.

Lê Hữu Khánh Hậu hiền làng Mỹ Thị

.

Là một vị quan có tấm lòng thương dân, thời vua Tự Đức chứng kiến cảnh dân làng Mỹ Thị sống bấp bênh, khốn khó, ông làm sớ trình lên triều đình cắt đất hoang nhượng cho nơi đây làm đất cày cấy, giải quyết nạn đói, sau khi mất ông được tôn là Hậu hiền của làng.

Đường Lê Hữu Khánh giao nhau với đường Nghiêm Xuân Yêm. Ảnh: V.Đ.P
Đường Lê Hữu Khánh giao nhau với đường Nghiêm Xuân Yêm. Ảnh: V.Đ.P

Lê Hữu Khánh (1850-1941) còn có tên gọi khác là Lê Văn Hiển, tự là Hàm Trung; quê ở làng Mỹ Thị, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Ông sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc, là cháu của Triệu Quận công Lê Hào, là thân phụ của hai nhà chí sĩ yêu nước Lê Châu Hàn - tức Lê Cảnh Thái (1885-1934), Lê Cảnh Vận - tức Lê Cảnh Thông (1895-1964), là những yếu nhân của cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916 do Thái Phiên và Trần Cao Vân khởi xướng và lãnh đạo nhằm đánh đuổi thực dân Pháp. Các con của ông là những tấm gương yêu nước, bất khuất của quê hương xứ Quảng. Tuy ông không tham gia trực tiếp vào cuộc khởi nghĩa này nhưng ông là người ủng hộ bí mật lực lượng khởi nghĩa bằng cách tuyên truyền, che chở cho các con và các thủ lĩnh khởi nghĩa là Thái Phiên, Trần Cao Vân hoạt động tại Huế. Chính Thái Phiên đã dùng ngôi nhà của ông làm nơi liên lạc, hội nghị bàn định kế hoạch khởi nghĩa trong đêm ngày 3 rạng sáng 4-5-1916 của Việt Nam Quang Phục hội, ngôi nhà đó nằm ở vùng Phủ Cam, ngay gần bờ con sông nhỏ chảy từ sông Hương đến An Cựu, Huế.

Ông làm quan trải qua các đời vua Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân. Khi còn làm quan, ông được triều đình giao giữ nhiều chức vụ khác nhau như: Hàn lâm Viện Kiểm thảo, Hàn lâm Viện Thị giảng, Phó đô Ngự sử, Hàn lâm Thị độc Học sĩ, Thiên đô Ngự sử, Quang lộc Tự khanh, Triều liệt đại phu. Người thời bấy giờ quen gọi ông là Quan Thị Hiển.

Có thời gian, ông là thầy dạy học các vua Thành Thái, Duy Tân, nên ông là một trong những đầu mối để Thái Phiên và Trần Cao Vân tiếp cận với vị vua trẻ yêu nước này.

Ông là người có tấm lòng yêu quê hương, thương người dân quê sống trong cảnh nghèo nàn cơ cực và tìm cách giúp dân thoát cảnh sống đói nghèo đó. Khi làm quan thời Tự Đức, nhận thấy dân làng chài Mỹ Thị sống bấp bênh, khốn khó do chỉ có nghề làm chài, bám biển, không có ruộng đất. Bám biển những ngày tháng không có sóng to gió lớn, còn lại những ngày biển động phải ngồi ở nhà, tính ra hằng năm chỉ có 6 tháng là tạm đủ ăn, còn 6 tháng còn lại thiếu ăn, đói khổ vì không đi biển được. Chính vì vậy, ông làm tờ sớ trình lên triều đình nêu rõ cảnh cơ cực của người dân. Triều đình Huế tấu trình và vua Tự Đức đồng ý cắt 32 mẫu ruộng sâu của làng Khuê Bắc, 30 mẫu hoang nhàn bạch sa của làng Mỹ Khê, 20 mẫu đất hoang nhượng của làng An Hải cho làng Mỹ Thị làm đất cày cấy, giải quyết nạn đói hằng năm. Ông cũng chủ trương và huy động dân đắp đê ngăn mặn, biến những đồng ruộng chua mặn trở thành đất canh tác thuận lợi.

Ông qua đời ngày 18  năm Tân Tỵ (1941) tại quê nhà, thọ 91 tuổi, mộ phần của ông hiện nay vẫn còn tại nghĩa trang Lê tộc Mỹ Thị, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Sau khi ông mất, nhằm đền đáp công ơn của ông, dân làng tôn phong và lập Khánh vị Hậu hiền Lê Hữu Khánh tại làng Mỹ Thị.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho một con đường dài 580m, rộng 7,5m, từ khu dân cư đến đường Chương Dương ở Khu dân cư Nam cầu Tiên Sơn và Khu dân cư kho xi-măng Bắc Mỹ An, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 33/2012/NQ-HĐND ngày 6 tháng 12 năm 2012 của HĐND thành phố về đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

VIÊN ĐÌNH PHONG

;
.
.
.
.
.