.

Giai thoại về động phòng hoa chúc

* Chuyên mục Cửa sổ tri thức trên Đà Nẵng cuối tuần vừa rồi giải thích “Động phòng hoa chúc”. Tôi từng nghe các cụ kể một giai thoại về thành ngữ này, tương tự như giai thoại nữ sĩ Đoàn Thị Điểm khi đang tắm ra vế đối hiểm hóc “Da trắng vỗ bì bạch” khiến cho Trạng Quỳnh không đối được phải cả thẹn bỏ đi. Chuyện khá lâu nên tôi không nhớ hết được, rất mong quý báo giới thiệu lại. (Trần Văn Thành, Hải Châu, Đà Nẵng).

- ĐNCT giới thiệu câu chuyện dưới đây, có tham khảo bài viết Giai thoại về một vế đối đăng trên baobaovephapluat.vn ngày 6-3-2013.

Xưa, ở mạn sông Hồng có một tiểu thư đã xinh đẹp lại kiêm tài cầm kỳ thi họa. Là con một gia đình quyền quý nên nàng rất kiêu kỳ. Cha mẹ gả nàng cho một anh học trò gia cảnh thật môn đăng hộ đối.

Trước giờ động phòng hoa chúc, cô dâu dán sẵn một vế đối ngoài cửa phòng, bắt chú rể đối được mới mở cửa cho vào: Thủy bản vô ba, nhân phong trứu diện (Nước vốn không sóng, vì gió nhăn  mặt).

Tân lang lâu nay nổi tiếng hay chữ, thế mà hết vò đầu bứt tai lại chau mày bóp trán vẫn không đối lại được. Chàng giận mình, hận cả cô gái đỏng đảnh, đành lặng lẽ bỏ đi biệt tích. Và vế đối hiểm hóc của nàng vẫn chưa ai đối đặng.

Không lâu sau đó, ở khúc sông nọ bỗng có hiện tượng sóng gió nổi lên thình lình, gây nhiều vụ đắm thuyền chết người. Có một ông lão lái đò kinh nghiệm sông nước lâu năm, biết chiều theo dòng nước xiết, men theo bờ, chèo chống ngược lên phía thượng lưu rồi cắt vát dòng sông sang ngang để thuyền sang bờ an toàn.

Hôm nọ có chàng thư sinh muốn qua sông về kinh đô ứng thí. Ông lão dặn chàng: “Khúc sông này thì không có sóng gió gì đâu. Song ra đến giữa dòng thì không hiểu sao gió xoáy nổi lên ầm ầm dữ tợn, chèo chống rất khó. Phải lựa sóng xuôi chèo, vì vậy có hơi lâu. Mong công tử đừng sốt ruột”.

Chàng nêu thắc mắc thì ông hỏi ngược lại: Thế công tử không nghe người ta nói rằng ở đây có một oan hồn phẫn uất vì tình, đã gửi thân nơi đáy nước?

Nói rồi, ông kể vế đối của cô dâu trước lúc động phòng hoa chúc cho công tử nghe. Chàng thư sinh trầm ngâm trong giấy lát thì thuyền đã đến giữa dòng sông. Sóng gió bỗng nổi lên ầm ầm, thuyền tròng trành chao đảo. Thấy chàng thư sinh dáng vẻ trói gà không chặt vụt đứng dậy, ông lão hét lên: Xin công tử hết sức bình tĩnh!

Chàng bảo: Xin cứ để mặc cho tiểu sinh này đối phó. Rồi chàng ra đứng ngay ở mũi thuyền, chỉ thẳng tay xuống dòng nước đang réo sôi mà rằng: “Hỡi oan hồn phẫn uất kia! Ngươi nay đã gửi thân nơi thủy quốc sao còn gây sự bất bình giận dữ với khách sang sông? Hẳn là khối tình người mang xuống tuyền đài chưa tan đó chăng?”.

Sóng lại càng gầm thét dữ dội hơn trước. Khói sóng phủ kín cả con thuyền. Chàng nói tiếp: “Ngươi nên biết rằng, vì ngươi không hiểu luật nhân quả của trời đất mới ra nông nỗi này. Học hành như ngươi làm uổng phí công sinh thành của cha mẹ, lại gây liên lụy tới người khác. Như thế, đâu phải là chính đạo. Hãy nghe ta đối lại vế đối đó: Sơn nguyên bất lão, vị tuyết bạch đầu. (Núi có già đâu, vì tuyết bạc đầu).

Vế đối rất chỉnh. Sóng gió không còn thét gào, giận dữ. Trời quang mây tạnh, con thuyền cập bờ yên lành. Từ ấy khách sang sông không còn thấy chàng tân lang thất tình năm nào tác yêu tác quái trên khúc sông ấy nữa.

ĐNCT
 

;
.
.
.
.
.