.

Những Thủ Thiệm của Đà Nẵng

.

Ngày trước xứ Quảng có Thủ Thiệm, một nhân vật văn hóa dân gian độc đáo, chuyên chọc thiên hạ bằng tiếng cười châm biếm, đả kích. Ít ai biết rằng trên đất Đà Nẵng cũng có một số nhân vật có thể xếp chung chiếu với “vua chuyện cười” xứ Quảng này.

Đình Yến Nê được cho là nơi ông Chánh Nam thường làm cho chức sắc trong làng phải  “bẽ mặt”. Ảnh: V.T.L
Đình Yến Nê được cho là nơi ông Chánh Nam thường làm cho chức sắc trong làng phải “bẽ mặt”. Ảnh: V.T.L

Qua những chuyến đi điền dã về một số vùng quê của huyện Hòa Vang, mới thấy đây đó có những nhân vật dân gian nổi tiếng một vùng, lâu nay ẩn giấu sau đời sống thường nhật của người dân. Có thể nói đó là những “thỏi vàng thô”, cần lắm sự “tinh luyện” của những nhà nghiên cứu văn hóa trước khi mọi sự trở nên muộn màng.

Chánh Nam số một

Đó là nhìn nhận của người dân xã Hòa Tiến nói chung, làng Yến Nê nói riêng về ông Nguyễn Di, tục gọi Chánh Nam, người được mệnh danh là “Thủ Thiệm của Yến Nê”. Ông Nguyễn Thanh Tân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy huyện Hòa Vang, gọi ông Chánh Nam bằng bác, ước tính nếu ông này còn sống cũng cỡ trên 110 tuổi.

Chánh Nam nổi tiếng từ lúc chưa thành niên. Khi nhỏ ông tên Chuột, 4 tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà ngoại. Lần nọ, thấy người anh bà con tới mời ông bà đi ăn giỗ mà không nói với mình một tiếng, Chuột ta buồn lắm, mình đã là thanh niên rồi mà họ coi như con nít, bèn lẻn lấy áo dài khăn đóng của ông ngoại mặc vô làm người lớn, đường hoàng đi quanh khắp làng.

Đến ngày giỗ, cả làng kéo đến nườm nượp, lạ một điều là không một lần mà chia ra làm nhiều đợt. Người anh vừa toát mồ hôi lo đãi đằng chưa xong đợt trước thì đợt sau khách đã chen chân đến tiếp. Trong nhà mọi đồ ăn thức uống chuẩn bị đều hết sạch chỉ sau 2 đợt khách. Đến xế trưa thì gà qué, măng tre, rau củ… trong vườn nhà sạch sành sanh, không biết lấy chi đãi khách. Người anh ôm đầu nghĩ mãi không ra, bỗng thấy một anh nghe nói là đang xuống giống, bận lắm mà sao cũng đến, bèn hỏi: Ủa, chú Tư, rảnh hay răng mà tới thắp hương rứa hè? Rảnh chi, anh tên Tư đáp, tui đang túi bụi ngoài đồng thì thằng Chuột tới, nói là anh nhờ nó đi mời đám giỗ, nếu tui có bận thì 3 giờ chiều tới cũng được.

Hỏi thêm mấy người nữa, biết chắc ai là “tác giả” của vụ chơi ngẵng này, người anh giận quá, bỏ đám giữa chừng, hằm hè vác cây chống cửa chạy đi tìm Chuột đánh một trận cho bõ tức. Biết trước sau làm chi cũng ra cớ sự này, Chuột bỏ đi biệt 3 - 4 ngày, sau ông ngoại tới xin lỗi người anh, mới dám mò về.
Sau cái “tác phẩm đầu tay” đó, Chánh Nam bỗng dưng trở thành… hotboy! Ông “sáng tác” nhiều chuyện tày đình, mấy cụ cao niên trong làng ngày đó mỗi khi nhắc đến ông đều tặc lưỡi: Cái thằng như Thủ Thiệm!

Hôm nọ cúng đình, Chánh Nam cũng khăn áo chỉnh tề tới dâng lễ, viếng hương. Mọi người xởi lởi hỏi chuyện rồi thách đố: Ngày thường ông nói láo giỏi quá chừng, chừ ngay giữa đình mà nói láo làm răng cho tụi tui tin thì mới thiệt là giỏi. Chánh Nam mặt ra vẻ tiếc nuối: Bữa khác đi, bữa ni không được. Làng hỏi: Răng rứa? Ông thủng thẳng trả lời: Thì bữa ni Bàu Thị họ xổ đồng, chừ phải về gấp vác cái nơm đi úp kiếm ít cá về cho con nó ăn. Xong, ông tháo cái khăn đóng trên đầu xuống, tròng vô cánh tay rồi tót về.

Bàu Thị nay thuộc thôn La Châu (trên) xã Hòa Khương, tiếp giáp với xã Hòa Tiến, ngày trước nổi tiếng cá nhiều và ngon, mỗi năm người ta tổ chức xổ đồng (tát nước ra đồng để bắt cá) một lần.

Chánh Nam về rồi, cả làng không ai nói với ai, nhưng trong bụng đều lo ăn qua quýt cho qua bữa rồi lũ lượt ra về, thủ mỗi người một dụng cụ bắt cá và nhắm Bàu Thị… thẳng tiến!

Đến đây thì độc giả ngày nay ai cũng đoán biết được cái kết câu chuyện. Chánh Nam nằm khoèo ở nhà đánh một giấc. Cả làng lội bộ gần 3 cây số với lỉnh kỉnh đồ đoàn, mồ hôi con mồ hôi cha ướt đẫm giữa trưa hè mà Bàu Thị thì tịnh không một bóng người; vừa tức lại vừa cười thầm, cắn răng quay về không nói một tiếng, sợ lòi cái nhẹ dạ cả tin của mình ra!

Từ chơi chữ tới chơi mẹo

Làng Yến Nê, xếp sau Chánh Nam là Thủ Xân. Ông này tên thiệt là Nguyễn Phú Pháo, có con đầu tên là Xân, từng làm chức thủ (thủ sắc, thủ bổn…) trong làng nên gọi là Thủ Xân, nếu còn sống cũng đã trên 100 tuổi.

Ông Năm Chén (tên thật là Nguyễn Phú Chính) tuổi Giáp Tuất, năm nay 81, gọi ông Thủ Xân là chú thúc bá, còn nhớ được rất nhiều chuyện về người chú độc đáo của mình, chuyện Hay về chiều dưới đây là một ví dụ.

Thủ Xân có lần đi làm mướn. Hôm đó một bà địa chủ trong làng kêu một đám thợ đến nhổ mộng để kịp sáng hôm sau cấy lúa. Công việc quá gấp, tới trưa bà chủ nóng ruột ra xem thì thấy chưa được phân nửa, mới than rằng: Kiểu ni làm răng mai đủ mộng cho thợ cấy hè?

Thủ Xân đại diện đám thợ trả lời: Thưa bà, tụi tui làm dở buổi sáng chứ làm hay về chiều.

Bà chủ nghe thế, yên tâm, cho thợ ăn trưa chu đáo hơn để lấy sức chiều làm việc. Ăn xong, cả bọn tản ra đi ngủ hết. Xế trưa, bà chủ thấy không ai tới, bèn lật đật chạy tìm Thủ Xân. Ông đang “khò” một giấc dưới tán cây bên bờ ruộng, nghe gọi, mắt nhắm mắt mở trả lời: “Tui đã nói rõ ràng với bà là tụi tui làm hay về chiều, tức là buổi chiều hay về nhà. Bà nghe không kịp thì đừng mắng tụi tui”.

Bà chủ cứng họng, biết mình bị Thủ Xân chơi xỏ, nhưng cũng cố vớt vát: Thôi thì ông gắng giúp nhổ giùm tui đi. Ông than: Cả đám còn làm không xong, mình tui răng làm nổi. Nói rồi, ông ngả người xuống vạt cỏ, tiếp tục “khò”!

Ở làng Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, ông Ba Tăng lại khiến cho mọi người biết đến mình bằng cách chơi... mẹo.

Hôm đó, Ba Tăng ghé vào một nhà bên đường xin miếng nước, thấy tuốt tuồn tuột từ trước ra sau không có thứ gì ra hồn. Hỏi ra, chủ nhà thuộc loại nghèo nhất làng. Ông muốn giúp, bèn ghé tai chủ nhà nói nhỏ phải làm như ri, như ri…

Một lát sau, cả xóm nghe tiếng la làng, xúm tới mới hay anh nghèo rớt mồng tơi này ôm bụng quằn quại như sắp chết. Mọi người chưa biết xoay xở ra sao thì bất đồ một ông khách tạt qua, hỏi han cớ sự rồi bảo: Yên tâm, tui có thuốc gia truyền đây. Nói rồi, khách mở tay nải lôi ra một cái răng bừa dùng lâu ngày mòn lẳn, đem mài với nước cho uống. Lạ lùng thay, anh ta tươi tỉnh trở lại ngay. Cả xóm thấy thuốc hay quá, nài nỉ “ông thầy” để cho mỗi người một ít. Ông chặt răng bừa ra từng khúc ngắn bán hết rồi dặn dò: Cái bệnh này một triệu người mới bị một người, thuốc đó bà con cứ cất, chừ không dùng tới thì cháu chắt nó dùng. “Ông thầy” đó chính là Ba Tăng, bao nhiêu tiền thu được, ông cho hết anh chủ nhà.

Ba Tăng tên thiệt là Nguyễn Hựu, còn sống cũng trên 110 tuổi. Ông Xã Lệ (tên thiệt là Huỳnh Tán), năm nay 93 tuổi, từng là học trò ông Bốn Cẩm, em ruột ông Ba Tăng, kể rằng: Không biết ông Ba Tăng làm chi mà quen biết rộng lắm, có đem về một bó giấy, toàn là đơn xin chức bát phẩm, cửu phẩm của nhiều người từ Hòa Vang vô tuốt tới Thăng Bình.

Đãi cát tìm vàng

Nghe qua những chuyện thấp thoáng cái dí dỏm, hài hước của các nhân vật như Thủ Thiệm (Quảng Nam), Ba Giai - Tú Xuất, Trạng Quỳnh (đất Bắc Hà), Ba Phi (Nam Bộ)… trên đây, mới hay vùng đất Đà Nẵng còn tiềm ẩn nhiều giá trị văn hóa - văn nghệ dân gian chưa khai thác hết. Có thể nói đó là những “thỏi vàng thô”, cần lắm sự “tinh luyện” của những nhà nghiên cứu văn hóa trước khi mọi sự trở nên muộn màng.

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ biến mất. Với Đà Nẵng, nơi diễn ra quá nhanh quá trình đô thị hóa, càng sớm “đãi cát tìm vàng” càng nhiều hy vọng trong việc “cứu hộ” những tinh túy văn hóa trong đời sống dân gian.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.