.

Sau ly hôn: Sống trong… sợ hãi

.

Ly hôn xong, tưởng hai bên được giải thoát để có cuộc sống thanh thản hơn. Thế nhưng, không ít người trong cuộc sau ly hôn lại phải đối mặt với bế tắc đến khủng hoảng, khi đối phương “ăn không được thì phá cho ôi”.

Những lá đơn kêu cứu của phụ nữ bị chồng bạo hành. (Ảnh chụp tại Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố)
Những lá đơn kêu cứu của phụ nữ bị chồng bạo hành. (Ảnh chụp tại Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố)

1. Vì chồng bạo lực nên chị quyết định chia tay và nhận quyền nuôi con. Ngỡ sẽ thoát khỏi những ngày bị hành hạ để hai mẹ con được bước vào cuộc sống mới, nhưng “cơn ác mộng” vẫn không buông tha khi hằng ngày chồng cũ vẫn quay về, lấy “quyền làm chồng” đập phá, kêu la đòi vào nhà. Khi không có chị ở nhà, anh ta đạp cửa. Khi có chị ở nhà, anh ta chửi bới như thể chị vẫn còn là “mụ vợ” một đời chỉ biết cam chịu.

Không dừng ở đó, chị đi buôn bán nơi nào thì người này cũng xuất hiện bêu xấu không cho chị làm ăn. Đau khổ, khủng hoảng, nhưng chị không biết phải làm gì ngoài im lặng. Chuyện âm ỉ đến vài tháng trời, chị không còn sức tiếp tục chịu đựng nên viết hàng loạt đơn kêu cứu đến các hội đoàn thể địa phương và thành phố.

Công an vào cuộc, chồng cũ không những không sợ mà còn ngang nhiên cho rằng chính quyền “vô duyên” đi can thiệp việc riêng nhà người khác. “Anh ta nghĩ mình còn là chồng, là cha thì được sai khiến vợ con theo ý mình. Thực tế, ly hôn rồi, anh ta chỉ còn quyền thăm nom và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chứ không được đụng chạm vào đời tư của vợ nữa”, một cán bộ tham gia xử lý vụ việc này cho biết.

Để đối phó với các cơ quan chức năng đang theo dõi mình, người đàn ông này liên tục đổi chỗ ở khi hộ khẩu một đằng, tạm trú một nẻo và làm việc ở ngoại tỉnh rồi lâu lâu về quậy một trận. Có khi, hắn nhè lúc đêm khuya thanh vắng mò tới đe dọa vợ. Sự việc căng thẳng đến mức công an địa phương phải cử người “nằm vùng” để bắt kẻ quấy rối tại trận.

Tự thấy có khi bị “dính” đến luật pháp thiệt chứ không phải là hù chơi, chồng cũ giảm bớt sự tấn công, nhưng thay vào đó là xuất hiện dưới... hình thức khác khiến chị một năm trời mất ăn mất ngủ.

2. Chị liên tục đến cầu cứu Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố từ trước ly hôn đến cả sau ly hôn. Gặp phải người chồng không thiếu tật xấu từ cá độ, bài bạc, chơi gái, bạo lực v.v…chị đòi ly hôn thì bị dọa “ta sẽ giết mày, hai đứa cùng chết”. Sợ hãi, chị ôm con trốn chui trốn nhủi rồi việc ly hôn cuối cùng cũng hoàn tất nhờ sự hỗ trợ, động viên từ gia đình. Thế nhưng, tiếp theo đó là chuỗi ngày không chỉ bản thân chị mà cả gia đình đều liên lụy.

Chị ôm ba đứa con về nhà mẹ ruột tá túc sau thời gian chia tay chồng. Hắn lập tức tìm đến nhà mẹ vợ đe dọa, sỉ nhục. Sợ làm cha mẹ buồn phiền và hàng xóm chê cười, chị sang ở nhờ nhà anh trai. Được thời gian, hắn phát hiện ra chỗ ở mới của vợ liền mang... gạch, đá đến ném. Anh vợ phản pháo bằng cách cho hắn biết gia đình sẽ báo công an. Đáp lại, hắn còn làm dữ để mọi người thấy hắn chẳng sợ ai…

3. Xử lý các vụ bạo hành trước ly hôn đã khó, sau ly hôn càng khó hơn. Đó là chia sẻ của cán bộ Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kết hôn của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố. Có 3 lý do cơ bản khiến việc giải quyết những vụ nêu trên đôi khi trở nên khó khăn và bế tắc với chính người thi hành pháp luật.

Thứ nhất, quy định xử phạt các đối tượng bạo lực gia đình còn khá nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Trừ phi đối tượng gây thương tích mới bị xử phạt hình sự, còn lại là phạt hành chính với mức từ 100 nghìn đồng đến khoảng 2 triệu đồng.

Thứ hai, nhận thức về luật xử lý bạo lực sau ly hôn của cán bộ địa phương nhiều nơi còn chưa vững chắc. Nhiều địa phương vẫn khẳng định, người chồng sau ly hôn trở về quậy phá vợ là hành động quấy rối công cộng, chứ không liên quan đến luật phòng, chống bạo lực gia đình. Nghĩa là cơ quan chức năng địa phương đó chỉ xử lý khi người gây rối thực hiện hành vi của mình một cách rõ ràng như đập phá đồ đạc, đánh người gây thương tích. Còn những lúc chỉ âm ỉ đe dọa tinh thần của vợ, con thì... chưa đến mức phải đặc biệt quan tâm.

Thứ ba, thường các đối tượng “phá cho ôi” liên tục thay đổi chỗ ở nên gây khó trong việc tiếp cận. Đồng thời, sự coi thường, thiếu hiểu biết pháp luật theo kiểu “ta làm rứa coi con nào, thằng nào trị được ta”, và thời gian gây bạo lực kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng nên đó cũng là một lý do để việc xử lý bạo lực sau ly hôn không hề dễ dàng. Nhất là trong tình hình địa phương luôn kêu ca nhiều việc, Trung tâm lại ít người làm với chỉ 3 cán bộ phụ trách.

Đàn ông “quậy” hơn phụ nữ

Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố về tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn Đà Nẵng năm 2013, tổng số vụ bạo lực gia đình được báo cáo là 178 vụ. Trong đó, đối tượng gây bạo lực là nam giới cao gấp gần 35 lần nữ giới! Cụ thể, trong năm ngoái, qua báo cáo có 5 phụ nữ gây bạo lực, trong khi đó, đàn ông “gây chuyện” là 173 người.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.