.

Cổ vật văn hóa Sa Huỳnh

.

Năm 1977, di tích thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên được phát hiện tại Quảng Nam - Đà Nẵng ở vùng đất Bàu Trám, trên hữu ngạn sông Vĩnh An (thuộc xã Tam Anh, huyện Núi Thành). 40 năm qua, đã phát hiện được trên 100 địa điểm có di tích văn hóa Sa Huỳnh phân bố chủ yếu ở lưu vực sông Thu Bồn.

 Hạt chuỗi mã não chạm hình con hổ (trái) và hình con chim nước được tìm thấy ở Lai Nghi. Ảnh: A.T
Hạt chuỗi mã não chạm hình con hổ (trái) và hình con chim nước được tìm thấy ở Lai Nghi. Ảnh: A.T

Trong số đó có trên 50 địa điểm đã được khai quật hoặc đào thám sát, như các di chỉ Bàu Tràm, Phú Hòa, Tam Mỹ, Đại Lãnh, Quế Lộc, Tiên Hà. Hàng loạt các di chỉ mộ táng Sa Huỳnh cũng đã được phát hiện và khai quật tại những vùng hạ lưu sông Thu Bồn gần Hội An như Hậu Xá I, Hậu Xá II và An Bàng; gò Mả Vôi, gò Miếu Ông và gò Dừa thuộc huyện Duy Xuyên...

Qua hàng ngàn hiện vật trong các tầng văn hóa khai quật được, các nhà khảo cổ đã “kể” lại chuyện xưa về không gian cư trú của người Sa Huỳnh cổ, từ đó phác họa lại được một cách khái quát giai đoạn sơ kỳ kim khí ở Quảng Nam.

Những di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam phân bố trên nhiều địa hình khác nhau, từ đồng bằng ven biển đến núi cao; phần lớn là những khu mộ táng, còn những di chỉ cư trú được phát hiện chưa nhiều. Những di chỉ cư trú đã được phát hiện chủ yếu phân bố trên các cồn cát ven sông, ven biển nên phần lớn các di chỉ đó có tầng văn hóa không rõ ràng và thường bị xáo trộn nặng nề. Hiện vật trong các di chỉ cư trú chủ yếu là những mảnh đồ gốm vỡ với loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tạo, hoa văn trang trí… tương tự những đồ gốm tùy táng trong các khu mộ cùng thời ở gần di chỉ.

Cũng có một số di chỉ cư trú vẫn tồn tại khá phổ biến công cụ đá như di chỉ Gò Bà Tham, Gò Miếu. Mặc dầu các di chỉ cư trú được phát hiện chưa nhiều nhưng các di chỉ đó cùng với việc phát hiện một số di tích văn hóa Tiền Sa Huỳnh cũng đủ để nhiều nhà nghiên cứu khẳng định chắc chắn rằng: cư dân - chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh là người bản địa chứ không phải là người từ biển vào như một số học giả trước đây đã từng quan niệm...

Mộ chum kép được phát hiện tại Duy Xuyên.
Mộ chum kép được phát hiện tại Duy Xuyên.

Người cổ Sa Huỳnh sinh sống trên mảnh đất Quảng Nam xưa sớm có mối quan hệ giao lưu, buôn bán với thế giới bên ngoài, là nơi trực tiếp giao lưu với các nền văn minh Đông Sơn, Ấn Độ và Hán... Điều này được khẳng định bởi các di vật đã khai quật được ở Lai Nghi (Điện Bàn, Quảng Nam), nhất là qua bộ sưu tập đồ trang sức đã thu thập được ở di tích này, ngoài những hiện vật như khuyên tai 3 mấu nhọn, khuyên tai hình vành khăn bằng đá... và khoảng 10.000 hạt cườm tấm nhỏ li ti màu xanh lục, màu nâu bằng thủy tinh...  

Tại một số di chỉ khảo cổ học như Bình Yên, gò Dừa, gò Mả Vôi, Lai Nghi, các nhà khảo cổ phát hiện những chiếc gương đồng Riguanjing (gương ánh sáng mặt trời). Theo bảng niên đại của Okamura thì loại gương này được chế tạo ở Trung Quốc vào những năm 70-50 Trước Công nguyên, gọi là gương Tây Hán. Loại gương Riguanjing không chỉ có ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn tìm thấy tại Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Ngoài gương đồng, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều lục lạc bằng đồng tại các địa điểm khai quật.

Tại di chỉ Lai Nghi và một số di chỉ khác, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hàng trăm hạt chuỗi bằng mã não; trong số đó có hai di vật độc đáo: một hạt chuỗi mã não chạm hình con chim nước (có thể là chim xít) và một hạt khác thể hiện hình một con hổ... Theo các nhà khảo cổ đây là di vật rất hiếm hoi trong các di tích thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt ở vùng Đông Nam Á. Ngoài ra còn có khá nhiều hiện vật giá trị như khuyên tai hình hai đầu thú, khuyên tai 3 mấu nhọn, khuyên tai vành khăn và những hiện vật độc bản như chiếc bát dát đồng, chiếc rìu được làm bằng hai chất liệu vừa đồng vừa sắt, đồ đựng được làm bằng gốm có bốn chân... Đặc biệt tại một mộ đất mang ký hiệu M37 tại di chỉ Lai Nghi, một cụm 6 đồ đồng thời Đông Hán cũng được phát hiện, bao gồm: 1 đỉnh đồng, 1 ấm đồng, 1 xanh đồng, 1 chậu đồng và 2 bát đồng...

Qua nhiều năm khai quật, phục chế, Bảo tàng Quảng Nam và một số bảo tàng cấp huyện như Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn đã có một bộ sưu tập phong phú hiện vật về nền văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị và hết sức độc đáo. Đầu tiên phải nói đến các mộ chum với hình dáng, kích thước khác nhau như hình trụ, hình quả trứng, mộ vò... Người Sa Huỳnh đã dùng các loại chum này để mai táng, chôn cất người chết và cùng với đồ tùy táng như bình, lọ, đồ trang sức, công cụ lao động... Độc đáo nhất là tại Duy Xuyên, các nhà khảo cổ đã phát hiện một ngôi mộ chum kép, một hình thức mai táng có một không hai thời đó: mộ chum nhỏ nằm trong một mộ chum lớn.

Các bộ hiện vật Sa Huỳnh độc đáo này không chỉ phục vụ khách tham quan mà còn góp phần nghiên cứu, tìm hiểu, tái hiện bức tranh đa sắc của nền văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Nam.

AN TRƯỜNG

;
.
.
.
.
.