.

Lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực

.

Ông không chỉ là vị Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam mà còn được vua nhà Minh phong tặng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên” trong một lần đi sứ sang Trung Quốc.

Đường Nguyễn Trực ở khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.  Ảnh: L.G.L
Đường Nguyễn Trực ở khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Ảnh: L.G.L

Nguyễn Trực (1417 - 1473) hiệu Hu Liêu, tự Công Dĩnh, quê xã Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Xuất thân dòng họ nối đời khoa bảng, từ thuở nhỏ ông đã nổi tiếng thần đồng; 10 tuổi đã đọc thông viết thạo Hán văn; 18 tuổi đỗ đầu thi Hương; 26 tuổi đỗ đầu thi Đình (cuộc thi do đích thân vua ra đề và chấm), đứng đầu 33 tiến sĩ cùng khóa được lưu danh ở bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đến nay, bài thi Đình của Nguyễn Trực được đánh giá là một trong những bài thi Đình hay nhất.

Năm 1444, ông được bổ làm Trực học sĩ Viện hàn lâm, kiêm Vũ kỵ úy; sau thăng làm An phủ sứ Nam Sách. Khi được điều trở về triều, ông được bổ nhiệm làm Thị giảng, kiêm Ngự tiền học sinh cục thứ hai Viện Hàn lâm. Sau đó ông được thăng tới chức Trung thư thị lang ở sảnh Trung thư.

Năm 1445, khi được phong Thiếu trung khanh đại phu Ngự sử đài Ngự sử thị Đô úy, thì ông từ chối, vua Lê Nhân Tông phải ra sắc dụ tới 3 lần ông mới chịu nhận.

Ngoài ra, trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Trực còn từng giữ các chức: Thự trung thư lệnh, Tri tam quán sự, đặc thụ Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Tế tửu Quốc tử giám Thăng Long.

Ngày 13-3 năm Giáp Tuất (1454), mẹ ông qua đời, ông phải về chịu tang. 3 năm sau, tháng 6 ông mãn tang mẹ thì đến tháng 8 có sứ nhà Minh là Hoàng Gián sang nước ta. Truyện kể rằng, khi được vua Lê Nhân Tông triệu vào tiếp sứ, ông đối đáp như thần, lại hạ bút họa ngay một lúc 50 vần thơ “Lưu biệt” khiến sứ thần phương Bắc vô cùng thán phục. Sau đó, ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc. Sang đó, gặp kỳ thi Đình, ông cùng phó sứ là Trịnh Khiết cùng dự thi, trong đề thi có bảy câu hỏi xoay quanh vấn đề “Luận về phép trị nước của các vương triều”. Ông đã khẳng khái trả lời: “Vua sáng tôi hiền thì nước sẽ thịnh, vua không sáng tôi không hiền thì nước sẽ suy vong”. Vua Minh mến tài ông, phong ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.

Chi tiết này cũng được Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố nhắc đến trong bài viết Những ông nghè triều Lê (số 4), Nguyễn Trực đăng trên tạp chí Tri Tân số 28, mục Các bài viết về lịch sử và văn hóa Việt Nam: “...Năm Nhân Tôn Thái Hòa (1443-1454) làm Hàn lâm học sĩ, Võ kỵ úy, rồi được phong làm An phủ sứ ở Nam Sách, thăng Hàn lâm viện thị giảng, kiêm Ngự tiền học sinh, hai cục thị cận và thị ngự tiền, làm Trung thư thị lang, vâng mệnh đi sứ Tàu; gặp kỳ thi, ông là bồi thần, xin ứng cử, lại đỗ tiến sĩ cập đệ, cho nên đời bấy giờ gọi là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”...”.

Tác phẩm ông để lại cho hậu thế không nhiều, nhưng cũng đủ để cho ta thấy ông là một học giả đầy uyên bác, một người trĩu nặng ưu tư với đất nước và tình yêu quê hương sâu nặng. Có thể kể đến: Sư Liêu tập, Ngu nhàn tập, Kinh nghĩa chư văn tân tập, Văn bia Mục Lăng, một số bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục, bài phú thi Hội mang tên Xuân đài phú và bài văn sách thi Đình (Đình đối sách văn).

Đánh giá về Nguyễn Trực, Thân Nhân Trung đã viết: “Khai quốc Trạng nguyên, văn chương vẻ vang trong nước, nổi tiếng một đời. Triều vua nào cũng được yêu chuộng, giữ việc văn hành, ở ngôi quán các, là người khiêm tốn, trước sau vẹn toàn”. Trong Việt sử tổng vịnh, vua Tự Đức khen ông là “Triều Lê lừng lẫy mấy ai tày”. Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú cho rằng thơ Nguyễn Trực “lời và ý đều tao nhã, đáng ưa”.

Theo bài viết “Tôn vinh Trạng nguyên Nguyễn Trực” đăng trên báo Đại Đoàn Kết ngày 19-4-2011, khi ông mất, vua Lê Thánh Tông có lời ai điếu rằng: “Đời dõi nho tông phát ấp bang; Trong đạo đức, có từ chương; Nối dòng thi lễ nhà truyền báu; Tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng; Nam - Bắc hai triều danh vang; Phong lưu một cửa họ sang; Từ đường ở đấy niềm tây lạnh; Dấu cũ càng thơm xạ có hương”.

Từ đường Trạng nguyên Nguyễn Trực - nơi nhà xưa của ông, nay thuộc làng Bối Khê, thôn Song Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội) được công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 318/QĐ-BVHTTDL ngày 26-1-2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 615m, rộng 7,5m, từ đường Hà Tông Huân đến đường Vũ Ngọc Nhạ, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số theo 21/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 về Đặt, đổi tên một số đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2011.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.