.

Hai ngôi mộ cổ ở Quế Sơn

.

Tại hai làng Đồng Tràm (nay thuộc xã Hương An) và Hương Quế (nay thuộc xã Quế Phú), huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam có hai ngôi mộ cổ, có niên đại cách đây khoảng 600 năm và được chôn cách nhau 69 năm, thuộc gia tộc họ Phạm. Hai ngôi mộ với hai số phận khác nhau.

Hai câu đối của vua Lê trước lăng người cháu – Phạm Nhữ Tăng (ảnh trái) và ngôi mộ bằng đất của ông cố - Phạm Nhữ Dực. Ảnh: L.T
Hai câu đối của vua Lê trước lăng người cháu – Phạm Nhữ Tăng (ảnh trái) và ngôi mộ bằng đất của ông cố - Phạm Nhữ Dực. Ảnh: L.T

Ngôi mộ hoành tráng của người cháu

Dựa vào gia phả tộc Phạm, tác giả Lâm Hoài Nam trong tác phẩm Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của dân tộc Việt Nam cho biết Phạm Nhữ Tăng (1421 - 1479) là cháu 4 đời của danh tướng Phạm Ngũ Lão (1225 - 1285). Ông có quê gốc ở làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào, Thừa tuyên Hải Dương (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Tổ tiên ông di cư vào ở xã Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, Thừa tuyên Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Đến đời ông cố ông là Phạm Nhữ Dực lại vào làm việc và sinh sống ở làng Đồng Tràm, phủ Thăng Hoa.

Năm 1445, dưới triều Lê Nhân Tông, Phạm Nhữ Dực thi đỗ đệ nhị khoa Hoành từ, được phong làm Thái Bảo kiêm Tri Quân Dân chính sự vụ. Năm 1467, được ban sắc Phụ Chánh Tham tướng phủ, Quãng Dương hầu, Bình Chương quân quốc trọng sự.

Năm 1470, quân Chiêm đánh phá thành Hóa Châu. Vua Lê Thánh Tông quyết đem quân “bình Chiêm” một lần để “ổn định biên giới phía Nam” và “chấm dứt vĩnh viễn” sự quấy phá của người Chiêm. Nhà vua đích thân thống lĩnh quân đội Nam tiến.  Phạm Nhữ Tăng được cử làm Trung Quân Đô thống, trao ấn Tiên phong cầm quân đi đầu.

Ngày 6-1-1471, quân Đại Việt tiến qua đèo Hải Vân, ngày 17-2 tấn công cửa Thị Nại. Ngày 28-2 bao vây thành Đồ Bàn, ngày 1-3 hạ thành. Vua Chiêm là Trà Toàn cùng hơn 3 vạn người gồm cả văn quan, võ tướng, phi tần, binh lính bị bắt. Vương triều thứ XIV của người Chăm chấm dứt.

Ngày 2-3, nhà vua ban chiếu hồi triều. Chiến dịch bình Chiêm hoàn tất thắng lợi với 89 ngày đêm kể từ ngày xuất quân. Tháng 6-1471, nhà vua xuống chiếu thành lập Thừa tuyên Quảng Nam, thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt gồm 3 phủ 9 huyện. Danh xưng Quảng Nam lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử.

Sau khi chiếm Đồ Bàn, Phạm Nhữ Tăng được bố trí ở lại cai quản vùng đất mới, tổ chức di dân mở đất, lập làng. Đến mùa xuân năm Hồng Đức thứ tám (1478) ông ngã bịnh, 10 ngày sau, 21-2-1478, qua đời, hưởng dương 57 tuổi.

Phạm Nhữ Tăng được an táng tại Trường Xà Thành, nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sáu tháng sau, nhà vua sai Thái lý về quê ông ở phủ Thăng Hoa, tìm huyệt để làm lễ cải táng. Đích thân nhà vua vào chủ trì lễ cải táng và viết hai câu đối ban tặng, hiện còn ở trước mộ của ông: Nghĩa sĩ uẩn cơ mưu, hiệp lực nhứt tâm bình Chiêm quốc/ Miếu đài khai tráng lệ, linh hồn thiên cổ hiển Nam bang (Nghĩa sĩ lắm cơ mưu, hiệp lực một lòng bình Chiêm quốc/ Gương đài thêm rạng rỡ, hương hồn ngàn thuở rạng trời Nam).  

Phần do được quan Thái lý nhà Lê chọn tìm huyệt mộ, phần sau này con cháu tộc Phạm lại rất thành đạt nên nhiều người cho là lăng mộ của Phạm Nhữ Tăng rất “đắc địa”, là ngôi mộ “phượng hoàng hàm thư” (chim phụng ngậm thư). Lăng mộ rất lớn hiện nằm trên ngọn đồi dưới chân núi Quế, nhìn xuống cánh đồng xã Quế Phú, được con cháu tộc Phạm nhiều lần trùng tu. Ba lần gần đây nhất là vào các năm 1957, 1969 và 1996, và đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.

Và ngôi mộ hắt hiu của… ông cố

Phạm Nhữ Dực là con trai thứ năm của danh tướng Phạm Ngũ Lão (1225 - 1320), là ông cố của Phạm Nhữ Tăng. Tương truyền, Phạm Nhữ Dực là con nuôi của thượng tướng Trần Khắc Chung, người được vua Trần Anh Tông sai vào Đồ Bàn năm 1307 để cứu Huyền Trân Công chúa khỏi phải lên giàn hỏa chết theo chồng như phong tục Chiêm Thành.

Năm 1368, Phạm Nhữ Dực cùng Trần Thế Hưng, Đỗ Tử Bình đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Cuộc hành quân vừa đến phủ Thăng Hoa thì có sứ thần Chiêm đến xin trả lại Hóa Châu. Hai bên đang tiến hành thương nghị thì Chế Bồng Nga đem quân đánh úp. Tướng Trần Thế Hưng bị bắt,  Phạm Nhữ Dực phải rút quân về.

Năm 1380, Chiêm Thành tấn công vào Nghệ An. Vua Trần Nghệ Tông cử Hồ Quý Ly lãnh thủy binh, Đỗ Tử Bình, Phạm Nhữ Dực lãnh bộ binh chặn đánh tan quân Chiêm ở sông Ngư Giang.

Năm1382, quân Chiêm lại tấn công Thanh Hóa. Hồ Quý Ly và Phạm Nhữ Dực vây đánh, quân Chiêm phải rút chạy.

Năm 1391, tướng La Khải lên thay Chế Bồng Nga, đem binh xâm phạm Hóa Châu, Hồ Quý Ly và Phạm Nhữ Dực lại phải đem quân đánh chặn.

Dưới thời vua Trần Thuận Tông (1388 - 1398), Phạm Nhữ Dực được phong chức Hậu quân Trung đô Dực Nghĩa hầu.

Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần vào năm 1400, Phạm Nhữ Dực định đem quân về vấn tội họ Hồ nhưng chưa kịp hành động thì bị triệu về kinh. Nhận thấy chưa đủ điều kiện để phế trừ họ Hồ nên Phạm Nhữ Dực đành nghe theo lời họ Hồ đem quân đi bình Chiêm mở mang bờ cõi về phương Nam, chờ thời cơ thuận lợi. Phạm Nhữ Dực cùng Đỗ Mãn, Nguyễn Cảnh Chân đem quân đi đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm đánh không lại nên dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa. Nhà Hồ chia đất vừa lấy được chia thành 4 châu gồm: Thăng (vùng Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn), Hoa (vùng Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước), Tư, Nghĩa (vùng Quảng Ngãi).

Sau khi chiếm đất Chiêm Động và Cổ Lũy, nhà Hồ cử Phạm Nhữ Dực làm Chánh Đô án phủ sứ châu Thăng Hoa, lo việc di dân người Việt, vỗ an người Chiêm để khai khẩn vùng đất mới. Chưa hoàn thành nhiệm vụ thì quân Minh đem quân sang đánh, bắt cha con Hồ Quý Ly về Tàu vào năm 1407. Nhân chuyện này, người Chiêm đem quân lấy lại đất cũ. Phạm Nhữ Dực cùng con là Phạm Đức Đề cầm quân chống lại người Chiêm. Hai năm sau, vào ngày 4-10-1409, Phạm Nhữ Dực qua đời, được an táng tại xứ Sa Lăng, làng Đồng Tràm, phủ Thăng Hoa (nay là xã Hương An, huyện Quế Sơn).

Phạm Nhữ Dực được xem là Cao thủy tổ của họ Phạm tại vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay.
Dưới thời Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Phạm Nhữ Dực được truy phong là Phủ Quốc công Nam dinh an vũ trấn khai vận sự thanh truyền Hậu quân trung đô Bình Chiêm Thượng tướng. Ông cũng được làng Đồng Tràm tôn là tiền hiền của làng, thờ ở đình làng.

Trái với ngôi mộ hoành tráng của người cháu, mộ của Phạm Nhữ Dực lại rất khiêm tốn, chỉ là một nắm đất đơn sơ thấp lè tè (chỉ có tấm bia là rất cổ), nằm khiêm tốn trong một nổng cát heo hút cuối làng, giữa nhiều ngôi mộ to lớn sang trọng khác, ít ai nhận ra.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.