.

Dương Bá Cung, người soạn bộ Ức Trai di tập

.

Ông là người đầu tiên có công trong việc sưu tầm và giới thiệu thơ văn Nguyễn Trãi, trong đó phải kể đến bộ Ức Trai di tập - một kỳ tích về sưu tầm khảo cứu trong lịch sử văn chương Việt Nam.

Đường Dương Bá Cung giao nhau với đường Văn Tiến Dũng. Ảnh: V.Đ.P
Đường Dương Bá Cung giao nhau với đường Văn Tiến Dũng. Ảnh: V.Đ.P

Dương Bá Cung (1795-1868), lúc bé có tên là Dĩnh, hiệu là Cấn Đình, quê ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội).

Năm 1821, đời Minh Mạng, ông đậu Cử nhân, sau đó ra làm quan. Năm 1828, ông làm Hành tẩu Bộ công, đến năm 1830, chuyển làm Tri huyện Gia Bình, đúng lúc có nhiều cuộc nông dân nổi dậy, chống lại triều đình. Được hai năm, ông bị giáng ba cấp vì không “trị” nổi “giặc”, rồi sau ông về làm Huấn đạo Đan Phượng vào năm 1833. Vào năm 1840, ông được thăng Giáo thụ phủ Tiên Hưng. Đến năm 1841, ông được thăng Đốc học tỉnh Biên Hòa. Sau đó, do bị bệnh nặng, ông xin về nghỉ dưỡng, rồi mở trường dạy học ở Hưng Yên.

Do yêu quý Nguyễn Trãi, xót xa trước trình trạng thất tán các tác phẩm của Nguyễn Trãi, từ những năm 1822-1823, ông đã “đi khắp từ Nam ra Bắc”, gặp ai cũng dò tìm tác phẩm của Ức Trai (tên hiệu của Nguyễn Trãi – ĐNCT) mang về, rồi theo loại mà sắp xếp thành một tập. Đến đầu những năm 30 của thế kỷ XIX, lúc này tài liệu thu thập đã tương đối phong phú, ông mang đến cho Nguyễn Năng Tĩnh (1782 - 1867, một văn thần danh tiếng đời Gia Long – ĐNCT) xem và nhờ biên soạn, sắp xếp, phê bình kiểm duyệt và đề lời tựa. Nguyễn Năng Tĩnh nhận lời và đã xếp thành 4 quyển, sau đó ở cuối lại phụ chép thêm thơ văn Nguyễn Phi Khanh làm quyển thứ 5, lấy nhan đề Ức Trai di tập.

Năm Giáp Ngọ (1834), Dương Bá Cung mang theo tập sách đã được Nguyễn Năng Tĩnh biên soạn, sắp xếp đến thăm và nhờ Ngô Thế Vinh (1802-1856, bậc tri thức uyên bác về nhiều lĩnh vực - ĐNCT) đề tựa cho sách và đã được chấp nhận. Ngô Thế Vinh đã để lại một bài tựa và hơn nữa, ở một số bản còn lưu lại nhiều đoạn bình của ông cùng Nguyễn Năng Tĩnh, chứng tỏ có đóng góp vào việc hiệu đính, bình chú. Sau đó, Dương Bá Cung trở về và chỉnh lại sách và đến năm Bính Thân (1836) lại đem tới cho Ngô Thế Vinh xem lại. Lần này tập sách đã được biên soạn, sắp xếp rõ ràng hoàn chỉnh hơn lần trước, rồi hai ông bàn nhau đem công bố sách cho mọi người cùng biết. Nhưng mãi đến tháng 8 năm Mậu Thìn (1868), Tự Đức thứ 21, mới được thực hiện khi bản in Phúc Khê ra đời, tức 7 tháng sau khi Dương Bá Cung qua đời.

Ức Trai di tập được in ván gồm 259 tờ, toàn bộ sách có 7 quyển, gồm: Quyển 1: Thi tập, gồm 3 bài tựa của Nguyễn Năng Tĩnh, Ngô Thế Vinh và của ông, tức 105 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi cùng Phú núi Chí Linh và Côn Sơn ca; Quyển 2: Nguyễn Phi Khanh thi văn tập, là những thơ, văn của thân phụ Nguyễn Trãi; Quyển 3: Văn tập, gồm những bài chiếu, biểu do Nguyễn Trãi viết (phần lớn là công văn); Quyển 4: Quân trung từ mệnh tập, là tập từ chương viết theo mệnh lệnh trong quân trướng và những thư tín, khiêu chiến thư do Nguyễn Trãi viết gửi cho vua, quan và tướng lĩnh nhà Minh; Quyển 5: Sự trạng bình luận, gồm những sự trạng và những lời bình luận về Nguyễn Trãi, trích từ các sử truyện, gia phả; Quyển 6: Ức Trai dư địa chí“Tựa” Toàn Việt thi lục, Nguyễn Trãi soạn với tấm lòng yêu thương đất nước to lớn, sâu xa, là một công trình đặt nền móng cho khoa học địa lý - lịch sử ở nước ta (quyển sách này được Nguyễn Thiên Túng tập chú, Nguyễn Thiên Tích cẩn án và Lý Tử Tấn thông luận); Quyển 7: Quốc âm thi tập, gồm 254 bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi, đây là những bài thơ Nôm có giá trị và cổ nhất còn lại đến ngày nay.

Hầu hết các quyển trong bộ Ức Trai di tập đều là những tài liệu quý giá xét về phương diện văn chương, văn hóa sử. Bộ sách là tổng hợp trí tuệ, công sức của những người tham gia biên tập, trong đó nhất là công sức nhiều năm miệt mài sưu tầm, hiệu đính của Dương Bá Cung, đây cũng là bộ sách có kết cấu hoàn chỉnh nhất, nội dung phong phú nhất. Nhờ có bộ Ức Trai di tập của Dương Bá Cung mà ngày nay chúng ta dễ dàng tiếp cận được di sản mà tài năng, trí tuệ cũng như tâm hồn của Ức Trai Nguyễn Trãi để lại.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho một con đường dài 360m, rộng 5,5m, từ đường 7,5m chưa đặt tên đến đường 7,5m chưa đặt tên ở Khu E2, E2 mở rộng, C và D – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, theo Nghị quyết số 42/2013/NQ-HĐND, ngày 11 tháng 7 năm 2013 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố khóa VIII.

VIÊN ĐÌNH PHONG

;
.
.
.
.
.