.

Về bài hát Tò te ma le đánh đu

.

* Lúc nhỏ lũ nhóc chúng tôi hay hát một bài hát truyền khẩu, đại khái là “Tò te ma le đánh đu, thằng cu nhảy dù, cao bồi bắn súng. Chết cha con ma nào đây, làm tao hết hồn. Thằn lằn cụt đuôi”. Lớn lên, tôi nghe có người nói rằng đây nguyên là một bài hát đón năm mới của người Pháp. Cho hỏi, điều này có đúng không? Bài hát đó ra đời như thế nào? (Trần Văn Trung, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Auld Lang Syne là bài hát đón giao thừa phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn: Internet
Auld Lang Syne là bài hát đón giao thừa phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nguồn: Internet

- Đây là một bài hát phổ biến trong dân gian một thời với nhiều lời “chế”, ít ai biết rõ tên bài hát nên chỉ dựa vào câu đầu tiên mà gọi tên. Nếu bài hát trên có tên là “Tò te ma le đánh đu”, thì bài dị bản này có tên là “Ò e”, trong đó nêu một số nhân vật nổi tiếng trong phim ảnh phương Tây: “Ò e Rô-be đánh đu, Tặc-dăng nhảy dù, Zô-rô bắn súng. Chết cha con ma nào đây, thằng Tây hết hồn, thằn lằn cụt đuôi”.

Bài hát này có tên tiếng Pháp là Ce n’est qu’un au Revoir (hoặc Chant des Adieux), có nghĩa là Bài ca Tạm biệt, thường được hát khi chia tay nhau sau các buổi sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là xuất hiện trong các buổi tiệc giao thừa của người Pháp.

Do người Pháp mang vào Việt Nam nên nhiều người Việt cứ nghĩ đây là bài hát Pháp. Thực ra, bài hát nổi tiếng khắp thế giới này có gốc gác từ xứ Scotland với tựa đề là Auld Lang Syne.

Auld Lang Sine là tiếng Scotland cũ, dịch ra tiếng Anh là “old long since” hay “long long ago” hoặc “in the days gone by”, nghĩa là lâu lắm rồi, ngày xửa ngày xưa… Đây là một bài thơ phổ nhạc theo âm điệu dân ca truyền thống của Scotland, do thi hào kiêm nhạc sĩ tài danh Robert Burns viết năm 1788 và nhanh chóng trở thành giai điệu âm nhạc phổ biến không chỉ ở các nước nói tiếng Anh mà còn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Burns gởi bản nhạc vào Viện Bảo tàng Âm nhạc Scotland với dòng chữ: “Bài hát  sau đây, một bài rất cổ, cổ  nhất, tôi ghi lại đây từ tiếng hát của một cụ già lớn tuổi nhất vùng ở đồng quê xa xôi của xứ tôi là nước Scotland”.

Auld Lang Syne thường được hát khắp nơi trên thế giới trong dịp tiễn biệt năm cũ và đón mừng năm mới. Tại “quê hương” của bài hát nổi tiếng này, trong đêm giao thừa, mọi người cầm tay nhau thành một vòng tròn lớn và nhảy múa theo điệu nhạc.

Ca từ tiếng Anh của bài hát: For auld lang syne, my dear,/ For auld lang syne,/ We’ll take a cup o’ kindness yet/ For auld lang syne. (Cho những ngày tươi đẹp cũ, bạn ơi/ Cho những ngày tươi đẹp cũ/ Chúng ta cùng nâng ly vì điều tốt lành/ Cho những ngày tươi đẹp cũ).

Bài hát nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những kỷ niệm và những người bạn đều đáng quý. Một năm đã trải qua nhiều chuyện nhưng chỉ cần còn nhớ đến nhau, cùng nâng ly thì tương lai tươi sáng vẫn còn ở phía trước.

Chính ca từ và giai điệu dân gian vui nhộn đã khiến Auld Lang Syne trở thành một bài hát tình cảm, ấm áp và đầy sinh khí năm mới. So sánh với Happy New Year thì bài hát cổ xưa này thích hợp để hát mừng năm mới hơn. Chính vì vậy, ngoài Vương quốc Anh, Auld Lang Syne còn rất phổ biến tại nhiều nơi như Triều Tiên, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đan Mạch, Hy Lạp, Chile...

Do độ nổi tiếng, Auld Lang Syne có rất nhiều phiên bản lời, dịch cũng như các ca sĩ. Các phiên bản phổ biến nhất phải kể tới của Jimi Hendrix, Mariah Carey, Aretha Franklin và Billy Preston, The Beach Boys... Auld Lang Syne cũng từng được dùng làm nhạc nền cho bộ phim kinh điển La Valse Dans L’Ombre (Vũ điệu trong bóng mờ) với sự tham gia của minh tinh huyền thoại Vivien Leigh (nổi tiếng trong phim Cuốn theo chiều gió) và tài tử Robert Taylor.

Trên thế giới mỗi năm có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn giọng ca thể hiện lại Auld Lang Syne. Tại Việt Nam, phiên bản ca khúc này được người yêu nhạc nhớ tới là của nhóm Boney M hay của nghệ sĩ saxophone Kenny G.

Không ai có thể nhận định được phiên bản nào là hay nhất, đáng nhớ nhất. Bởi lẽ Auld Lang Syne là bài hát của tất cả mọi người, của khoảnh khắc để ta nhìn lại những năm tháng đã qua và hướng tới năm mới an lành trong niềm hân hoan, bồi hồi.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.