.

Bùi Dương Lịch làm quan 3 triều

Ông là một nhà giáo, là văn thần, bị mang tiếng là “thay thầy đổi chủ” khi làm quan trải ba triều đại khác nhau: Lê trung hưng, Tây Sơn và Nhà Nguyễn.

Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) tự Tồn Thành, hiệu Thạch Phủ và Tồn Trai, người thôn Yên Hội, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Xuất thân trong một gia đình Nho học và khoa bảng, thuở nhỏ, ông học ở nhà với cha.

Sau khi đỗ Hương cống (năm 1774), ông ra Thăng Long dạy học và luyện tập văn sách ở Quốc tử giám. Năm 1786, ông được bổ làm Huấn đạo phủ Lý Nhân nhưng không nhận vì có tang cha. Lúc này nghĩa quân Tây Sơn đã tiến ra Thăng Long dưới danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Khi Tây Sơn rút về, để chiếm thế thượng phong trong tranh chấp quyền lực với họ Trịnh, triều đình nhà Lê xuống chiếu tìm người tài và Bùi Dương Lịch được tiến cử làm Nội hàm viện cung phụng sứ ngoại lang (một chức quan nhỏ chuyên giảng sách cho nhà vua).

Tháng 7-1787, Bùi Dương Lịch đỗ Hội nguyên, rồi Đình Nguyên nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp). Khi Lê Chiêu Thống rước quân Thanh về xâm lược nước ta, vua Quang Trung kéo quân ra Bắc đánh giặc, Lê Chiêu Thống bỏ trốn sang Trung Quốc. Tuy cảm ơn tri ngộ của vua Lê nhưng Bùi Dương Lịch không theo mà về quê ở ẩn.

Đến triều Tây Sơn, vua Quang Trung biết ông là người có tài năng nên mời ra cộng tác, sau nhiều lần từ chối, ông nhận làm việc ở Viện Sùng chính cùng với Viện trưởng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp; khi vua Quang Trung mất, Viện ngưng hoạt động, ông về quê dạy học. Thời Gia Long, ông lại được mời ra làm quan với chức Đốc học Nghệ An. Năm 1808, ông cáo quan về quê dạy học và viết sách. Ông mất năm Mậu Tý (1828).

Cha ông đỗ Hương cống, từng làm Tri phủ Thiệu Thiên (Thanh Hóa) thời hậu Lê. Ông xuất thân trong một gia đình nho sĩ nghèo, chịu ơn sâu của nhà Lê như cha mình. Trong thâm tâm tuy ông không ưa nhà Tây Sơn cũng như nhà Nguyễn, nhưng vì hoàn cảnh phải làm quan cho hai triều đại này - điều khiến ông phải mang tiếng là kẻ “thay thầy, đổi chủ”, như một bài tán trong dân gian đã mỉa mai ông: “Lê triều cử tiến sĩ/ Tây ngụy sĩ hàn lâm/ Bản triều vi đốc học/ Tứ hải cộng tri âm”. (Triều Lê đỗ tiến sĩ, thời ngụy Tây Sơn làm quan hàn lâm, đến triều ta (Nhà Nguyễn) làm đốc học, bốn biển đều biết tiếng ông). Thậm chí, câu cuối còn có dị bản là “Dữ thế cộng phù trầm!” (Theo đời mà nổi chìm!).

Không hứng thú làm quan nên ông tránh chuyện chính trị, chuyên tâm vào việc viết sách và dạy học đúng theo sở trường, chí hướng của mình. Trong việc dạy học, ông đào tạo được nhiều nho sĩ giỏi cho đất nước, dạy dỗ con cháu trong nhà giữ đạo làm người. Trong việc viết sách, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị (chủ yếu bằng chữ Hán) với những ý kiến độc đáo, có thể kể đến Bùi gia huấn hài (Sách dạy trẻ của nhà họ Bùi) gồm những trích lục cách ngôn Khổng giáo và kiến thức đương thời dùng để dạy học trò nhằm thay thế những sách vỡ lòng của Trung Quốc, được Phan Huy Chú khen là “lời gọn, ý rộng”. Ngoài Ốc lậu thoại (Câu chuyện ở nơi nhà dột), Lê quý dật sử (Dật sử cuối đời Lê), ông còn một số sách địa phương chí viết về quê hương ông như Yên Hội thôn chí (Địa chí thôn Yên Hội), Nghệ An phong thổ ký (ghi chép về phong thổ Nghệ An), Nghệ An chí, Nghệ An ký (Ghi chép về xứ Nghệ An)…

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 764m, rộng 7,5m, từ đường 15m đến đường Dương Vân Nga, thuộc Khu dân cư Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 61/2007/NQ/HĐND ngày 7-12-2007 của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.