.

Tập san BAVH

.

* Trên một số sách báo, tài liệu nghiên cứu tôi thấy nhiều tác giả có trích dẫn thông tin từ một tập san bằng tiếng Pháp có tên là BAVH (viết tắt của “Bulletin des Amis du Vieux Hué”). Tập san này ra đời và hoạt động như thế nào? (Lê Ngọc Tâm, Hải Châu, Đà Nẵng).

Một số bản tập san BAVH được bảo tồn nguyên vẹn.(Nguồn: Internet)
Một số bản tập san BAVH được bảo tồn nguyên vẹn.(Nguồn: Internet)

- Tập san của Những người bạn Cố đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Hué) do Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué), xuất phát từ chủ trương của linh mục Léopold Cadière và ông cũng là chủ bút đầu tiên, xuất bản định kỳ mỗi quý một lần, được in tại Nhà in Viễn Đông (IDEO) Hà Nội, số đầu tiên là số tháng Giêng - Ba năm 1914.

Ngày 16-11-1913, Hội Những người bạn Cố đô Huế (gọi tắt là Hội) họp phiên đầu tiên để ra mắt và công bố “Điều lệ và bầu Hội trưởng”. Buổi họp mặt có sự tham gia của 17 nhân vật người Việt và Pháp, hội viên nòng cốt của Hội ban đầu, cùng đông đảo quan khách. Điều 2 của Điều lệ ghi Hội có mục đích: “Sưu tầm bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học châu Âu cũng như bản xứ, liên quan đến Huế và phụ cận”.

Để thực hiện mục đích đó, Hội xuất bản một tập san định kỳ 3 tháng một lần như đã nói trên, đăng các thông báo của hội viên. Tập san này đã giữ lại nhiều hình ảnh và sinh hoạt của Huế xưa, đồng thời làm nên tên tuổi cho những người chủ trương và cộng tác, mà đứng đầu là vai trò của Linh mục Léopold Cadière. BAVH được xem là một tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó, được xuất bản đều đặn trong gần 31 năm.

BAVH, từ khi ra đời đến khi đình bản năm 1944 do biến cố chính trị (Hội Những người bạn Cố đô Huế cũng tự động giải thể), ấn hành được 121 tập và 1 tập danh mục với gần 500 bài viết gồm nhiều lĩnh vực và hơn 30 bài tiểu dẫn, chú giải quan trọng. Phần đông các tác giả Pháp và Việt Nam đã dành nhiều thời gian tham khảo, thu thập tư liệu, đi điền dã rồi nghiên cứu viết bài cho tập san như: ông Cadière (trên 70 bài), Orband (30 bài), ông Coserat (trên 30 bài), ông Nguyễn Đình Hòe (10 bài), ông Ưng Trình (trên 10 bài)… Một số tác giả người Pháp và Việt cùng viết chung như: Sallet và Nguyễn Đình Hòe (“Liệt kê các miếu thờ tự của Huế”, số 1-1914), Orband và Hoàng Yến (“Việc ban hành những luật lệ mới…”, số 4-1917); Laborde và Nguyễn Đôn (“Bia lăng Thiệu Trị”, số 1-1918); v.v…

Với 31 năm liên tục hoạt động, BAVH đã góp phần không nhỏ vào công việc nghiên cứu về Huế xưa, triều Nguyễn và lịch sử Việt Nam, về nhiều nội dung như: Kinh thành Huế và phụ cận; Lịch sử Huế và An-nam; Nghệ thuật xứ Huế; Ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa dân gian xứ Huế... Tác giả Lê Vũ Trường Giang nhận định như sau về BAVH trong bài viết “Một thế kỷ của những dấu son trong dòng chảy văn hóa Huế” đăng trên Tạp chí Sông Hương số 294/08-13 chuyên đề Kỷ niệm 100 năm thành lập Hội “Những người bạn Cố đô Huế” (1913 - 2013):

“31 năm tồn tại, Hội để lại những dấu ấn sâu sắc trong dòng chảy văn hóa Cố đô với những thành tựu lớn như làm nên tập san “Những người bạn Cố đô Huế” đồ sộ và công phu; xây dựng thư viện để tập hợp tư liệu nghiên cứu và bảo tàng lưu giữ cổ vật của triều Nguyễn và Huế xưa... Đó thật sự là những đóng góp quý báu mà ngày nay khi đề cập đến lịch sử nghiên cứu vấn đề về Cố đô Huế nói riêng, chúng ta không thể không nhắc đến với tấm lòng chân thành cho những đóng góp đó”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.