.

Lời mới trên làn điệu cũ

.

Đến nay chưa có ai thống kê xem có bao nhiêu bài hát được sử dụng trong hát bài chòi, một bộ môn nghệ thuật dân gian được đánh giá là đậm hơi thở cuộc sống nhất của người dân Khu 5. Theo thời gian, kho tàng bài chòi ngày càng được bổ sung. Những vấn đề của đời sống xã hội như an toàn giao thông, chống tệ nạn xã hội… được đưa vào bài chòi, có tính tuyên truyền rất cao.

Ông Trần Nhật Bằng, một “cây bút chuyên nghiệp” sáng tác bài chòi và dân ca Khu 5 ở Đà Nẵng.Ảnh: V.T.L
Ông Trần Nhật Bằng, một “cây bút chuyên nghiệp” sáng tác bài chòi và dân ca Khu 5 ở Đà Nẵng.Ảnh: V.T.L

Ham mê bài chòi

Khi “Đôi ta là lính giữ Chùa” đoạt giải phong cách trong một cuộc thi tìm hiểu về công đoàn của quận Ngũ Hành Sơn tháng 5 vừa qua, những người “làm nên chuyện” ở Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn rất vui. Bởi khi quyết định chọn thể loại bài chòi để trình diễn, mỗi người phải nỗ lực hết mình vì bài chòi không dễ hát, và lời hát cũng phải soạn làm sao để khái quát được công việc của nhân viên khu danh thắng gắn với vai trò của người đoàn viên công đoàn.

Phần soạn lời hát bài chòi “Đôi ta là lính giữ Chùa” được một người dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Trần Nhật Bằng, nguyên Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn chấp bút. Lời hát ca ngợi khu danh thắng Ngũ Hành Sơn lồng vào trách nhiệm của người công nhân, viên chức. Bài hát được hoàn thiện thêm khi ông Phan Bân, một thành viên lâu năm của Ban quản lý Khu du lịch (nay đã về hưu) bổ sung thêm phần trách nhiệm của nhân viên Ban quản lý và các chỉ thị về trật tự an ninh văn hóa du lịch Ngũ Hành Sơn, về kỷ cương hành chính, thể hiện phong cách trào phúng, ghẹo tình giữa hai người nam và người nữ.

Hãy xem một đoạn trong tổ khúc này mới biết để đưa được các chỉ thị, trách nhiệm của người đoàn viên công đoàn vào một thể loại dân ca không phải dễ. (Nam): Con âm ầm ta nâng tầm trách nhiệm/Ngũ Hành Sơn là tuyến điểm tham quan (Nữ): Điểm tham quan thì phải cần ngăn chặn/Nạn cò mồi, bu bám, bán bưng… (Nam): Đón khách thì phải chào mừng/Văn minh, lịch sự em đừng có quên/Chữ yêu em để tặng anh/Chữ cần, chữ kiệm em dành cho nữ công…

Ông Phan Bân nhấn mạnh, có lẽ hội bài chòi diễn ra tại lễ hội Quán Thế Âm, danh thắng Ngũ Hành Sơn hằng năm đã giúp cho những người gắn bó với khu danh thắng, với mảnh đất này nhiều năm thẩm thấu được các giai điệu của bài chòi, nên bắt nhịp nhanh để giới thiệu về mình, gắn với trách nhiệm của từng con người trong khu danh thắng. Có thể đây là cơ sở để nhiều bài hát về Ngũ Hành Sơn được thể hiện qua dân ca bài chòi được sáng tác, trình diễn với công chúng tại các dịp lễ hội.

Ông Đặng Đường, một “chủ xị” bài chòi ở quận Liên Chiểu nhiều năm qua lặn lội đi đến nhiều nơi, gặp những người già để sưu tầm các bài hát biểu diễn trong bài chòi. Hiện nay nhiều trường phổ thông cũng đưa bài chòi vào chương trình lễ hội văn hóa dân gian, thế là ông Đặng Đường một phần sưu tầm, một phần sáng tác những bài về học trò, hay các câu chúc vè trường, về các thầy, cô. Hiện, ông Đường có ý định khôi phục gánh bài chòi làng Hòa Mỹ và Hòa Hiệp, giúp nó trở nên chuyên nghiệp hơn, có thể đi biểu diễn ở nhiều nơi chứ không chỉ riêng phục vụ dịp Tết hay lễ hội cầu ngư.

Bài chòi trở thành “diễn đàn văn nghệ”

Hát bài chòi hiện nay trở thành “diễn đàn văn nghệ” rất quan trọng ở nhiều địa phương và các ban, ngành, bởi hiệu ứng của nó rất lớn, có tác dụng phê phán những thói hư tật xấu, ca ngợi những nét đẹp, cái hay trong xã hội. Và dù mang tính tuyên truyền cao, bài chòi vẫn không mất đi bản sắc, được rất nhiều người yêu chuộng.

Ông Trần Nhật Bằng hiện ở tổ 21 phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, từ năm 1976 đến 1983 gắn với công tác văn hóa ở Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang và thêm 16 năm sau đó làm Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, được giao phụ trách mảng văn hóa-xã hội. Văn hóa dân gian khu V và việc sáng tác lời dân ca như “ngấm” vào máu của ông. Đặc biệt là gần 15 năm nay ông về nghỉ hưu, càng có thêm nhiều thời gian để vui, buồn với từng câu hát. Có lẽ mảnh đất quê hương Hòa Tiến, cái nôi dân ca xứ Quảng, giúp ông dễ dàng đặt lời cho thể loại bài chòi cũng như gieo hạt dân ca. Ông bảo, “bài chòi dễ viết nhưng mà khó hay”, đặc biệt là viết lời mới trên làn điệu cũ như điệu hò Quảng, điệu Xuân nữ, Nam xuân…, soạn lời cho đơn ca dễ hơn, còn tam ca thì cần lời lẽ rộn ràng, có tính trào phúng. Với mỗi con bài ông Bằng thường soạn 3 lời, để tạo được tính hấp dẫn trong quá trình chơi.

Ngoài ông Trần Nhật Bằng, ở Đà Nẵng hiện có ông Hữu Mai (ở xã Hòa Liên), ông Đỗ Hữu Quế (Chủ nhiệm CLB Bài chòi sông Yên xã Hòa Phong), ông Nguyễn Thúc Dũng (Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang)… chuyên sáng tác lời bài chòi. Mỗi người có những phong cách khác nhau, ca từ khác nhau, dù cùng sáng tác một chủ đề, giúp cho kho tàng lời dân ca bài chòi ngày càng lớn.

Sau đây xin trích bài “Tam quăn” của ông Hữu Mai (theo điệu Xàng xê) như thế này: Một thương em lái mô tô/Đội mũ bảo hiểm nét son mặn mà/Hai thương cảnh sát kiểm tra/Em có bằng lái rõ ràng chứng minh/Ba thương xe máy mới tinh/Có gương chiếu hậu, có đèn xi nhan/Văn minh đô thị đành rành/Ba thương gộp lại đã thành Tam quăn. Còn bài “Tam quăn” của ông Nhật Bằng: Một quen ăn bát bánh bò/Bánh mì một ổ mới no bụng người/Hai quen ngồi quán ăn hàng/Tam quăn bỏ mép cả làng chẳng ưa.

Bài chòi, mang những đặc tính của trò chơi, nghĩa là phải thật sự hồn nhiên, hài hước. Những bài hát được sáng tác mang tính phê phán hay tuyên truyền, đều đạt được tính chất này; giúp cho những bài chòi mới ra đời gần đây vẫn hấp dẫn người nghe, người xem. Trước đây lời hô bài chòi do những “anh hiệu” nghĩ ra, thì nay bài chòi có những người sáng tác chuyên nghiệp, mỗi chiếu bài chòi là những cuộc “trình diễn thơ” độc đáo, thể hiện tư chất của từng “nhà thơ” trong việc thu hút công chúng. Những bài chòi mới dù có thể được trình diễn tại một hội thi, nhưng nó vẫn có sức sống trong những lần gánh bài chòi diễn xướng.

Những người sáng tác lời bài chòi cho biết, bài chòi có đủ các tính chất vui buồn, giận hờn, oán trách… Thuật ngữ điệu tính chia ra nhiều giọng điệu: hơi Xuân, hơi Ai, hơi Oán, hơi Quảng và còn có cả hơi Đảo nữa… để chỉ rõ tính chất âm nhạc của từng điệu hát. Vậy nên khi viết lời mới cho một làn điệu, bài bản nào, thì phần lời phải phù hợp với tính chất âm nhạc của bài bản, làn điệu đó, hiệu quả nghệ thuật mới đạt được cao hơn. Điệu hát buồn lời hát phải buồn. Điệu hát vui lời hát phải vui… người sáng tác lời mới cũng không thể làm khác được…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.