.

Thuận lòng dân

.

“Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã được các cấp lãnh đạo quận Cẩm Lệ áp dụng vào thực tiễn ở cơ sở. Qua đó, đã tập hợp được sức mạnh đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Một đoạn đường Lê Trọng Tấn được nâng cấp, mở rộng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: V.N
Một đoạn đường Lê Trọng Tấn được nâng cấp, mở rộng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên địa bàn quận Cẩm Lệ. Ảnh: V.N

Thêm một con đường được người dân hiến đất

Những ngày vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại đường Nguyễn Công Hoan (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ). Đây là một trong hai con đường được thảm nhựa sớm nhất ở làng Hòa An xưa. Không khí nơi đây rộn ràng ngày đêm, công nhân chia thành nhiều nhóm để đào mương, lắp đặt hệ thống cống, lắp đặt lề đường, đổ bê-tông... Hai bên đường, nhà nhà đua nhau sửa sang lại nhà cửa, cổng ngõ trong niềm vui rạng ngời.

Ông Lê Văn Trình (tổ 9A, phường Hòa An) ngắm căn nhà 3 tầng của mình trong giai đoạn hoàn thiện, cười hiền từ: “Khi có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng “chung sức” làm lại tuyến đường Nguyễn Công Hoan, bà con ở đây phấn khởi lắm. Riêng tôi, sau khi có thông báo giá đất hỗ trợ, đã chấp hành ngay chủ trương, đập tường rào, cổng ngõ, xây lùi vào bên trong, nhường lại hơn 30 mét vuông đất để mở rộng tuyến đường”. Theo người dân ở đây,  đường Nguyễn Công Hoan vốn là đường đất, dù năm 2001 được thâm nhập nhựa, nhưng không có vỉa hè, cống thoát nước nên xuống cấp rất nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân, mùa mưa nước đọng thành ao, mùa nắng thì bụi mù trời. Các nhà ở hai bên đường hầu như ngày nào cũng cửa chốt then cài.

Bây giờ, dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Công Hoan theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuyến đường dài 1,2km, lòng đường rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 3m, có đầy đủ hệ thống thoát nước, cấp nước, cây xanh, vệ sinh môi trường, điện chiếu sáng… Dự án này có liên quan đến 243 hộ dân, trong đó có 28 hộ phải bàn giao toàn bộ đất và chuyển đến nơi ở mới.

Qua hơn 4 tháng triển khai thực hiện, đến nay, đã có 205 hộ đã bàn giao mặt bằng. Ông Nguyễn Kim Truyện, Bí thư Chi bộ KDC số 5 phường Hòa An vui mừng cho biết: “Chưa thấy dự án nào trên địa bàn phường được nhân dân đồng tình hưởng ứng như dự án đường Nguyễn Công Hoan. Chấp hành chủ trương của thành phố, người dân ở đây đều nhất trí bàn giao mặt bằng để mở rộng, nâng cấp con đường”. Theo ông Truyện, cũng như của nhân dân nơi đây, đường có được mở rộng, nâng cấp thì kinh tế mới phát triển, đồng thời bộ mặt của phường cũng được khang trang hơn. Những hộ dân còn lại chưa bàn giao mặt bằng là do họ chưa nhận được bảng thông báo giá hoặc thông báo giá chưa đúng với thực tế của gia đình. Hiện giờ, những hộ dân này cũng đang trông chờ dự án đẩy nhanh tiến độ.

Kinh nghiệm “dân vận khéo” trên địa bàn quận Cẩm Lệ là tuyên truyền để nhân dân hiểu rằng, việc triển khai thực hiện các dự án là chủ trương lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, đồng thời, bảo đảm giải quyết hài hòa 3 lợi ích: sự phát triển của phường, quận, thành phố; sự hưởng lợi của cả cộng đồng trong và ngoài dự án; những hộ dân được đền bù thỏa đáng và sinh sống ở những khu dân cư mới hơn và khang trang hơn.

Mai Thị Thu, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Cẩm Lệ

Lập tổ vận động để gần dân

Không riêng gì dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Công Hoan, trong những năm qua, quận Cẩm Lệ là một trong những địa phương thực hiện tốt các dự án “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tiêu biểu: Tuyến đường Tôn Đản, sau khi thi công, đường rộng 6m, dài hơn 2,5km. Để thực hiện thành công dự án này, đã có hơn 700 hộ dân hai bên đường hiến 50% giá trị đền bù đất để cải tạo, nâng cấp con đường; tuyến đường Lê Trọng Tấn, có chiều dài 1,576km, lòng đường rộng 10,5m, có liên quan đến 8 thửa đất cơ quan, tổ chức và 238 hộ dân. Theo ông Đặng Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát, chỉ tính toán sơ bộ, để làm được đường Lê Trọng Tấn, người dân đã hiến đất với giá trị không dưới 4,6 tỷ đồng.

Kinh nghiệm ở Cẩm Lệ cho thấy, để công tác vận động nhân dân bảo đảm sự thống nhất, chặt chẽ và thường xuyên, Thường trực Quận ủy chỉ đạo thành lập Tổ vận động của quận; ở phường có các dự án triển khai thì thành lập Tổ vận động phường. Thành viên các tổ vận động này phân công đứng điểm địa bàn từng tổ dân phố, vận động thuyết phục từng hộ, đồng thời giải thích những điều mà nhân dân chưa rõ.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Bí thư Đảng ủy phường Hòa An, kiêm Tổ trưởng Tổ vận động của phường cho hay, công tác vận động nhân dân luôn đòi hỏi những người phụ trách phải kiên trì, bền bỉ, chịu thương, chịu khó. Phải thường xuyên gần gũi với người dân, để giải thích cho họ hiểu về chủ trương, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Từ đó, có những kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan để giải quyết thấu tình, đạt lý các ý kiến của người dân. Cũng theo ông Thức, công tác vận động không phải lúc nào cũng thuận buồm, xuôi gió, nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các hội đoàn thể từ quận đến phường luôn xác định để vận động nhân dân. Đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, vận động từng người một cách thường xuyên, chân tình, đồng hành cùng người dân, có như vậy người dân mới hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, góp phần đem lại hiệu quả cao hơn trong công việc.

Những cách làm như vậy quận Cẩm Lệ cụ thể hóa những quy định của thành phố trong công tác đền bù, bố trí tái định cư bằng những chính sách phù hợp cho từng đối tượng, quan tâm đến lợi ích của người dân đầu tiên, đồng thời thống nhất quan điểm vận động, thuyết phục để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong nhân dân.

Quận Cẩm Lệ là địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, với các phong trào như: “Tiết kiệm 1 ngày đầu xuân”, “Nuôi trâu vàng”, “Tiếp sức phụ nữ nghèo”, “Hũ gạo tiết kiệm”… Hội LHPN quận đã xây dựng mô hình “Địa chỉ hồng”, nhằm đào tạo nghề và tạo việc làm cho gần 500 phụ nữ có việc làm ổn định, với mức thu nhập từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng. 2.770 hộ phụ nữ tham gia góp vốn quay vòng, với số vốn vay trên 10 tỷ đồng; góp phần thoát nghèo bền vững cho 557 hộ phụ nữ với tổng số tiền trên 2,57 tỷ đồng.

 Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, trong 3 năm (2011-2013), Ủy ban MTTQ Việt Nam quận vận động gần 5 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa hàng trăm ngôi nhà cho các hộ nghèo. Trong giai đoạn 2011-2013, quận Cẩm Lệ cũng đã huy động từ các nguồn lực khác với tổng số tiền hơn 124 tỷ đồng, để thực hiện công tác an sinh xã hội và đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn quận.

VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.