.

Đinh Liệt: Công thần khai quốc nhà Lê

.

Đinh Liệt (? - 1471) người Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa,  em ruột của danh tướng Đinh Lễ, cháu gọi vua Lê Thái Tổ bằng cậu. Gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình nói rằng Đinh Liệt là dòng dõi của Nam Việt vương Đinh Liễn - con vua Đinh Tiên Hoàng.

Đường Đinh Liệt. Ảnh: L.G.L
Đường Đinh Liệt. Ảnh: L.G.L

Khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị dựng cờ cứu nước cứu dân, Đinh Liệt cùng với anh là Đinh Lễ và Đinh Bồ tích cực hưởng ứng chính nghĩa. Đinh Liệt là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai, và là một trong số rất ít những người dự hội thề này có may mắn được chứng kiến ngày đại thắng và sau đó được chứng kiến ngày non nước thịnh trị, thái bình suốt nửa chặng đầu của thời Lê sơ.

Ròng rã 10 năm theo nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống quân Minh, ông đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối của mình với Bình Định vương Lê Lợi, gian nan không ngại trí, thất bại chẳng sờn lòng, càng chiến đấu, tài năng quân sự của ông càng nảy nở. Ông nổi bật lên bởi hai trận đánh lớn là trận Khả Lưu và trận Chi Lăng - Xương Giang.

Cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu tấn công vào Nghệ An bằng nhiều trận chiến, nhưng sống mái nhất là trận Khả Lưu. Nghĩa quân chiếm được châu Trà Lân và chuẩn bị vây đánh thành Nghệ An thì bị quân Minh bất ngờ kéo đến phản công. Lê Lợi sai tướng Đinh Lễ dẫn quân đến mai phục trước ở vùng đất hiểm tại Khả Lưu. Đinh Liệt được lệnh đem hơn một ngàn quân, bí mật luồn xuống phía Đỗ Gia (nay là đất Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) để từ đó mà vòng lên đánh tập hậu, hỗ trợ cho Đinh Lễ. Quả nhiên, giặc bị sa vào ổ mai phục của Đinh Lễ, chưa biết xoay xở thế nào thì bị quân của tướng Đinh Liệt bồi cho cú đánh ồ ạt từ phía sau, giặc đại bại.

Cuối năm 1427, được tin Liễu Thăng cùng nhiều tướng lĩnh cao cấp của nhà Minh cầm đầu viện binh hùng hậu gồm 10 vạn tên sang nước ta, Bộ Chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến với giặc tại hai địa điểm quan trọng nhất là Chi Lăng và Xương Giang. Hai tướng Đinh Liệt và Lê Sát đem quân lên sát biên giới vùng Lạng Sơn để trực tiếp đánh những trận đầu tiên với đạo viện binh của giặc. Đội quân do Đinh Liệt chỉ huy đã có công lớn trong trận tập kích tại núi Mã Yên, chém chết Liễu Thăng ngay tại trận. Thắng lợi vang dội của trận tập kích này đã kích động mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ Lam Sơn, tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn cho những trận đánh quan trọng sau đó.

Bởi những công lao nói trên, ngay sau khi lên ngôi hoàng đế (năm Thuận Thiên thứ nhất, năm 1428), vua Lê Thái Tổ ban cho Đinh Liệt chức Thứ thủ (tức là chức Phó Chỉ huy) của vệ quân Thiết Đột, được xếp vào hạng cao nhất trong số các Khai quốc công thần từng có mặt từ Hội thề Lũng Nhai. Năm sau, khi khắc biển công thần, ông được phong làm Đình Thượng hầu. Năm 1432, ông được gia hàm Nhập nội Tư mã, được tham dự triều chính.

Tháng 5 năm 1434 đời Lê Thái Tông có quân Chiêm Thành vào cướp phá, ông được lệnh đem quân vào đánh địch, nhưng chỉ mới đến Hóa Châu (vùng Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ngày nay), vua Chiêm đã vội rút quân về.

Năm 1444 đời Lê Nhân Tông, vua còn nhỏ, do có kẻ gièm pha ông, thái hậu Nguyễn Thị Anh cầm quyền nhiếp chính sai giam cả nhà ông dưới hầm. 4 năm sau, nhờ có người trong hoàng tộc là Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan nài nỉ xin hộ, ông mới được tha ra, nhưng gia quyến vẫn bị giam, đến gần 2 năm sau mới được thả.

Năm 1454, ông được phục chức, được ban hàm Thái Bảo. Năm 1460, ông cùng với các tướng Lê Lăng và Nguyễn Xí giết chết Lê Nghi Dân (kẻ giết anh là vua Nhân Tông để cướp ngôi) rồi cùng nhau tôn phò hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông. Từ tháng 6 năm 1460, ông liên tiếp được gia phong nhiều chức cao, tước trọng.

Năm 1465, khi Nguyễn Xí qua đời, ông là Tể tướng, nắm quyền quyết định nhiều việc lớn của nước nhà. Cuối năm 1470 Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông là lão tướng, được sung chức Chinh Lỗ Tướng quân, cùng tướng Lê Niệm (con của Lê Lâm, cháu nội của Lê Lai) dẫn đội quân tiên phong. Trận ấy quân ta đại thắng, vua Chiêm Thành là Trà Toàn bị bắt. Nhưng, năm 1471, khi về đến nơi thì ông lâm bệnh mà mất, được truy phong là Trung Mục vương.

Ông là một trong những công thần khai quốc sống lâu nhất sau khi nhà Hậu Lê thành lập. Con cháu Đinh Liệt sau tiếp tục nối đời làm quan cho nhà Hậu Lê và thời Lê - Trịnh. Sách Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn  (Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1996) có liệt kê con cháu 7 đời của Đinh Liệt đều có những võ tướng cao cấp và kết luận: Nói theo cách nói của người xưa, dòng họ Đinh Liệt đúng là dòng “hổ phụ sinh hổ tử”!

Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 710m, rộng 15m, từ đường Tú Mỡ đến khu dân cư đang thi công ở khu dân cư Nguyễn Huy Tưởng 1, 2, 3 và khu dân cư Hòa Phát 1, 2, 3, 4, 5, theo Nghị quyết số 107/2010/NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC 

 
;
.
.
.
.
.