.

Tục thờ Bà trên đất Đại Lộc

.

Cho đến ngày nay, trong suốt quá trình mấy trăm năm từ khi có mặt trên vùng đất Đại Lộc, dinh thờ Bà Chúa Ngọc cùng với các miếu thờ khác có những thần tích, giai thoại riêng, nhưng nhìn chung đều có nét tương đồng trong cách cải biên, Việt hóa câu chuyện xoay quanh nhân vật thần thoại Thiên Y A Na/ Nữ thần Mẹ Xứ Sở - Bà Chúa Ngọc.

Đại Lộc và Duy Xuyên có chung dòng sông Thu Bồn. Nếu Duy Xuyên có tục thờ Bà Bô Bô (Bà Thu Bồn) thì ở Đại Lộc có tục thờ Bà Phường Chào, và những câu chuyện thần tích của hai bà đều na ná giống nhau như chỉ nói về một người, một nhân vật.

Người dân và du khách dự lễ cúng Bà Chúa Ngọc ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc.
Người dân và du khách dự lễ cúng Bà Chúa Ngọc ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc.

Với Bà Bô Bô (Bà Thu Bồn), thần tích kể rằng: Bà là con gái một phú hộ, khi lọt lòng mẹ đã có mái tóc dài ngang lưng và hàm răng ngọc ngà đẹp như hoa, chỉ cười chứ không bao giờ khóc như những đứa trẻ khác. Lên 5 tuổi bà đã biết dùng lá cây để chữa bệnh cứu người và không nhận của ai một lễ vật mọn nào. Một ngày kia, bà cho biết vào trung tuần của tháng, bà sẽ đi nơi khác. Vào giữa giờ Ngọ ngày 12-2 âm lịch năm nọ, bà hóa.

Bà Phường Chào thì chuyện kể rằng: Bà tên thật là Nguyễn Thị Của, sinh vào ngày 25-2 năm Cảnh Thịnh thứ tám (1800), tại thôn Phường Chào (nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc). Thân phụ làm quan triều Lê tên là Nguyễn Trí; mẹ họ Trịnh; và nhũ mẫu là Đoàn Thị Vệ. Cả ba là “Tam vị khải thần” được thờ tại miếu Nhũ Mẫu.

Bà có da trong vóc ngọc như tuyết, như cỏ hoa thơm đẹp, đi đứng khác thường. Thích quần áo sạch sẽ; là bậc nữ lưu đoan chính; dịu dàng nghiêm trang đức độ hơn người. Năm 17 tuổi (năm Gia Long thứ mười sáu – 1817), bà quy tiên. Sau khi qua đời, bà hiển linh đi đây đi đó để trừng phạt kẻ ác, chữa bệnh cho dân, cứu người bị nạn, giúp dân lập chợ buôn bán làm ăn. Bà được tôn thờ thành một nữ thần. Dân gian có câu: Bô Bô nói với Phường Chào/ Xem tôi với chị bên nào hiền hơn.

Nhìn chung, Bà Phường Chào như thần tích trình bày ở trên là một Nhân thần dân dã địa phương do linh ứng nên được Triều Nguyễn phong thần, thuộc vào hệ thống thần linh chính thống. Tuy nhiên, một số chi tiết của câu chuyện được ghép trong thần phả đã cho thấy những điểm tương đồng giữa Bà Phường Chào với Bà Bô Bô. Nói cách khác, Bà Phường Chào là một nữ thần Chăm được Việt hóa ở mức độ cao và được thờ cúng nhiều nơi trên Đại Lộc như Đại Cường, Đại Nghĩa, Ái Nghĩa…

Ở xã Đại Sơn, cũng có Dinh Bà nằm cạnh bờ sông Vu Gia. Trước dinh là một vũng nước xoáy rất sâu, thuyền bè qua lại vô ý lọt vào vũng xoáy ấy thì sẽ gặp nguy hiểm, khó thoát ra được. Dân gian vùng này lưu truyền câu chuyện rằng Bà ở đây và Bà Thu Bồn là hai chị em. Thả một trái bưởi xuống vũng xoáy bên này, sáng hôm sau trái bưởi sẽ được nổi lên ngay bến sông trước dinh Bà Bô Bô bên sông Thu Bồn.

Người dân nơi đây còn lưu truyền câu chuyện được “Việt hóa” rằng, ngày xưa có một đôi vợ chồng rất mực yêu thương nhau. Họ sống hạnh phúc trong một túp lều nhỏ bên bờ sông. Người chồng hằng ngày chăm lo chài lưới và rẫy nương; người vợ đảm đang nội trợ, vườn tược. Hai người sinh được một đứa con trai và sống rất hạnh phúc. Một hôm người chồng chống ghe lên phía thượng nguồn thả lưới, hẹn chiều xuôi dòng sẽ đem về mớ cá đầy. Gặp mùa gió bão, chiều hôm ấy mưa to, nước sông dâng cao ngất, rều rác, cây rừng trôi về ngổn ngang dòng chảy. Người vợ chờ đến tối mịt vẫn không thấy bóng dáng người chồng. Rồi nhiều ngày sau nữa, nàng cứ bồng con ra bến đợi. Chẳng tính được bao nhiêu ngày đợi chờ như thế, mẹ con nàng kiệt sức ngồi gục chết trên bến nước. Sau nhiều năm, dân làng cảm thương tình cảm thủy chung của người vợ, bèn lập miếu thờ ngay trên bến, cạnh túp lều của đôi vợ chồng nọ. Ngôi miếu ấy bây giờ người ta gọi là Dinh Bà.

Ở Đại Lộc còn có Dinh Bà Chúa Ngọc ở làng Phước Lộc, xã Đại Quang. Theo giai thoại dân gian, cách đây hơn 200 năm, dân làng thấy Bà Chúa Ngọc hiện về tắm suối và nhập vào xác người phàm, ra ân cứu độ chúng sinh bằng những cây thuốc Nam có hiệu quả nên dân làng nhớ ơn xây miếu thờ Bà. Bà Chúa Ngọc còn được gọi là Bà Chúa Tiên hay Thánh mẫu Thiên Y A Na. Triều Nguyễn sắc phong cho bà là “Hồng nhân Phổ tế Linh ứng Thượng đẳng thần”.

Trẩy hội Bà Chúa Ngọc hằng năm (mùng 7 tháng Giêng Âm lịch) ở làng Phước Lộc, có rất đông dân địa phương và du khách thập phương đến dâng hương, cúng tế cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Những năm chẵn, sau lễ dâng hương, du khách có thể thưởng thức các trò chơi dân gian như chơi bài chòi, bịt mắt đập om… thưởng thức các món ăn truyền thống quê hương như mì Quảng, bánh tráng đập, bánh đúc… Sau đó, du khách theo con đường mòn nhấp nhô đá tham quan các ghềnh, thác tuyệt đẹp của dòng Suối Mơ bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Ngược về phía tây Đại Lộc, đến thôn Trúc Hà, xã Đại Hưng, ta còn gặp một ngôi miếu cổ thờ “Ngũ hành Tiên nương”, với câu chuyện dân gian khá lý thú kể về 5 người đàn bà có công với Triều Nguyễn. Chuyện kể rằng, khi Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy đến cánh đồng Trúc Hà, gặp 5 người đàn bà đang cấy lúa, họ chỉ hướng cho chúa chạy thoát, sau đó chỉ một hướng khác để đánh lừa quân Tây Sơn. Cuộc truy đuổi không thành, quân Tây Sơn quay lại giết 5 người đàn bà kia. Sau khi thống nhất giang sơn, vua Gia Long (tức Chúa Nguyễn Ánh) nhớ ơn 5 người phụ nữ đã cứu mình, bèn ra sắc phong là “Ngũ hành Tiên nương” và cho lập miếu thờ tại nơi họ bị giết. Hằng năm nhân dân tổ chức lễ hội vào ngày mồng 7 tháng Giêng để ghi nhớ sự hy sinh quên mình cứu chúa của họ.

Ta còn bắt gặp những nơi có tập tục Thờ Bà trên đất Đại Lộc như “Mộ Bà” ở Quảng Đại, Đại Cường; “Mộ Bà” ở Khu 6 Ái Nghĩa… mà mỗi nơi, mỗi dinh, miếu, mộ… những giai thoại kể về các nhân vật “Bà” đôi khi có cải biên chút đỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, sự kiện của vùng đất con người nơi đó, nhưng chung quy cũng đều mang dáng dấp của tập tục thờ cúng Thiên Y A Na/ Mẹ Xứ Sở - Bà Chúa Ngọc, nhân vật Nữ thần truyền thuyết của người Chăm đã được Việt hóa tự lâu đời.

NGUYỄN HẢI TRIỀU

;
.
.
.
.
.