.

Cẩm Lệ "đi sau, về trước"

.

Điểm xuất phát là vùng nông nghiệp ven nội thành Đà Nẵng, nhưng qua 10 năm đầu tư phát triển, diện mạo đô thị  quận Cẩm Lệ đã định hình. Đô thị Cẩm Lệ đang trên đà phát triển thần tốc “đi sau, về trước” so với các quận phụ cận, tạo sức lan tỏa đô thị khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Cùng với sự đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, những tuyến phố mới được xây dựng nhà ở khang trang, mở mang kinh doanh dịch vụ.Ảnh: T.T
Cùng với sự đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, những tuyến phố mới được xây dựng nhà ở khang trang, mở mang kinh doanh dịch vụ.Ảnh: T.T

Dáng dấp đô thị mới

Từ vùng rốn lũ của thành phố, nay Hòa Xuân đã là khu đô thị mới. Phường thuần nông của quận Cẩm Lệ đã có tên đường, tên phố. Những khu dân cư mới với nhiều nhà cao tầng, hạ tầng đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ. Đô thị hóa đã đưa phường nông nghiệp Hòa Xuân lên phường đô thị khi có sự chuyển dịch về cơ cấu phát triển kinh tế. Hiện, Hòa Xuân có trên 90 doanh nghiệp hoạt động sản xuất với các ngành nghề cơ khí, may mặc, mộc, sản xuất vật liệu xây dựng… Hòa Xuân cũng có gần 300 hộ kinh doanh cá thể về dịch vụ vận tải, kinh doanh vật liệu xây dựng… Sự đầu tư phát triển đô thị ở phường Hòa Xuân đã làm thay đổi đối với 4.500 hộ dân.

Sự phát triển đô thị ở quận Cẩm Lệ cũng được triển khai ở các phường Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa Phát và Hòa An.

Mười năm trước, quận Cẩm Lệ có trên 70% diện tích đất nông nghiệp nhưng nay đã trở thành quận đô thị. Qua nguồn vốn đầu tư của thành phố, các dự án phát triển khu dân cư mới đã tạo nên diện mạo đô thị mới cho Cẩm Lệ. Đến nay, quận Cẩm Lệ phát triển được gần 17.500 nền đất ở và hiện có trên 15.000 hộ dân trong diện giải tỏa đền bù tiếp nhận quỹ đất đô thị để làm nhà ở mới. Ở khu vực trung tâm quận Cẩm Lệ, tại phường Hòa Thọ Đông những khu nhà chung cư cao tầng đã làm cho không gian kiến trúc đô thị có thêm tính hiện đại. Từ vùng nông thôn Hòa Châu, huyện Hòa Vang bước sang khỏi cầu Đỏ là đi ngay vào phố thị.

Đi cùng với sự phát triển đất ở đô thị là sự đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đổi thay ở Cẩm Lệ, điều dễ nhận thấy là nhiều khu dân cư mới hay ở khu vực chỉnh trang đô thị đều phát triển mạnh mẽ về hoạt động kinh doanh thương mại-dịch vụ như các khu dân cư ven đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Huy Tưởng, Phong Bắc; khu phố chợ Khuê Trung… Nhiều khu phố thương mại ven đường Nguyễn Hữu Thọ, Ông Ích Đường, Cách mạng Tháng Tám, Yên Thế, Bắc Sơn, Tôn Đản, Trường Chinh, Trường Sa…

Hạ tầng giao thông đô thị ở Cẩm Lệ ngày đầu thành lập quận dựa vào các tuyến đường giao thông liên vùng như quốc lộ 1A, 14B, Cách mạng Tháng Tám thì nay quận Cẩm Lệ đã hoàn thiện trên 300km đường nội thị cùng hàng trăm km đường kiệt, hẻm được bê-tông hóa bảo đảm cho việc đi lại của người dân. Hạ tầng cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, vệ sinh môi trường đều đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Từ thành tựu trong phát triển đô thị, quận Cẩm Lệ tạo nên những tấm “bản lề” chắc chắn, mở ra tiếp những khu đô thị mới về phía nam quận Ngũ Hành Sơn và phía tây nam giáp với huyện Hòa Vang trong quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng.

Sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Nguồn lực đầu tư từ ngân sách thành phố về phát triển hạ tầng đô thị để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội cũng dịch chuyển về quận Cẩm Lệ. Quận Cẩm Lệ đang thể hiện được vai trò đô thị trung tâm với công trình Trung tâm hội chợ- triển lãm quốc tế, Khu liên hợp TDTT tại phương Hòa Xuân, Công viên Thanh Niên… Các trục giao thông đã được hoàn thiện tạo thêm sức bật cho sự phát triển đô thị ở Cẩm Lệ khi các cây cầu: Cẩm Lệ, Khuê Trung, Hòa Xuân nối nhịp đôi bờ sông Cẩm Lệ. Các tuyến đường giao thông xuyên Á, quốc lộ và giao thông nội thị được nâng cấp và đầu tư mới. Trong đó, dự án nút giao thông ngã ba Huế vừa kết nối hạ tầng vừa vực lên tốc lực phát triển đô thị có tính liên kết, liên hoàn giữa 3 quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Thanh Khê.

Theo nghiên cứu gần đây của Tập đoàn bất động sản (BĐS) Savills Việt Nam, khu vực đô thị quận Cẩm Lệ là thị trường mới nổi về chỉ số giá trị gia tăng ở lĩnh vực BĐS. Sự gia tăng này dựa vào các chỉ số đầu tư phát triển khi mà quận Cẩm Lệ đã có trên 75 dự án phát triển đô thị khu dân cư mới, trong đó có trên 90% dự án đã hoàn thiện về cơ sở hạ tầng. Từ đây làm nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp như Khu công nghiệp Hòa Cầm, thu hút đầu tư vào hoạt động thương mại-dịch vụ.

Việc hình thành các khu đô thị mới trải rộng trên địa bàn quận Cẩm Lệ cũng tạo nên sức hấp dẫn về đầu tư BĐS nhà ở, BĐS du lịch của các doanh nghiệp. Những dự án khu đô thị do doanh nghiệp đầu tư ở quận Cẩm Lệ làm nên hình mẫu về phát triển của đô thị Đà Nẵng về loại hình khu đô thị sinh thái, đô thị tiện ích. Bước sang những nhịp cầu Hòa Xuân hoặc Khuê Trung sẽ gặp ngay chuỗi đô thị sinh thái Hòa Xuân, Đảo Nổi-Đồng Nò với quy mô dự án trên 500ha. Đây là những dự án phát triển du lịch sinh thái có tiềm năng và đang được nhà đầu tư triển khai thi công.

Men theo hướng đông-tây phía bờ bắc sông Cẩm Lệ, sông Yên là các dự án khu đô thị ven sông Tuyên Sơn-Túy Loan. Phía tây bắc quận Cẩm Lệ có khu đô thị Phước Lý được nhận định “phố mới trong lòng đô thị”. Khu đô thị Phước Lý cũng thực sự đặt dấu mốc cho thành tựu 10 năm đầu tư phát triển đô thị ở quận Cẩm Lệ.

“Thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của quận Cẩm Lệ trong suốt 10 năm qua là đầu tư phát triển đô thị. Các khu đô thị mới ở quận Cẩm Lệ đang gắn kết với các quận lân cận tạo nên sự lan tỏa của chuỗi đô thị khu vực trung tâm nội thành, góp phần cho mục tiêu phát triển chung của thành phố Đà Nẵng”.

(Ông Hồ Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ)

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.