 2014, Hòa Bắc đã xóa hết 2 nhà tạm cuối cùng, hỗ trợ xây mới một nhà khó khăn đột xuất thuộc diện xã hội. Năm 2014, Hòa Bắc hoàn thành tiêu chí về nhà ở dù đầu năm 2014, số nhà tạm ở địa phương này lên tới 41 nhà, nhiều nhà ở kiên cố bị hư hỏng chưa có điều kiện sửa chữa. Chỉ trong vòng 1 năm, nhờ huy động các lực lượng và sự trợ giúp của nhiều đơn vị chức năng khác, Hòa Bắc đã cơ bản hoàn thành tiêu chí nhà ở, xóa nhà tạm, xây nhà tình nghĩa.

Trường học, con đường và Tết

Ở Hòa Bắc, hai thôn Tà Lang và Giàn Bí được người dân cho là nằm ngay “họng bão”. Các trường học ở hai thôn này là công trình nhà cấp 4, không bảo đảm an toàn. Mỗi khi có dự báo bão, bà con hai thôn phải tất tả chạy về Trường tiểu học Hòa Bắc và THPT Nguyễn Tri Phương gần trung tâm xã, cách đó cả chục cây số.

Từ bức xúc này, UBND thành phố đã quyết định tháo dỡ toàn bộ cơ sở vật chất của Trường tiểu học Hòa Bắc khu vực Tà Lang và cho xây mới 2 tầng với tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Công trình này đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để sớm đưa vào hoạt động. Hai thôn Tà Lang và Giàn Bí hiện có 79 học sinh, tất cả đều đang học tạm tại 4 phòng học ở Giàn Bí, công trình do các tổ chức quốc tế tài trợ với sự đóng góp của huyện Hòa Vang sau khi cầu Tà Lang – Giàn Bí được xây dựng (năm 2010).

Thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc, cho biết một công trình tương tự có cùng kinh phí cũng sẽ được xây mới ở thôn Nam Mỹ trong năm nay. Với 34 học sinh, Trường tiểu học Hòa Bắc khu vực Nam Mỹ hiện chỉ cách bờ sông Cu Đê hơn 50 mét, trường xuống cấp cộng thêm nguy cơ sạt lở, trường mới sẽ được dời lên khu vực tái định cư cách trường cũ khoảng 1km.

Tháng Chạp về Hòa Bắc thấy nhiều cái mới. Hơn 4,5km đường bê-tông kiệt xóm rộng chỉ 2 - 2,5m giờ đã được mở rộng ra đến trên 3,5m theo tiêu chuẩn xây dựng Nông thôn mới. Trong đó có đoạn trên 600m ở thôn Nam Yên bị hư hại nặng, đi lại rất khó khăn cũng được làm mới lại toàn bộ. Đường nội đồng thôn Phò Nam dài 1km nối từ trục giao thông chính của xã xuống đến cánh đồng 45 ha nằm bên sông Cu Đê cũng được mở rộng, giúp nông dân dễ dàng đưa nông sản thu hoạch từ đồng về đến tận nhà.

Tháng Chạp, trong căn nhà mới còn nồng mùi vôi vữa, anh Chiên đưa di ảnh ông nội mình - liệt sĩ Nguyễn Văn Cầm - đặt ở nơi trang trọng nhất. Một bữa tất niên gọn nhẹ san sẻ cùng bà con chòm xóm niềm vui có nhà mới.

Thầy Thọ thỉnh thoảng chạy xe lên Tà Lang động viên công nhân cho kịp tiến độ công trình trường mới. Phó Chủ tịch Nhàn thì thông báo các trưởng thôn cho các hộ dân làm sạch môi trường hai bên những con đường mới để chuẩn bị đón xuân. Chiếc cầu dây văng Phò Nam yên ả soi bóng xuống dòng Cu Đê, hòa mình cùng lòng người Hòa Bắc trong một cái Tết rất gần…

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.