.

Ngôn ngữ giới trẻ thời @

.

Với những câu nói cửa miệng có vần của giới trẻ hiện nay, nhiều người tỏ ý lo ngại rằng những thành ngữ kiểu này sẽ “phá nát” tính trong sáng của thành ngữ truyền thống. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc hội thảo về ngôn ngữ học, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, ngôn ngữ giới trẻ thời @ là một phần của cuộc sống dân gian hiện đại.

Một trong những “thành ngữ sành điệu” trong tập sách Phê như con tê tê của họa sĩ Thành Phong.
Một trong những “thành ngữ sành điệu” trong tập sách Phê như con tê tê của họa sĩ Thành Phong.

Thành ngữ mang hơi thở cuộc sống

Khó có thể khẳng định thành ngữ thời @ xuất hiện chính xác từ bao giờ nhưng chắc chắn là sau khi Internet trở nên phổ biến ở nước ta; xuất phát từ nhu cầu nói nhanh, bấm phím điện thoại nhanh, nói ít lời mà nhiều nghĩa, nói có vần cho dễ nhớ, không cầu kỳ, đúng lý, đúng nghĩa... Giới trẻ đã và đang tự tạo ra thứ ngôn ngữ “đặc chủng”, mượn lại sự hiệp vần của thành ngữ truyền thống kết hợp với hơi thở thời đại để cho ra đời những câu thành ngữ vui, gần gũi với cuộc sống đời thường.

Có một sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng một lần về nhà bạn ở xã Hòa Tiến chơi, thấy quả cà chua màu xanh lủng lẳng trên giàn, thấy dây khoai lang bò ngang dọc trên luống cứ tròn xoe mắt hỏi “trái chi, cỏ chi”. Tưởng cô đùa, nhưng lại thiệt! Cô sinh viên này ở phố suốt, chỉ thấy cà chua chín màu đỏ, dây khoai lang thì lại tưởng một loại cỏ! Với cô, mọi sự chừng như lạ lẫm, quả cà chua xanh mà cô còn chưa biết thì làm sao biết đến con nhái để hiểu nghĩa của thành ngữ truyền thống (sợ đến nỗi) mặt xanh như đít nhái?! Trong trường hợp này, thành ngữ kiểu mới xanh như nồi canh là gần gũi, dễ hiểu hơn nhiều. Chủ nhật tuần trước, “Nữ hoàng đi bộ” Nguyễn Thị Thanh Phúc sau khi xuống sân bay ở nước ngoài để bắt đầu đợt tập huấn, đã nhắn tin về cho bạn: Tới nơi mặt xanh như nồi canh!

Tháng 8-2011, họa sĩ Thành Phong cho ra đời tập sách có tên “Sát thủ đầu mưng mủ”, tập hợp những “thành ngữ sành điệu” đã được giới trẻ dùng làm câu nói “cửa miệng”. Sách, tuy được đa số giới trẻ ủng hộ nhưng đã làm “dậy” lên một làn sóng phản đối trong dư luận. Nhóm tác giả cùng đơn vị xuất bản sách, sau một thời gian dài lắng nghe mọi ý kiến, nhất là những góp ý trực tiếp của một số chuyên gia ngôn ngữ, giáo dục, đặc biệt là sau Tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @” tổ chức ngày 29-3-2012 do Trung tâm Văn hóa Pháp và Công ty Nhã Nam phối hợp thực hiện, đã có những thay đổi tích cực. Toàn bộ danh mục các thành ngữ có minh hoạ trong Sát thủ đầu mưng mủ đã được rà soát lại,… Tên của cuốn sách cũng được thay đổi thành Phê như con tê tê để phù hợp với nội dung hơn. Chính động thái này đã cho thấy, thành ngữ kiểu mới đang dần được xã hội chấp nhận.

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn 26-3 năm nay, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giới thiệu kèm theo tranh vẽ minh họa 20 câu thành ngữ thời @ gắn liền với các thông điệp đầy ý nghĩa về giá trị sống. Hy vọng, những câu thành ngữ vui này sẽ được giới trẻ yêu thích, ghi nhớ: Gặp khó đừng có kêu ca; Trung thực dù đời cơ cực; Sống nhân ái đời không tê tái; Muốn bớt cực nhọc bây giờ phải học; Dám làm chứ đừng càm ràm…

Nhiều chuyên gia ngôn ngữ đồng tình

Khi mới xuất hiện, thành ngữ kiểu mới khiến nhiều người lo giới trẻ đang dần đánh mất những giá trị của ngôn ngữ truyền thống. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng bênh vực giới trẻ bằng cách đưa ra những đánh giá thuyết phục dư luận.

PGS, TS ngôn ngữ học Phạm Xuân Tình từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng, ngôn ngữ là sản phẩm của dân gian, có cơ chế tự chọn lọc của riêng nó. Thời gian sẽ “gạn đục khơi trong”, những yếu tố tích cực sẽ được giữ lại và thừa nhận rộng rãi. Nếu các bạn trẻ dùng quen sẽ trở thành ngôn ngữ đại trà và chúng ta cũng nên chấp nhận mở rộng tiếng Việt ở một biên độ nhất định để tạo nên tiếng Việt phong phú hơn. Hơn thế nữa, “chuẩn ngôn ngữ” không có nghĩa là bất biến mà sẽ biến thiên theo thời gian và hoàn cảnh xã hội. Thế nên mọi người không nên lấy yếu tố cũ để đánh giá ngôn ngữ tuổi teen là “lệch chuẩn”.

Với các câu: Đâu có đó, thịt chó có mắm tôm; Đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm; Ế trong tư thế ngẩng cao đầu; Không phải chú dốt chỉ vì mẹ chú quên cho i-ốt vào canh; Nhan sắc có hạn thủ đoạn vô biên; Sống đơn giản cho đời thanh thản…, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, thành ngữ giới trẻ hiện nay có xuất phát từ đặc điểm sâu xa của ngôn ngữ tiếng Việt, đó là khả năng hiệp vần, hoàn toàn chỉ nhằm mục đích vui thú bởi sự hiệp vần đôi khi không có chút ý nghĩa nào. Do đó, ông  khẳng định thành ngữ thời @ cũng có những đóng góp nhất định cho tiếng Việt.

Trò chuyện với một vài bạn trẻ thuộc lứa tuổi 8X, 9X, hầu như các bạn đều cho rằng, các câu thành ngữ kiểu mới như: Nhục như con cá nục; Bực như con mực; Chuẩn không cần chỉnh; ăn chơi sợ gì mưa rơi… đã trở thành lời ăn tiếng nói hằng ngày và nó không hề làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt như nhiều người nghi ngại. Yến Nhi (sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng) nói: “Mình nghĩ những thành ngữ này là những câu nói vui có vần có điệu, hình ảnh liên tưởng gần gũi, dễ nhớ, chỉ nghe qua một lần là thuộc nên được giới trẻ ưa thích. Nhóm mình mỗi lần tụ tập cũng sáng tác ra được thêm nhiều câu thành ngữ mới, nghe rất vui. Tụi mình chưa bao giờ sử dụng những câu thành ngữ này vào các bài văn hay thuyết trình vì mình biết nó chỉ là ngôn ngữ giao tiếp thôi”.

Tiếng Việt ở mọi thời đều nảy sinh những quán ngữ, thành ngữ mới như: Mút mùa Lệ Thủy; Mút chỉ cà tha; Tan nát đời cô Lựu: Tệ hơn vợ thằng Đậu; Khổ như con hổ; Hơi bị đẹp,… Đó là cách người Việt tạo ra quán ngữ, thành ngữ mới. Kỹ thuật ở đây là chơi chữ, tức dựa vào sự đồng âm, đồng nghĩa, liên tưởng để diễn đạt một ý nghĩ nào đó một cách châm biếm hoặc hài hước.

TS LÝ TÙNG HIẾU - phụ trách môn Văn hóa Việt Nam qua ngôn ngữ,  ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.